Công lý và tình người: "Tục làng" phải theo "luật nước"

ĐĂNG NGUYÊN 06/11/2022 06:12

Người vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vốn còn nhiều hạn chế về kiến thức pháp luật nên thường lầm tưởng về hành vi của bản thân theo tập tục của làng là không vi phạm pháp luật. Chính điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, quyền lợi cũng như vai trò bảo vệ cá nhân trước pháp luật, nhất là các trường hợp dễ bị tổn thương như phụ nữ, người già, neo đơn…

Lực lượng công an Nam Giang đến nhà dân tuyên truyền pháp luật. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Lực lượng công an Nam Giang đến nhà dân tuyên truyền pháp luật. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Vi phạm vì thiếu kiến thức pháp luật

Một cán bộ tòa án tại miền núi chia sẻ rằng, vài năm trở lại đây, địa phương chứng kiến không ít trường hợp người dân tộc thiểu số bị xử lý hành vi vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý một cách “bất đắc dĩ”.

Nguyên do, phần lớn người dân thiếu kiến thức về pháp luật, chưa nắm được hành vi của mình là trái với quy định của pháp luật hiện nay nên “ngây ngô” thực hiện. Nhiều vụ khi được đưa ra xét xử, nghe bị cáo trình bày, cả hội đồng xét xử ai cũng cay khóe mắt.

Năm 2021, người dân xã Jơ Ngây (Đông Giang) cũng từng… “ngạc nhiên” khi chứng kiến Alăng B. bị cơ quan chức năng tiến hành lệnh bắt giam, khởi tố về hành vi xâm hại trẻ vị thành niên. Điều khiến họ bất ngờ, là bởi lâu nay, ở địa phương miền núi việc lấy vợ, gả chồng sớm được xem là điều hết sức bình thường trong lệ làng.

Theo cáo trạng của cơ quan điều tra, thời điểm cuối năm 2019, Alăng B. có quan hệ yêu đương với Bhnướch Thị P., trú cùng địa phương. Tuy Bhnướch Thị P. tự nguyện nhưng thời điểm quan hệ tình dục, P. còn ở tuổi dưới 16 nên Alăng B. đã vi phạm pháp luật.

Sau khi B. bị xử lý, người dân địa phương mới ngã ngửa, rằng việc yêu đương, rồi bắt vợ, gả chồng quá sớm (dưới 16 tuổi) theo tục làng trước đây là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, tại các cuộc họp dân làng, câu chuyện này được đưa ra để tuyên truyền, xem đó là bài học để răn đe cộng đồng.

Mới đây nhất, tại phiên tòa xét xử công dân phá hoại rừng tự nhiên xảy ra tại Bắc Trà My, nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến 2 người đàn ông dân tộc M’nông ở xã Trà Bui bị tuyên án tù.

Bởi đằng sau hành vi của họ là câu chuyện hết sức bi hài, phần lớn là do tập tục, cũng như hoàn cảnh thực tế cuộc sống. Bởi họ suy nghĩ đơn giản, chặt cây rừng để làm nhà là chuyện bình thường nên đâu ngờ lại bị vướng vào vòng lao lý. Đứng trước câu chuyện này, Hội đồng xét xử đã tìm đủ mọi tình tiết để giảm nhẹ án phạt, giúp các bị cáo sớm trở lại với cuộc sống thường nhật.

Dần xóa bỏ tục lệ trái pháp luật

Ông Bh’nướch Rè - cán bộ Tòa án huyện Tây Giang chia sẻ, gần 10 năm làm nghề đã chứng kiến không ít câu chuyện “dở khóc, dở cười” khi tiếp nhận hồ sơ, hòa giải giữa cộng đồng miền núi. Bởi những tập tục trái với pháp luật vẫn còn tồn tại, và nó sẽ tồn tại khi người dân thiếu hiểu biết pháp luật. Do đó, phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ góp phần quan trọng  xóa bỏ dần hủ tục.

Phát huy vai trò già làng giúp người dân miền núi nâng cao hiểu biết về pháp luật. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Phát huy vai trò già làng giúp người dân miền núi nâng cao hiểu biết về pháp luật. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Như trong chuyện đòi của hồi môn, ông Rè nói, có trường hợp, ngay cả già làng cũng “hùa” theo chuyện đòi lại của cải, phạt vạ. Hòa giải bất thành, họ kéo nhau đến cơ quan pháp luật nhờ giải quyết, can thiệp.

Có vụ việc giá trị tài sản “của hồi môn” được liệt kê lên đến hàng trăm triệu đồng, như trường hợp của Bh’riu Ph. và Bh’ling Thị Ch. ở xã Lăng mới đây. Sau hơn 10 năm chung sống, hai vợ chồng quyết định ly hôn. Nhưng, sau ly hôn, gia đình Bh’riu Ph. nhất quyết đòi lại “của hồi môn” từ gia đình vợ cũ, theo luật tục Cơ Tu, khiến câu chuyện trở nên rối rắm.

