COP27 bàn về bồi thường khí hậu

QUỐC HƯNG 07/11/2022 10:43

(QNO) - Lần đầu tiên, vấn đề về bồi thường thiệt hại vì trái đất nóng lên được đưa vào chương trình nghị sự kể từ khi các cuộc đàm phán về khí hậu bắt đầu cách đây nhiều thập kỷ.

COP27 kahi mạc tại . Ảnh: AFP
COP27 khai mạc tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập) vào ngày 6/11. Ảnh: AFP

Hôm qua 6/11, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc 2022 (COP27) khai mạc tại thị trấn nghỉ mát ven biển Sharm el-Sheikh (Ai Cập) với việc thảo luận về bồi thường thiệt hại khí hậu.

Các đại biểu từ gần 200 quốc gia tập trung về Sharm el-Shei để tham dự hội nghị - nơi thế giới dõi theo và hy vọng về việc duy trì mục tiêu ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên hành tinh.

Hơn một thập kỷ trước, các quốc gia giàu có từ chối các cuộc thảo luận chính thức về mất mát và thiệt hại khí hậu - thuật ngữ mô tả các quốc gia giàu chi trả tiền để giúp các nước nghèo ứng phó với hậu quả khi nhiệt độ trái đất gia tăng mà các nước nghèo vốn chỉ chịu trách nhiệm một phần nhỏ về phát thải. 

Tại COP26 năm ngoái ở Glasgow thuộc Vương quốc Anh, các quốc gia có thu nhập cao chặn đề xuất về một cơ quan tài trợ tổn thất và thiệt hại khí hậu, thay vào đó ủng hộ một cuộc đối thoại kéo dài 3 năm để thảo luận về tài trợ.

Tuy nhiên, áp lực giải quyết vấn đề ngày càng gia tăng khi thiên tai ngày càng diễn ra khắc nghiệt cả về mức độ và tần suất. Như lũ lụt năm nay ở Pakistan gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, hơn 1.000 người thiệt mạng. Hàng triệu người châu Phi phải di dời nhà cửa vì hạn hán...

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đồng thời là Chủ tịch COP27 phát biểu: "Việc đưa vào chương trình nghị sự phản ánh tinh thần đoàn kết đối với các nạn nhân của thảm họa khí hậu. Quyết định lần đầu tiên tạo ra một không gian ổn định về định chế trong chương trình nghị sự chính thức của COP và Thỏa thuận Paris để thảo luận vấn đề cấp bách, thu xếp kinh phí cần thiết giải quyết những vấn đề hiện còn bị bỏ trống, ứng phó với mất mát và thiệt hại".

Hạn hán khiến nhiều người tại châu Phi tử vong, hàng triệu người khác rời bỏ nhà cửa. Ảnh: AFP
Hạn hán khiến nhiều người tại châu Phi tử vong, hàng triệu người khác rời bỏ nhà cửa. Ảnh: AFP

Các quốc gia giàu có cũng đang hoạt động kém hiệu quả với lời hứa cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để giúp các nước đang phát triển cắt giảm lượng khí thải CO2 và thích ứng với biến đổi khí hậu, như xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo vệ nguồn cung cấp nước uống khỏi nước biển dâng.

Điều đáng lo ngại khác là hiện nhiều quốc gia, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ đang kêu gọi tăng cường cung cấp nhiên liệu hóa thạch để giải quyết bài toán thiếu hụt nhiên liệu cũng như hạ giá năng lượng tiêu dùng -  một xu hướng có nguy cơ trì hoãn sự chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng sạch hơn.

Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry cho biết, các cuộc thảo luận về mất mát và thiệt hại hiện nay trong chương trình nghị sự tại COP27 dù không liên quan đến trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường ràng buộc, việc này nhằm dẫn đến một quyết định dứt khoát "không muộn hơn năm 2024". 

Báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc cho biết, lượng khí thải toàn cầu trên đà tăng 10,6% vào năm 2030 so với mức năm 2010. Thế giới cần phải giảm lượng khi thải đó 43% vào thời điểm đó để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp như mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015. Hội nghị khí hậu toàn cầu được kỳ vọng sẽ giải quyết sẽ các vấn đề then chốt của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu.

QUỐC HƯNG