Thăng Bình nâng mức cảnh báo về dịch sốt xuất huyết
(QNO) - Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Thăng Bình. Từ đầu năm đến nay toàn huyện đã ghi nhận hơn 2.700 ca bệnh - dẫn đầu toàn tỉnh. Tại các bệnh viện trên địa bàn huyện mỗi ngày ghi nhận các bệnh nhân đến khám, điều trị sốt xuất huyết tăng cao.
Những ngày qua, bệnh nhân đến điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa tăng cao. Bệnh viện phải bố trí thêm các giường tại hành lang để điều trị.
Ông Lê Tấn Trường (thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải) từng đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa với biểu hiện sốt của bệnh sốt xuất huyết. Do nhẹ hơn nên ông được các y bác sĩ khuyến cáo về nhà điều trị. Về nhà được chừng 3 ngày, ông bắt đầu thấy ớn lạnh, sốt cao liên tục, mệt mỏi trong người, ông Trường đành quay lại Bệnh viện Thăng Hoa để nhập viện điều trị.
Ông Trường cho hay hầu hết các khoa đều kín bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết. Tôi nằm ở hành lang vài ngày nay được bố trí giường nằm đầy đủ cũng an tâm. Mà ở ngoài này thoáng hơn trong phòng. Điều trị khoảng 4 ngày nay cảm thấy đỡ mệt hơn.
Cũng bị sốt xuất huyết như ông Trường, nhưng bà Phan Thị Tám (thôn Bình Hoà, xã Bình Giang) thì lại thêm triệu chứng đau bụng tiêu chảy phải nhập viện.
Bà Tám cho hay đây là lần đầu bị sốt xuất huyết, người đau mỏi. Miệng thì đắng không thể nuốt nổi thức ăn. Người nhà phải vào chăm, túc trực thường xuyên. Đến ngày thứ 8 mới thấy khỏe hơn, chuẩn bị chờ xuất viện.
Ông Nguyễn Hoài Bảo - Trưởng khoa Hồi sức- cấp cứu Bệnh viện Đa Khoa Thăng Hoa cho hay, khoảng 10 ngày gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa tiếp nhận từ 20- 30 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến điều trị. Bệnh viện phải phân tầng điều trị để tiếp nhận bệnh nhân điều trị nội trú, trường hợp nhẹ hơn thì cho về nhà.
“Sốt xuất huyết có 3 loại gồm không có dấu hiệu cảnh báo, có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng. Bệnh viện ở đây nhập viện đối với trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, còn nặng hơn thì chuyển viện. Ngoài ra, còn cho nhập viện đối với trường hợp ở xa cơ sở y tế, người trên 65 tuổi có bệnh nền, trẻ nhỏ hoặc sốt xuất huyết thông thường nhưng có triệu chứng chảy máu, nôn mửa” - ông Bảo cho biết.
Thăng Bình vẫn đang là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số ca mắc sốt xuất huyết với hơn 2.700 ca mắc, có 40 ổ dịch được ngành y tế xử lý từ đầu năm cho đến nay. Điều này, buộc ngành y tế huyện nhà phải nâng mức cảnh báo về dịch bệnh này.
Ông Đoàn Văn Sen - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình nhấn mạnh, 22 xã, thị trấn đều có người mắc sốt xuất huyết. Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện triển khai 2 máy phun hóa chất để xử lý các ổ dịch. Trung tâm Y tế huyện khuyến cáo mọi người, mọi nhà thực hiện công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền diệt lăng quăng, bọ gậy. Các địa phương phải huy động toàn lực Tổ xung kích cùng với ngành y tế diệt lăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng. Việc phun hóa chất phục vụ trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết chỉ là xử lý môi trường cho những trường hợp diệt muỗi trưởng thành. Còn diệt lăng quăng, bọ gậy thì phải làm công tác môi trường, mà đặc biệt là vai trò của Tổ xung kích địa phương.
“Trên địa bàn huyện có 3 bệnh viện, trong đó có 1 phòng khám tư, hiện lưu lượng bệnh nhân đến khám và điều trị sốt xuất huyết chiếm khoảng 1/3 số lượng bệnh nhân. Sau khi khám, các bệnh viện đều phân loại bệnh nhân để tiến hành nhập viện điều trị đối với các trường hợp nặng, còn thể nhẹ, không biểu hiện thì khuyến cáo về nhà tự điều trị. Nếu cần thiết thì mới quay trở lại bệnh viện điều trị để tránh quá tải cho các bệnh viện” - ông Sen nói thêm.