Công lý và tình người: Điệu lý giải quyết việc làng

ĐĂNG NGỌC 06/11/2022 06:10

Khi cuộc sống cộng đồng nảy sinh mâu thuẫn, để kịp thời giải quyết nội bộ, những già làng Cơ Tu thường tổ chức họp bàn tìm cách tháo gỡ. Lúc này, câu lý truyền thống thường được mang ra phân xử, trở thành công cụ giải hòa hữu hiệu.

Các già làng Cơ Tu ở xã Tà Lu và thị trấn P’rao (Đông Giang) hát lý trong ngày kết nghĩa. Ảnh: ĐĂNG NGỌC
Các già làng Cơ Tu ở xã Tà Lu và thị trấn P’rao (Đông Giang) hát lý trong ngày kết nghĩa. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Ghè rượu cần được mang ra, mâm thịt đậy bởi tàu lá chuối đặt giữa gươl. Hôm đó, là cuộc gặp gỡ giữa cộng đồng người Cơ Tu ở làng Voòng và làng Dầm (xã Tr’Hy, Tây Giang) để giải quyết câu chuyện nội bộ phát sinh liên quan đến đất canh tác. Câu lý bắt đầu vang lên, mọi người có mặt hôm đó đều chăm chú lắng nghe, gật gù theo từng nội dung của điệu lý, rầm rì như ngọn suối trên nguồn.

Ông Clâu Blao, một nghệ nhân có biệt tài hát lý ở làng Voòng nói, điều khiến ông nhớ mãi là kể từ sau cuộc họp bàn đó, cuộc sống của người dân hai làng trở nên đổi khác. Xóa dần những hiềm khích xưa cũ và khoảng cách địa lý, người dân hai làng cùng ăn trâu, uống rượu, cùng làm chung rẫy, chung máng nước.

Trong cộng đồng làng vùng cao, những mâu thuẫn đời thường nảy sinh được hòa giải bằng câu hát lý đầy triết lý nhân văn, thuyết phục như thế. Ông Blao hát một đoạn lý bằng tiếng Cơ Tu, rằng “hai cái ché đặt gần nhau, đừng để đụng nhau mà bể, khiến chủ không vui lòng”. Câu ví ấy hàm nghĩa, anh em hai làng sống gần nhau, đừng vì mâu thuẫn nhỏ mà làm bất hòa, mất đi tình nghĩa người vùng cao.

Chuyện của ông Blao làm tôi nhớ đến nghi thức kết nghĩa anh em của các già làng ở xã Tà Lu và thị trấn P’rao cách đây ít lâu. Sau màn thăm hỏi xã giao, bằng câu lý truyền thống, các già làng lần lượt đưa không gian sống vùng cao đầy sinh động và mong muốn một cuộc sống thuận hòa, không hiềm khích.

Già làng Arâl Chớp, đại diện xã Tà Lu cất vang câu lý ẩn chứa niềm tự hào khẳng định tình nghĩa anh em giữa hai địa phương như nguồn nước mát trong, thuần khiết. Từ đây về sau, họ phát chung ngọn rừng, uống chung mạch nước, gắn bó bền chặt như sợi mây vững chãi trên nóc nhà làng.

Ông Avô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, người Cơ Tu xem lễ pơr’ngoóch như một dịp kết nghĩa, thể hiện tính cố kết cộng đồng vùng cao. Không chỉ là nét văn hóa mang giá trị nghệ thuật đỉnh cao, nói lý - hát lý còn giúp giải quyết những mâu thuẫn, tạo sự hài hòa trong cuộc sống.

“Trong văn hóa làng Cơ Tu, mọi chuyện xử lý, giải quyết công việc chung cộng đồng đều được thể hiện bằng nói lý - hát lý đầy sự tinh tế về nội dung, nhẹ nhàng trong cách biểu đạt, đầy tính thuyết phục. Nhờ vậy, nhiều mâu thuẫn nhỏ trong đời sống cộng đồng được giải quyết ổn thỏa chỉ bằng việc nói lý - hát lý của già làng” - ông Phương nhấn mạnh.

ĐĂNG NGỌC