Sóng dội nơi vùng lộng
Ầm ào từ phía biển, không chỉ là con sóng bạc đầu mùa gió cả. Ngoài kia, chỉ cách bờ chừng vài hải lý, dậy lên muôn vàn con sóng khác xô đuổi những con tàu. Nạn đánh bắt hủy diệt, bởi những cú rồ ga của tàu giã cào, vượt thoát khỏi vòng truy đuổi của lực lượng kiểm ngư, biên phòng hay cảnh sát biển.
Đêm trắng trên ngư trường
Gần nửa đêm, chúng tôi bước lên con tàu BP43-1301 của lực lượng Biên phòng, đi cùng đoàn công tác của Phòng Thanh tra - kiểm ngư (Chi cục Thủy sản) và Hải đội 2 rời cảng, lặng lẽ khởi hành một chuyến tuần tra trên biển.
Những ngày tháng Mười, con tàu trườn lên sóng, chênh chao. Đã vào mùa đông, mùa biển động. Dù đã có nhiều lần theo tàu ra biển, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi nôn nao khi con tàu từ từ tiến ra phía ngoài khơi. Khu vực tuần tra, theo thông tin từ đoàn công tác, sẽ chủ yếu ở vùng lộng, cách bờ chừng 6-7 hải lý, nơi vẫn luôn “nóng” bởi tình trạng đánh bắt sai quy định, xâm phạm nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Nhoáng ánh đèn phía trước mũi tàu. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng tăng ga, bám đuổi một con tàu có dấu hiệu hành nghề giã cào - hành vi xâm hại nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Nhưng con tàu phía xa cũng... không vừa, tiếng động cơ rồ lên át tiếng sóng, tàu cá lập tức quay đầu bỏ chạy. Cuộc truy đuổi giữa đêm tối còn gặp thêm trở ngại bất ngờ: dông nổi giữa biển, mưa bắt đầu trút xuống cùng với gió mạnh, con tàu BP43-1301 vẫn lắc dữ dội bởi áp lực của sóng.
Tàu buộc phải giảm tốc độ, nương theo sóng chờ cơn dông trôi qua. Lựa chọn của thuyền trưởng, không hẳn chỉ để bảo đảm an toàn cho đoàn công tác. Giữa dông gió và đêm tối, việc truy đuổi hoàn toàn bất lợi, kể cả cho sự an toàn của tàu có dấu hiệu vi phạm. Nhưng ít ra, sự xuất hiện của cơ quan chức năng cũng kịp thời xua đuổi tàu cá trước khi kịp xâm hại hải sản vùng biển ven bờ…
“Những cuộc tuần tra buộc phải đảm bảo tính bất ngờ nên chúng tôi thường xuất bến vào đêm khuya. Do vậy nhiều khi gặp phải thời tiết xấu trên biển lúc đang tuần tra là điều không thể tránh khỏi. Nhưng điều đó không đáng ngại bằng sự theo dõi, cảnh báo gắt gao từ các đối tượng.
Chúng tôi bị theo dõi rất sát, nếu không khéo léo, các đối tượng sẽ báo ngay cho thuyền khai thác để tránh né hoặc neo tàu tránh sự kiểm soát, xử lý của lực lượng. Phát hiện đã khó, đến khi tìm cách bắt giữ, xử lý càng khó hơn.
Nhiều tàu cá không tuân thủ hiệu lệnh, tìm mọi cách trốn chạy, thậm chí vứt bỏ hết ngư cụ nhằm xóa tang chứng, vật chứng, gây khó cho công tác xử lý” - thuyền trưởng Hùng cho hay.
Cơn dông rồi cũng qua. Tàu tuần tra lại tiếp tục hành trình. Xuyên đêm tối, thuyền trưởng và các thành viên tổ tuần tra chia nhau căng mắt quan sát các hướng. Một thành viên tàu tuần tra chia sẻ, do hoạt động gần bờ, điều kiện liên lạc tốt hơn nên các tàu vi phạm luôn tìm cách cảnh báo cho nhau để trốn tránh.
Có trường hợp phát hiện tàu tuần tra từ xa là lập tức tắt máy, tắt đèn, thả trôi. Sớm hôm sau, khoảng 6h30, khi đến khu vực gần bãi Rạng (xã Tam Quang, Núi Thành), tàu tuần tra phát hiện một tàu cá hành nghề giã cào. Công tác triển khai tiếp cận được nhanh chóng thực hiện.
Làm việc với cán bộ Phòng Thanh tra - kiểm ngư, chủ tàu Bùi Thanh T. (trú xã Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi) khai nhận cùng một thuyền viên khác điều khiển tàu QNg 50967TS hoạt động giã cào ở gần bờ. “Chúng tôi mới tới, mới hạ lưới giã chạy được 15 phút thôi thì bị các anh bắt” - chủ tàu nói. Với hành vi khai thác giã cào ở vùng lộng, cán bộ Phòng Thanh tra - kiểm ngư lập biên bản để xử lý tàu cá của ông T.
