Thêm tư liệu quý về báo Đảng Quảng Nam

LÊ NĂNG ĐÔNG 04/11/2022 06:46

Trong quá trình thực hiện đề tài “Tổng kết phong trào đấu tranh chính trị và Binh địch vận trên địa bàn tỉnh Quảng Nam 1954 - 1975”, chúng tôi được đồng nghiệp cung cấp hình ảnh sao chụp tờ báo Quyết Tiến - tờ báo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, số thứ 2, ra ngày 1/10/1955 (hiện chưa tìm thấy số thứ nhất). Đây là tư liệu vô cùng quý giá về báo Đảng Quảng Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt; thể hiện sự phong phú sinh động của báo Đảng Quảng Nam qua các thời kỳ cách mạng.

 

Về tờ Quyết Tiến số 2

Theo hình ảnh tư liệu, số 2 tờ Quyết Tiến ra ngày 1/10/1955, gồm 2 trang khổ A4. Số báo ra đời trong bối cảnh, từ đầu năm 1955, sau khi đặt được bộ máy hành chính, Mỹ - Diệm bắt đầu thực hiện chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, đánh phá phong trào cách mạng hết sức ác liệt. Nguy hiểm hơn, Diệm ban hành chính sách điền địa, thực chất là xóa bỏ ruộng đất cách mạng đã chia cho dân trong kháng chiến, xác lập quyền sở hữu của giai cấp địa chủ.

Nắm vững quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy “Quyết tâm bám chặt cơ sở, giữa vững phong trào và động viên đảng viên phải bám cơ sở”, trong hoạt động, “phải hết sức khéo léo che giấu lực lượng để tránh bể vỡ, bảo tồn lực lượng”, báo Quyết Tiến tiếp tục tuyên truyền đấu tranh đòi hiệp thương với các bài viết “Tiếp tục đấu tranh đòi mở rộng hiệp thương kết hợp đòi các quyền tự do dân chủ, chống khủng bố bắt bớ kết hợp đòi những quyền lợi thiết thân trước mắt”; “Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục đấu tranh đòi hiệp thương” (đăng ở trang 1); “Miền Nam đấu tranh đòi hiệp thương” (đăng trang 2).

Tờ báo cũng dành bài viết đưa tin về Nghị quyết của khóa họp thứ 5 Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặc biệt, số ra thứ 2, Báo Quyết Tiến dành 3 bài viết tố cáo, vạch trần bộ mặt đen tối, xấu xa của bọn Mỹ - Diệm, đồng thời động viên nhân dân tin tưởng vào cách mạng, đó là các bài “Cải cách điền địa giả hiệu của bè lũ Ngô Đình Diệm” (trang 1 tiếp trang 2); “Bọn Diệm láo tất cả” và “Ngô Đình Diệm đến đâu đều bị nhân dân phỉ nhổ” (đăng trang 2)...

Tờ báo còn dành dung lượng đăng tải một số bài ca dao tuyên truyền cách mạng, đây là thể loại phổ biến trong việc tuyên truyền cách mạng ở Quảng Nam trong những năm kháng chiến, trong đó có bài “Em chỉ lấy chồng...” của tác giả Tô Châu, với ca từ hết sức mộc mạc, dễ hiểu: “Ngày xưa lễ cưới đòi heo/ Bông tai hai chiếc, lại đèo áo bông/ Ngày nay heo, áo chẳng trông/ Em chỉ lấy chồng bền sức đấu tranh/ Gian lao vẫn giữ lòng thành/ Hướng theo về Bác, hướng quanh cờ hồng/ Hướng về thống nhất non sông/ Bắc Nam chung núi, chung lòng đại dương/ Đời em, em chỉ mến thương/ Người trai vì nước vui đường đấu tranh”.

Sự ra đời tất yếu

Đầu năm 1955, trước sự đánh phá ác liệt của địch, cơ quan Tỉnh ủy từ Châu Bí, xã Điện Tiến được chuyển lên đứng chân ở khu vực Trung Mang, huyện Hòa Vang. Cơ quan Tỉnh ủy đứng chân tại khu vực rừng núi vô cùng hoang vu, dựa vào các hốc đá, khe suối làm địa bàn liên lạc và hoạt động. Lúc bấy giờ cả cơ quan chỉ có độc nhất chiếc radio để nghe tin tức, do đó để đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp nhiều thông tin, yêu cầu phải có một tờ báo.