Một trường hợp khác cũng liên quan đến tập tục, là chuyện của Bh’ling D. với nhóm người có quan hệ thông gia bên vợ. “Vài năm trước, anh Bh’ling D. lấy vợ ở cùng địa phương, nhưng vợ anh ngày trước đã có chủ (c’la) - một dạng hứa hôn theo tục nối dây của người Cơ Tu. Vì thế, anh D. bị gia đình c’la đòi của hồi môn, buộc phải bồi thường một con trâu, cùng 50 triệu đồng tiền mặt - số tài sản mà gia đình họ đã “đặt cọc” để lo cho vợ anh D. ăn học.

Từ việc cá nhân, vô tình trở thành câu chuyện pháp luật, khiến việc giải quyết rất khó khăn, phức tạp. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật trong cộng đồng miền núi một cách sâu rộng” - ông Rè cho biết thêm.

Trung tá Trần Viết Bằng - Phó Trưởng Công an huyện Đông Giang cho hay, để nâng cao nhận thức, cũng như kiến thức của người dân về pháp luật, bên cạnh tăng cường công tác hỗ trợ, giáo dục tư pháp, cần chú trọng và phát huy vai trò người có uy tín trong việc vận động, tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng.

Đây được xem là giải pháp hữu hiệu, giúp người dân miền núi hiểu sâu hơn về các quy định của pháp luật, từ đó chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Bằng nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân đang dần “bắt nhịp” với câu chuyện pháp luật trong đời sống, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định cuộc sống bình yên.

Ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh: “Không ai bị bỏ lại phía sau”, cả trong các vấn đề pháp lý

 

Hiện nay, dễ nhận thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục và tiếp cận pháp luật có sự phân tầng. Người dân ở khu vực thành thị, đồng bằng có điều kiện tiếp cận thông tin đại chúng, đặc biệt là tiếp cận với chính quyền các cấp thì sự hiểu biết các vấn đề liên quan đến pháp luật cũng dễ hơn. Ngược lại, người dân ở vùng sâu vùng xa, tiếp cận thông tin đại chúng khó khăn hơn thì nhận thức về pháp luật cũng thấp hơn…

Ở phía Nhà nước, phải thấy rằng đã quan tâm, giải quyết kịp thời những vấn đề kiến nghị, khiếu nại của người dân liên quan đến quan hệ pháp luật giữa Nhà nước và công dân. Nhờ đó, người dân vừa hiểu biết pháp luật vừa đồng thuận với Nhà nước về cách làm.

Tất nhiên, đây là một quá trình, không thể nói là mình đã làm tốt. Mà với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền thì việc này cần làm tốt hơn, càng ngày phải hoàn thiện hơn, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, giải quyết vấn đề dựa trên pháp luật.

Ở góc độ khác, những chính sách hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho người dân, nhất là những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, đối tượng yếu thế, người nghèo…, là sự ưu việt, rất đúng đắn. Điều này giúp nâng cao trình độ nhận thức của người dân về pháp luật, tác động tích cực đến xã hội, phù hợp với xu thế và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Để tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội rất quan trọng. Các đoàn thể cần quan tâm hơn đến hội viên, đoàn viên, thành viên của mình, đặc biệt là những người yếu thế, bằng cách hướng dẫn họ đến với cơ quan, người có thẩm quyền về công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, kể cả giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp luật. Đó là cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, không chỉ trong kinh tế mà cả các vấn đề xã hội, pháp lý.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý

 

Trong nhiều năm qua, Mặt trận với vai trò trách nhiệm của mình đã tập trung thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL) thông qua nhiều hình thức như tổ chức hội thi, hội diễn, tập huấn… Từ đó góp phần trang bị kiến thức và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng.

Trong nhiều hình thức phổ biến, GDPL thì hoạt động trợ giúp pháp lý cũng là phương thức để tuyên truyền, giới thiệu pháp luật đến người dân, đặc biệt là người yếu thế không có điều kiện tiếp cận pháp luật, trợ giúp pháp lý theo dịch vụ.

Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người yếu thế đóng vai trò quan trọng nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện quyền tự bảo vệ mình trước pháp luật, cũng là cách để họ thể hiện quyền làm chủ, bình đẳng trước pháp luật.

Trong hệ thống Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội cũng có những trung tâm trợ giúp pháp lý cho hội viên, đoàn viên và người khác có nhu cầu. Nhờ đó người nghèo, yếu thế có cơ hội tiếp cận kiến thức pháp luật, thậm chí được tư vấn miễn phí những thủ tục hành chính thực hiện quyền, yêu cầu của cá nhân.

Có những trường hợp, khi có người khiếu nại, khiếu kiện thì Trung tâm trợ giúp pháp lý, đặc biệt là Hội Luật gia, các đoàn thể cử người của mình bảo vệ quyền lợi cho hội viên là người nghèo, người khó khăn. Đây là kênh, phương thức góp phần đẩy mạnh phổ biến, GDPL cho người dân, thể hiện tính nhân văn của chế độ, vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích pháp luật của người dân.  VINH ANH (ghi)

ĐĂNG NGUYÊN