Giữ cho ngày sau
Không ai muốn những cuộc vây bắt, truy đuổi các tàu cá vi phạm diễn ra trên biển. Ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Thanh tra - kiểm ngư nói, việc bắt giữ và xử lý các tàu cá vi phạm là trường hợp bất khả kháng, buộc phải làm để thể hiện sự nghiêm minh, tính răn đe của pháp luật. Nhưng đó không phải là lời giải tối ưu cho bài toán bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản.
Đã có mặt trên nhiều tuyến tàu tuần tra, ông Trường cùng nhiều anh em cán bộ đơn vị, lực lượng biên phòng phối hợp hiểu hơn ai hết về những rủi ro tiềm ẩn khi truy đuổi, không ít lần đối mặt với việc tàu cá vi phạm tìm mọi cách chống đối. Nhẹ thì chặt lưới, vứt ngư cụ, máy kích điện xuống biển phi tang. Cá biệt, có trường hợp cố tình chống đối, xúc phạm khi đối mặt với lực lượng làm nhiệm vụ.
Vùng lộng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bà con ngư dân khai thác bằng các cách thức truyền thống, mang tính hủy diệt như giã cào, kích điện để đánh bắt thủy hải sản. Việc này không chỉ khiến nguồn lợi ven bờ bị tận diệt, mà còn tác động tiêu cực đến nhiều yếu tố sinh thái khác.
Trước đây, tàu cá có công suất từ 90CV trở lên đủ tiêu chuẩn để khai thác vùng khơi. Tuy nhiên từ khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, nhiều tàu cá có công suất 90CV trở lên nhưng không đủ chiều dài từ 15m trở lên buộc phải trở lại khai thác vùng lộng, thậm chí nhiều tàu còn lấn cả vào vùng bờ dẫn đến ngư trường tại đây chịu áp lực lớn, nguồn lợi thủy sản dần khan hiếm.
Theo ghi nhận trong nhiều chuyến tuần tra, rất nhiều hình thức vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện như hành nghề giã cào khai thác gần bờ, khai thác sai nội dung ghi trong giấy phép, lặn sử dụng kích điện để khai thác thủy sản, dùng thuốc nổ để khai thác thủy sản tại các vùng rạn ven bờ như khu vực biển Tam Tiến, Bãi Rạng, Bàn Than, hoặc dùng pha xúc có công suất điện cao áp để khai thác thủy sản, lưới chụp...
Những hoạt động trên đều làm hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản, gây hậu quả về lâu dài. Từ đầu năm đến nay, đơn vị này cũng đã phối hợp với nhiều lực lượng như Hải đội 2, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng các đơn vị địa phương phát hiện, xử lý, phạt tiền hơn 200 triệu đồng đối với các tàu cá vi phạm các quy định tại Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 16/5/2019 về xử phạt vi phạm hành chinh trong lĩnh vực thủy sản.
Bám biển, là sẵn sàng đối mặt với biết bao bất trắc chực chờ, là chọn lựa mưu sinh bằng sự can trường, bằng kinh nghiệm, và phải bằng tình yêu thiêng liêng với biển. Không ai từ chối những con tàu ra khơi, khi biết rằng mỗi một con tàu luôn là một cột mốc sống của chủ quyền trên bao la biển giã.
Nhưng bất chấp những khuyến nghị, những răn đe để khai thác hủy diệt, tàn phá biển là một sự bất công không chỉ với biển, mà còn với cả hàng ngàn vạn ngư dân khác đang miệt mài bám và giữ biển.
“Chúng tôi còn mong hơn những chuyến đi tuần tra mà về “tay trắng”, bởi mình gặp sóng gió, ngư dân cũng đâu khác mình. Cuộc mưu sinh thì ai cũng vất vả, ngư dân càng vất vả hơn. Chỉ mong bà con hiểu, ý thức được công việc của mình, chấp hành các quy định khai thác. Biển phải được giữ bằng tình yêu, trách nhiệm của cả cộng đồng, bằng thái độ ứng xử văn minh, đúng pháp luật.
Không cách nào khác, là phải chuyển đổi từ các nghề khai thác thủy sản mang tính hủy diệt sang bảo vệ nguồn lợi và đi đôi với phát triển du lịch. Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng phối hợp với UBND xã Tam Tiến (Núi Thành) thành lập tổ cộng đồng xây dựng phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy hải sản tại bãi rạn Tam Tiến (rạn bà Đậu).
Đơn vị thực hiện dự án sẽ hỗ trợ ngư dân hướng đến bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản bền vững, chuyển đổi làm du lịch cộng đồng từ việc bảo tồn rạn biển. Đây là lối đi bền vững, lâu dài mà chúng tôi mong chờ” - ông Trường thông tin.