Chống ngập úng khu vực nội thị Tam Kỳ: Ngăn lũ ngoại lai và thoát lũ nội đô
Nhiều giải pháp được đưa ra tại tọa đàm “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chống ngập úng khu vực nội thị Tam Kỳ” do TP.Tam Kỳ tổ chức cuối tuần qua; trong đó hai giải pháp chính là ngăn lũ tràn vào nội đô và thoát lũ.
Hai dạng ngập lụt
Đô thị Tam Kỳ trong những năm gần đây đối mặt những trận ngập lụt lớn, chưa từng có trong lịch sử. Từ năm 2018 đến nay tình trạng ngập của đô thị Tam Kỳ ngày càng tăng lên cả về tần suất, mức ngập cũng như diện tích ngập.
Nhiều câu hỏi được đặt ra như công tác lập, triển khai các quy hoạch đã tính đúng và đủ cho vấn đề thoát nước đô thị; hệ thống thoát nước đã được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh chưa; những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu… cùng rất nhiều câu hỏi khác cần tìm lời giải nhằm giải quyết bài toán ngập lụt, cải thiện môi trường sống cho người dân Tam Kỳ.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, tiếp nối hội thảo “Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt TP.Tam Kỳ và vùng phụ cận” do UBND tỉnh tổ chức vào tháng 11/2021, UBND TP.Tam Kỳ đã phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng thoát nước để lập đề án thoát nước đô thị Tam Kỳ.
“Việc tổ chức nghiên cứu tổng thể, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất được các giải pháp kỹ thuật khả thi nhằm hạn chế tác động của lũ lụt là hết sức cần thiết. Đến nay, sau gần một năm tích cực khảo sát và nghiên cứu, đơn vị tư vấn đã cơ bản phác họa được bức tranh toàn cảnh về ngập lụt đô thị Tam Kỳ và các giải pháp khắc phục, xoay quanh một số nội dung như nguyên nhân gây ngập úng khu vực nội thị Tam Kỳ và các giải pháp; vấn đề đô thị hóa và ngập lụt đô thị Tam Kỳ hiện nay; vận hành các hồ thủy điện, hồ chứa trong phòng chống ngập lụt” - ông Ảnh nói.
PGS-TS.Nguyễn Chí Công - Trưởng khoa Xây dựng công trình thủy (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng - đơn vị nghiên cứu đề án) cho biết, qua nghiên cứu hai trận lũ lụt lớn điển hình trong hai năm 2021 và 2022 cho thấy, Tam Kỳ có 2 dạng ngập lụt.
Đó là ngập diện rộng do nước sông Tam Kỳ và Bàn Thạch dâng cao khiến nước nội đô không thoát ra sông được, thậm chí có hiện tượng chảy ngược vào nội đô gây ngập úng (trận lũ lụt tháng 10/2021); dạng thứ hai là ngập nội đô, mực nước sông Bàn Thạch và Tam Kỳ thấp, nước nội đô vẫn không thoát ra sông được (trận lũ lụt tháng 10/2022).
“Nguyên nhân được xác định là lượng mưa quá lớn, hệ thống thoát nước không đáp ứng nên nước nội đô rút chậm gây ngập úng. Đồng thời, lượng nước ngoại lai từ phía tây và bắc đổ về đô thị Tam Kỳ rất lớn, thậm chí gấp vài chục lần nước nội đô, gây nên ngập lụt” - ông Công giải thích.
Ngăn lũ và thoát lũ
Từ các nguyên nhân trên, theo PGS-TS.Nguyễn Chí Công, để nâng cao năng lực thoát lũ, một mặt cần cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước cho nội thị, hạ thấp mực nước sông Bàn Thạch, sông Tam Kỳ để nước nội đô tiêu thoát nhanh; mặt khác, chia bớt lượng nước phía tây qua tuyến kênh ra ngả sông Trường Giang, khơi thông tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương… Ngoài ra, cần bảo tồn các khu dự trữ nước tự nhiên như ao hồ, khu trũng phía tây.
Ông Công lưu ý thêm, qua nghiên cứu, thấy rằng quy hoạch phân khu 6 phía đông sông Bàn Thạch có cao độ cao hơn nội đô sẽ khiến cho khu vực nội đô ngập sâu hơn. Đối với phân khu 2 phía tây, lượng nước bằng cả nội đô nhưng hệ thống thoát nước quá nhỏ.
“Vì vậy, cần có đánh giá lại đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; trong đó quy hoạch về thoát nước chưa hợp lý vì chỉ tính nước nội đô mà chưa tính lượng nước từ phía tây và bắc đổ về đô thị Tam Kỳ rất lớn, thậm chí gấp vài chục lần” - PGS-TS.Nguyễn Chí Công chia sẻ.
Ông Lê Tú - Giám đốc Công ty CP Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam cho rằng, biến đổi khí hậu và yếu tố lịch sử hình thành đô thị cận sông nên dù muốn dù không cũng phải thích nghi với ngập lụt rộng, còn ngập lụt nội đô cần giải pháp.
“Hệ thống thoát nước hiện nay quá tải vì thiết kế thời kỳ trước, giờ lạc hậu. Bê tông hóa ngày càng nhiều nên việc hấp thụ nước rất ít (theo tính toán là 20%). Vì vậy, cần quan tâm đầu tư hạ tầng xanh như công viên, hợp khối, duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước, nạo vét lòng sông Bàn Thạch, Kỳ Phú” - ông Tú đề xuất.
Ủng hộ giải pháp ngăn nguồn nước ngoại lai từ Phú Ninh xuống và từ Thăng Bình vào Tam Kỳ, ông Hoàng Xuân Việt - nguyên Chủ tịch UBND Tam Kỳ nói thêm, về kênh nhận nước từ phía tây chạy song song với đường sắt, trước đây có bàn nhưng không có kinh phí và đây là giải pháp hợp lý để ngăn nước đổ về nội đô.
Lấy ví dụ Hà Lan nằm thấp hơn mực nước biển, ông Việt đề xuất trong quá trình phát triển nên cố gắng giữ lại các hồ để điều tiết nước nhằm tăng khả năng chứa nước cho đô thị Tam Kỳ.
Trong khi đó, nguyên Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Bùi Quốc Đinh đề nghị quan tâm “lấy lại những gì đã mất” bởi gần như tất cả 5 cống thoát nước xuống sông Bàn Thạch hiện nay đều bị người dân lấn chiếm làm hẹp dòng chảy. Về giải pháp thoát nước từ tây sang đông, bắc vào nam cần được nghiên cứu thấu đáo.
Kết luận buổi tọa đàm, ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho rằng, chống ngập úng hiện nay là vấn đề rất khó đối với đô thị cả nước chứ không riêng đô thị Tam Kỳ. Trong phạm vi của mình, thành phố giới hạn đề tài ngập lụt nội đô trong bức tranh tổng thể chống ngập lụt cho Tam Kỳ và vùng phụ cận gồm Núi Thành, Thăng Bình mà UND tỉnh đang tập trung nghiên cứu.
Thống nhất với các giải pháp và kiến nghị của đại biểu tại cuộc tọa đàm, ông Trần Nam Hưng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu theo hướng xây dựng các đường thoát cắt lũ, từ phía bắc sang sông Trường Giang, sông Đầm ra Trường Giang, cắt bớt nước phía tây, thoát nước qua cống ngầm đường Trưng Nữ Vương; nạo vét sông Kỳ Phú, Tam Kỳ; bảo tồn thoát nước tự nhiên; khơi thông dòng chảy hệ thống thoát nước hiện nay.