Diệt muỗi vằn để chặn sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương. Diệt muỗi vằn - mầm gây bệnh sốt xuất huyết là một trong những biện pháp cấp bách cần sự chung tay của cộng đồng nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguyên nhân là muỗi vằn mang mầm bệnh lây truyền. Mặc dù đã dự báo theo chu kỳ của dịch sốt xuất huyết nhưng do thời tiết thay đổi, độ ẩm gia tăng và sự chủ quan nên sốt xuất huyết lan rộng, số ca mắc mới tăng cao.
Sốt xuất huyết bùng phát dai dẳng, khó dập dịch vì cơ chế sinh mầm bệnh từ muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Theo các chuyên gia y tế, muỗi vằn chưa có mầm bệnh nhưng khi hút máu người mắc sốt xuất huyết sẽ mang mầm bệnh. Khi nó đẻ trứng sẽ truyền mầm bệnh sang trứng, muỗi sinh ra từ trứng đó cũng mang sẵn mầm bệnh. Thế hệ muỗi mang mầm bệnh này giao phối với muỗi chưa mang mầm bệnh sẽ tiếp tục truyền mầm bệnh sốt xuất huyết cho thế hệ muỗi tiếp theo gây bệnh.
Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, đã xuất hiện 251 ổ dịch sốt xuất huyết ở 113 xã của 18/18 huyện, thị xã, thành phố, với hơn 13.700 ca bệnh (có 389 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và 35 ca sốt xuất huyết nặng), cao gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2019 (là năm bùng phát dịch sốt xuất huyết ở 82 xã, 241 ổ dịch sốt với 11.651 ca mắc sốt xuất huyết).
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Quảng Nam hiện nay cao gấp 4 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm (2016 - 2020). Số ca mắc sốt xuất huyết/100.000 dân hiện nay là 917 ca, rất cao và cao nhất kể từ năm 2017 đến nay. Các địa phương có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cao là Thăng Bình, Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Phú Ninh…
Trong vòng nửa tháng trở lại đây, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam) tiếp nhận và điều trị từ 40 - 50 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mỗi ngày. Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện đang gia tăng.
Ông Nguyễn Đình Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay, bệnh viện đã ghi nhận khoảng 4.300 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó ca nặng phải chuyển viện là 29 ca, đang điều trị 300 ca bệnh.
“Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue có tập tính đẻ ở nơi nước sạch/nước mưa, nhất là các dụng cụ chứa nước trong nhà. Muỗi này có tốc độ sinh đẻ rất nhanh, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, nóng ẩm, muỗi sinh sôi phát triển với mật độ rất cao trong thời gian ngắn.
Để diệt muỗi gây mầm bệnh sốt xuất huyết thì tất cả dụng cụ chứa nước phải được đậy kín, không cho muỗi đẻ trứng để sinh ra lăng quăng. Gia đình cũng như cơ quan phải tổng vệ sinh.
Khi có dấu hiệu bị sốt và đau mỏi cơ, người dân phải đến khám tại các cơ sở y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được phát hiện, tư vấn và điều trị sốt xuất huyết kịp thời” - ông Nguyễn Đình Hoàng khuyến cáo.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trứng muỗi vằn chịu được khô hạn. Trong 6 đến 9 tháng bám trên dụng cụ chứa nước đã khô nhưng khi có vài giọt nước thì trứng muỗi vằn cũng sẽ nở ra bọ gậy rồi thành muỗi.
Muỗi thường hoạt động đốt người vào ban ngày, hoạt động cao điểm vào lúc sáng sớm và chiều tối. Việc diệt muỗi vằn rất khó nếu không có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng chung trong thực hiện phương châm “Không có bọ gậy, lăng quăng, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết”.
Theo chu kỳ các năm từ 2016 - 2021, tuần 37 đến tuần 48 là khoảng thời gian số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng cao và đạt đỉnh trong năm. Dự kiến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2022 ở Quảng Nam sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đồng thời làm việc với các sở ngành, đơn vị liên quan và các địa phương nơi ghi nhận số ca mắc ở mức cao của toàn tỉnh. Công tác diệt bọ gậy, tự diệt muỗi là một trong những ưu tiên hàng đầu để phòng chống dịch sốt xuất huyết hiện nay.