Vì vậy, đồng chí Phan Tốn - Bí thư Tỉnh ủy chủ trương ra báo Quyết Tiến. Trụ sở của báo ban đầu đặt tại những cánh rừng rậm ở Mang Mai, thuộc khu vực Trung Mang, sau chuyển về rừng núi Đại Lộc. Đồng chí Phan Tốn, chỉ đạo chung kiêm chủ bút. Số ra đầu tiên vào ngày 2/9/1955. Lúc bấy giờ tình thế cách mạng hết sức khó khăn nên báo Quyết Tiến ra không có ngày cố định, lúc đầu chỉ ra được khoảng 200 tờ/kỳ, sau tăng lên 500 tờ/kỳ; đến cuối năm 1957 đã ra được 2.000 tờ/kỳ.

Cuối tháng 12/1960, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời. Đáp ứng tình hình mới, báo Quyết Tiến của Tỉnh ủy được đổi tên là báo Giải Phóng với danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền của Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh. Mặc dù, tên gọi và danh nghĩa có sự thay đổi, nhưng báo Giải phóng vẫn tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Nam.

Chủ bút tờ Quyết Tiến

Đồng chí Phan Tốn, tên thật là Phan Huyển, sinh ngày 1/5/1921 tại làng Thọ Khương, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành. Năm 1935, Phan Huyển bắt đầu làm liên lạc cho Chi bộ An Hòa. Tháng 2/1940 Phan Huyển được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại Chi bộ An Hòa; tháng 11/1941 là Ủy viên Phủ ủy Tam kỳ, phụ trách hai tổng Đức Hòa và An Hòa. Tháng 3/1942, đồng chí được rút về công tác ở tỉnh, rồi được phân công phụ trách cơ quan ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ.

Năm 1942, cơ quan in báo của Xứ ủy tại Phú Nham Tây, Duy Xuyên bị lộ, đồng chí Phan Huyển bị địch bắt giam tại Nhà lao Hội An. Đầu năm 1943, biết Phan Huyển là một trong những tù nhân “cứng đầu”, thường đấu tranh mạnh mẽ trong tù, địch đày lên Buôn Ma Thuột. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Phan Huyển được Đảng bộ nhà lao phân công về tham gia lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa dành chính quyền ở Quảng Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, với tên gọi Phan Tốn, đồng chí được điều về cơ quan Tỉnh ủy, phụ trách công tác huấn luyện của Đảng bộ và Ủy ban Việt Minh tỉnh. Tháng 12/1946, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm đặc phái viên của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, phụ trách huyện Hòa Vang.

Năm 1948, đồng chí được cử đi học lớp bổ túc văn hóa ở Liên khu, sau khi hoàn thành khóa học được Liên khu ủy 5 điều động vào Tây Nguyên. Mặc dù, đây là địa bàn công tác mới, đầy khó khăn, phức tạp, song ở vị trí công tác nào đồng chí cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần phát triển phong trào cách mạng.

Tháng 8/1951, đồng chí Phan Tốn được Liên khu ủy 5 cử đi học lớp lý luận chính trị Mác - Lênin tại Trung Quốc, đến đầu năm 1953 về giảng dạy tại trường Đảng của Liên khu ủy 5, rồi tham gia mở lớp chỉnh huấn, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ liên khu và cán bộ chủ chốt các tỉnh.

Năm 1953, đồng chí được chỉ định vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí được Đảng phân công ở lại công tác miền Nam, được chỉ định tham gia Tỉnh ủy bí mật. Năm 1955, đồng chí được chỉ định quyền Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tháng 7/1960, trong thời gian ở Hà Nội chuẩn bị tham dự Đại hội Đảng toàn quốc, sau khi đã hoàn thành báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình cách mạng ở Quảng Nam, đồng chí bị đau nặng và qua đời tại bệnh viện hữu nghị Việt - Xô. Đồng chí Phan Tốn ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại niềm tiếc thương vô bờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sau khi nhận được tin đồng chí Phan Tốn từ trần, đồng chí Võ Chí Công đã gửi thư cho bà Trần Thị Bữu - người bạn đời của đồng chí Phan Tốn, trong thư có đoạn: “Đời của anh là cả một cuộc đời chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh và trung dũng từ mười mấy tuổi đã tham gia cách mạng, lúc hoạt động ở nhà, lúc thoát ly, lúc bị bắt chiến đấu trong tù, khi ra tù là tiếp tục hoạt động.

Ròng rã 25 năm trời hoạt động cách mạng, lặn lội biết bao trong phong ba, chịu biết bao cay đắng, nhưng anh không hề biết mệt mỏi, không hề nghỉ ngơi một giờ phút nào. Rõ ràng là một cán bộ tận trung với nước, tận hiếu với dân, hết lòng với Đảng. Về đạo đức cách mạng càng đáng nêu gương, như “… bần tiện bất di, oai vũ bất khuất” và suốt đời “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư””.

LÊ NĂNG ĐÔNG