Nhà nước cần ban hành khung giá cụ thể chung nhất cho từng loại đất
(QNO) - Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia góp ý nhiều nội dung vào dự án luật.

Đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc Quốc hội bàn sửa đổi Luật Đất đai lần này là hết sức cần thiết. Theo đại biểu Lê Văn Dũng, khó nhất của việc sửa đổi Luật Đất đai là xác định giá đất. Thực tiễn thời gian qua việc khiếu kiện, khiếu nại nhiều nhất cũng liên quan đến vấn đề này. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Nhà nước ban hành khung giá cụ thể chung nhất cho từng loại đất để thực hiện công bằng, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân - Nhà nước - doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Văn Dũng cũng đề xuất đối với dự án quy hoạch treo hơn 5 năm thì Nhà nước phải cho người dân xây dựng nhà ở và thực hiện quyền sử dụng đất của mình. Nếu Nhà nước tiếp tục thu hồi thì phải đền bù thỏa đáng cho người dân.
Việc quy định trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với người có đất bị thu hồi về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo đại biểu việc quy định như vậy sẽ rất khó thực hiện trong thực tiễn. Do đó, đề nghị Nhà nước thống nhất ban hành khung giá để thực hiện, nếu tổ chức, cá nhân không chấp hành thì phải cưỡng chế để thực hiện.
Cùng tham gia thảo luận dự án luật này, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề xuất bỏ quy định thỏa thuận giá đền bù giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với người dân trong thu hồi đất để đồng bộ, thống nhất trong việc thu hồi đất thực hiện các dự án công cộng, bảo đảm quốc phòng - an ninh, kể cả giao cho nhà đầu tư và thống nhất phương án chỉ giao Nhà nước đứng ra thu hồi để đảm bảo tính khách quan, công bằng và phải thực hiện quyền lực của Nhà nước trong vấn đề thu hồi đất. Không để tình trạng đa số người dân trong vùng dự án thực hiện nhưng chỉ có một vài người không chấp hành, dẫn đến chậm tiến độ dự án, chậm giải ngân nguồn vốn dẫn đến hiệu quả công trình không cao.
Đại biểu dẫn chứng, trong thực tiễn thực hiện Luật Đất đai hiện hành, khi Nhà nước thu hồi đất để làm các công trình công cộng thì Nhà nước thu hồi và đền bù theo khung giá của Nhà nước, còn thu hồi đất giao cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thì nhà đầu tư tự thỏa thuận dẫn đến bất cập cùng một vị trí đất có thể giá cả khác nhau, làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện từ việc này.
Theo đại biểu Phan Thái Bình, nguyên tắc của việc trước khi thu hồi đất thì phải tái định cư, ổn định đời sống của người dân trước khi thu hồi đất và phải đảm bảo nơi ở mới tốt hơn ở cũ. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta đối với chính sách đất đai mà chúng ta phải đưa vào nguyên tắc sửa đổi Luật Đất đai lần này.
Còn đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đánh giá, tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai hiện hành và các chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai cũng như với chính pháp luật đất đai trước đó đã ảnh hưởng hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức thực hiện pháp luật và tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Qua xem xét, nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Dương Văn Phước nhận thấy vẫn còn nhiều vấn đề chưa đồng bộ của Luật Đất đai. Đó là: Điều 68 dự thảo luật quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất là không khả thi trong điều kiện hiện nay, khó thực hiện được. Vì nếu như vậy không chỉ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả trong công tác quy hoạch đất đai mà còn tạo ra những điểm nghẽn trong việc thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan.
Vì vậy, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị thay vì quy định trực tiếp trong luật thì nên giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này. Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, khi đủ cơ sở dữ liệu, đủ công cụ quản lý đất đai thì quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mới thể hiện đến từng thửa đất.
Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, tại Điều 4 quy định cụ thể các trường hợp phải áp dụng thay vì áp dụng Luật Đất đai thì áp dụng các luật chuyên ngành như Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu…, đại biểu Dương Văn Phước đặt giả thiết phát sinh tình huống không thuộc các nhóm trường hợp nêu trên thì sẽ áp dụng theo quy định tại luật nào? Vì vậy, cần tính toán kỹ thuật quy định điều luật này, tránh gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị khi áp dụng pháp luật.
Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị rà soát, quy định thống nhất, đồng bộ giữa các khái niệm giao đất - giao rừng, cho thuê đất - cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng đất - chuyển mục đích sử dụng rừng và rộng hơn, cần rà soát kỹ lưỡng đối với những quy định liên quan đến đất rừng (rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng) để đạt sự thống nhất cao với các quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Sửa đổi dự án Luật Đất đai lần này, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung giải thích về khái niệm “đất thổ cư”. Liên quan đến vấn đề này còn rất nhiều bất cập, hạn chế gây ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người dân và hiệu lực, hiệu quả trong công tác của các cơ quan nhà nước.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nhiên cứu giải pháp về công nhận lại hạn mức đất ở đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao do đặc thù quản lý hồ sơ theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ tại địa phương (do không có hồ sơ hoặc bị thất lạc…) vì còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều giữa các cơ quan tư pháp và cơ quan quản lý hành chính về đất đai và gây bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu Dương Văn Phước đề xuất có những quy định thông thoáng hơn về sử dụng diện tích mặt nước ao, đầm, sử dụng một phần không gian trên diện tích đất lúa để sử dụng vào mục đích kinh doanh du lịch, dịch vụ đạt được hiệu quả rất cao trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ đất (như tại TP.Hội An), cũng như cần xây dựng những quy định mở để kịp thời đáp ứng đời sống kinh tế thị trường năng động, nơi người dân và doanh nghiệp có nhiều ý tưởng sáng tạo, hiệu quả để phát huy giá trị đất đai.
Về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị không nên quy định mặc nhiên các loại dự án thuộc danh mục này mà cần định lượng cụ thể như thế nào là dự án có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bao nhiêu phần trăm lợi ích từ dự án đó vì quốc gia, công cộng thì thuộc trường hợp được thu hồi đất.
Đồng thời, việc thu hồi các dự án này không nên thực hiện theo cơ chế cưỡng chế mà phải có sự đồng thuận, giám sát của người dân. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng để khắc phục khoảng trống trong cơ chế thu hồi đất vốn là nguyên nhân của vô vàn sai phạm, bức xúc trong những năm qua.