Phong vị ngày mưa
Những ngày mưa gió bão bùng cũng sẽ thơ mộng, lắng đọng biết bao trong mắt du khách nếu có những không gian, câu chuyện tương thích với sự trở mình của thời tiết bản địa.
Tản mạn ngày mưa
Mùa mưa lụt chưa qua, đã bốn năm lần đường Bạch Đằng và mấy cung đường khác trong phố cổ Hội An nhấp nhô cùng con nước. Nước lên, cả “Tây” cả “ta” háo hức tề tựu về “bến” lên thuyền ngắm phố. Không còn tản bộ như mọi ngày, mấy vị khách lênh đênh qua phố để được cảm nhận rõ nét hơn những mái nhà rêu cùng nhịp sống chậm rãi của cư dân phố cổ ngay trong mưa lụt.
Lụt từ lâu đã trở thành một phần cuộc sống người Hội An trong những tháng cuối thu đầu đông. Phố đã quen với cách thích ứng cùng lụt và vẫn tạo ra ấn tượng riêng biệt với du khách ngay trong thời điểm lụt lội.
Vào phố lội lụt, rong chơi ngắm lụt dần trở thành trải nghiệm thú vị mà nhiều du khách kháo nhau phải thử một lần khi về với phố Hội mùa mưa. Ông Tiến - một chủ thuyền phục vụ khách trên sông Hoài chia sẻ, lượng khách mà mình phục vụ trong những ngày nước lên có thể gấp ba, bốn lần so với ngày thường.
Một bữa nọ, chúng tôi tản bộ ở Mỹ Sơn cũng dưới màn mưa giăng. Nghìn năm đền tháp trong mắt ai ẩn hiện như khói sương bảng lảng. Thấp thoáng xa xa lác đác bóng dáng lữ khách nhẩn nha men qua lối nhỏ.
Mưa gió không ngăn bước những vị khách ưa xê dịch, yêu thích khám phá nét hoài cổ quá bước nơi thung lũng này. Không gian cô liêu ngày mưa như khiến du khách thẩm thấu sâu hơn những giai thoại cùng vẻ đẹp thâm trầm vượt thời gian của khu đền tháp.
Giữa nhiều loại hình du lịch có nguy cơ “ngủ đông” vì bất lợi thời tiết, du lịch di sản vẫn có thể mang đến cảm xúc cho du khách theo cách rất riêng tựa như chính sự bền bỉ trước những bể dâu của mạng lưới di sản này…
Tìm cơ trong nguy
Đại diện công ty lữ hành Hội An Express chia sẻ, trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, ở thời điểm Hội An bị ảnh hưởng của lụt hoặc mưa bão đã có một số nhóm khách quốc tế thay đổi kế hoạch du lịch. Họ vẫn sang Việt Nam nhưng quyết định ở lại Hà Nội hoặc TP.Hồ Chí Minh để khám phá bởi e ngại về thời tiết ở địa phương.
Đáng chú ý, thời điểm khởi động mùa cao điểm khách quốc tế (khoảng từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 hằng năm) lại trùng với mùa thiên tai ở Quảng Nam. Du lịch không có chuyển động mới thì sẽ mất đi sức hút với một lượng khách đáng kể có nhu cầu đến địa phương trong thời điểm này. Hoặc nếu khách đến thì cũng bỏ lỡ nhiều câu chuyện, phong vị đặc trưng quê xứ dãi dầu qua bao mùa nước lụt.
Theo TS. Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững, mưa lụt là những hiện tượng thiên nhiên không thể cưỡng lại được. Đừng hoảng loạn và đừng không làm gì cả mà cần có phương pháp tư duy tính đột phá, khác với sự hiểu biết thông thường để khai thác những cơ hội từ trong mưa lụt.
Trên cơ sở phân tích các khía cạnh từ mưa lụt Hội An, TS. Hạnh đề xuất, sử dụng công nghệ GIS để quản lý mức độ ngập lụt và quy hoạch thiết kế các tuyến, điểm du lịch tham quan phù hợp với việc thưởng thức cảnh quan phố cổ.
Tổ chức tour du lịch chung tay bảo vệ di sản dành cho loại hình khách du lịch mạo hiểm và du lịch trách nhiệm. Quy hoạch các không gian để ngắm mưa, nghe mưa, thưởng thức những giá trị tinh tế khác của mưa. Khai thác hệ thống chùa chiền, nhà vườn ở vùng đệm di sản thành không gian tĩnh tâm, thiền định trong những ngày mưa cho nhóm khách có nhu cầu…
Còn nhớ sau khi cơn bão Noru đổ bộ (cuối tháng 9/2022), một nhóm khách quốc tế không ai bảo ai đã xắn tay cùng với công nhân môi trường thông rác dưới cầu An Hội. Không chút e ngại, gương mặt họ còn biểu lộ sự hào hứng khi góp chút sức lực cùng cư dân bản địa khôi phục hình ảnh di sản sau thiên tai.
Thế là họ đã rời khỏi Hội An và mang theo một kỷ niệm sâu sắc mà trước đó không hề có trong hoạch định. Để thấy, những câu chuyện, sản phẩm du lịch vẫn ẩn chứa đâu đó giữa lòng di sản ngay trong những ngày mưa gió.