"Báo động đỏ" về sốt xuất huyết

XUÂN HIỀN 04/11/2022 06:48

Tiếp tục là địa phương có số ca mắc cao nhất miền Trung, Quảng Nam đang trong những ngày bùng phát dịch sốt xuất huyết ở mức “báo động đỏ”.

Phát quang, dọn dẹp bụi rậm, các vũng nước tù đọng, làm sạch môi trường sống là cách tốt nhất để diệt véc tơ gây bệnh SXH. Ảnh: X.H
Phát quang, dọn dẹp bụi rậm, các vũng nước tù đọng, làm sạch môi trường sống là cách tốt nhất để diệt véc tơ gây bệnh SXH. Ảnh: X.H

Ghi nhận đủ 4 tuýp

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam thông tin, cách đây một tuần, Viện Pasteur Nha Trang đã phân định muỗi, tổ chức giám sát các ổ dịch tại Quảng Nam và kết quả cho thấy, hiện nay vi rút gây sốt xuất huyết (SXH) tại Quảng Nam có đủ cả 4 chủng Den1, Den2, Den3 và Den4.

“Cũng chỉ có Quảng Nam hiện nay mới tập trung đủ 4 tuýp như vậy, trong đó số ca mắc phải tuýp Den3 - là tuýp dễ gây bệnh nặng và tử vong ghi nhận nhiều. Hiện tại, chúng tôi xác định Quảng Nam đang ở những tuần báo động của đỉnh dịch, trung bình một tuần hiện nay ghi nhận có gần 900 ca mắc. Báo động mức độ lây lan mạnh trong cộng đồng” - ông Kiệm nói.

Thông tin từ Bộ Y tế, số ca mắc SXH tại khu vực miền Trung tăng cao đã được cảnh báo từ tháng 6/2022. Hiện tại, tình hình dịch có xu hướng gia tăng và vượt qua đường cong dịch.

Bộ Y tế cho rằng, một số tỉnh thành có số ca bệnh gia tăng mạnh, lần lượt là Quảng Nam, Bình Thuận, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và Khánh Hòa.

Phát quang, dọn dẹp bụi rậm, các vũng nước tù đọng, làm sạch môi trường sống là cách tốt nhất để diệt véc tơ gây bệnh SXH. Ảnh: X.H
Phát quang, dọn dẹp bụi rậm, các vũng nước tù đọng, làm sạch môi trường sống là cách tốt nhất để diệt véc tơ gây bệnh SXH. Ảnh: X.H

Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin, số ca mắc SXH tích lũy và số mắc SXH trên 100 nghìn dân của Quảng Nam năm 2022 rất cao và cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Số ca mắc tính đến ngày 1/11 là 13.713 ca và số mắc SXH/100.000 dân là 917 ca. Các ca bệnh tập trung cao nhất ở khu vực đồng bằng, lần lượt là Thăng Bình (2.715 ca), Điện Bàn (2.329 ca), Tam Kỳ (1.839 ca), Đại Lộc (1.309 ca), Duy Xuyên (1,264 ca)… Trong số này, tính đến ngày 1/11, Quảng Nam có 389 ca SXH có dấu hiệu cảnh báo và 35 ca SXH nặng.

Ông Nguyễn Văn Văn cho rằng, bệnh SXH hiện nay rất nguy hiểm và diễn biến chuyển nặng nhanh, do vậy, người dân cần theo dõi kỹ tình hình sức khỏe nếu mắc bệnh, đặc biệt từ ngày thứ 4 - 6 sau khi ghi nhận mắc SXH.

 Cảnh giác cao với dịch bệnh

SXH hiện đều được ghi nhận ở 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tất cả địa phương đều đã vượt mức chỉ tiêu của khu vực miền Trung là 150 ca/100.000 dân.

“Đặc biệt, SXH đã phân bố ở các vùng núi và trung du, nơi có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế kém hơn. Do đó, việc đáp ứng với dịch tại các khu vực này sẽ kém hơn so với vùng đồng bằng. Cần có biện pháp sớm hơn cho vấn đề này” - ông Văn nói.

Hiện tại, số ca mắc trong trường học ghi nhận ở mức cao. Đây là điều lo lắng của rất nhiều phụ huynh. Tại TP.Tam Kỳ, số học sinh mắc SXH ghi nhận đến nay là 195 em.

Ông Dương Đức Lin - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, trong 400 ca mắc SXH ở địa phương có 51 ca là học sinh.

“Tiên Phước môi trường cây xanh nhiều, bụi rậm, vũng nước, do vậy khó có thể kiểm soát việc sinh sôi phát triển của véc tơ gây bệnh. Đề xuất ngành y tế có chỉ đạo việc phun thuốc khử khuẩn chống dịch trong trường học, nơi có nguy cơ bùng dịch cao hiện nay” - ông Dương Đức Lin nói.

Tương tự, ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, việc phòng chống dịch SXH ở môi trường học đường hiện nay đang khiến sở này “đau đầu”.

“Chúng tôi đề nghị UBND cấp huyện, các trường thuộc phòng giáo dục... nghiên cứu biện pháp khi cho học sinh bán trú. Phải có biện pháp phòng chống dịch đối với số học sinh trưa ở lại trường.

Ở các trường nội trú, các em đã có sẵn màn, do vậy cũng đỡ lo về dịch bệnh hơn. Tuy nhiên, ở các trường tiểu học hiện nay đang thực hiện chủ trương 3 trong 1, phải làm sao để các em ở lại trưa vẫn được mắc màn khi ngủ” - ông Phùng Văn Huy nói.

Yêu cầu tất cả địa phương nâng mức cảnh báo dịch bệnh, đồng thời triển khai hàng loạt biện pháp vệ sinh môi trường, tích cực chung tay phòng chống dịch được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đặt ra.

“Chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể cần tích cực chung tay trong công tác phòng chống dịch, hỗ trợ các đơn vị điều trị, tránh quá tải điều trị do SXH tại các cơ sở y tế, tránh việc xử trí không kịp thời các trường hợp cảnh báo SXH và SXH nặng.

Ở các địa phương miền núi và trung du (nơi mới ghi nhận bệnh SXH từ năm 2020 đến nay) chính quyền cần quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời cho y tế và chống dịch; hỗ trợ đơn vị điều trị, tránh để trường hợp nặng do SXH gây hậu quả xấu.

Ngoài ra, các địa phương phải tổ chức và duy trì đội xung kích tham gia dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy với tần suất hoạt động ít nhất 1 lần/tuần tại các khu vực có ổ dịch, nguy cơ cao và các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao, 1 lần/tháng tại các khu vực còn lại; xử lý triệt để các ổ dịch dai dẳng, khó kiểm soát và không để lây lan trên diện rộng” - ông Trần Văn Tân nói.

XUÂN HIỀN