Chăm sóc mắt cho học sinh và người cao tuổi
Trong khuôn khổ dự án “Chăm sóc mắt học đường mở rộng” và dự án “Ánh sánh hy vọng” năm 2022 (do tổ chức Fred Hollows Foundation - FHF tại Việt Nam và Tập đoàn Novartis tài trợ), hàng trăm học sinh ở xã Trà Dơn, Nam Trà My và người dân huyện Nông Sơn được truyền thông, khám sàng lọc và chăm sóc mắt.
Ban Quản lý dự án “Chăm sóc mắt học đường mở rộng” năm 2022 của tỉnh vừa phối hợp với Quỹ FHF tại Việt Nam tổ chức truyền thông về chăm sóc mắt học đường; khám mắt cho học sinh và giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Dơn.
Tại buổi truyền thông, 450 học sinh được bác sĩ Bệnh viện Mắt Quảng Nam truyền đạt một số kiến thức cơ bản, giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải bảo vệ và chăm sóc mắt.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Dơn có 1 điểm trường chính và 11 điểm trường lẻ, hiện có 25 lớp với 515 học sinh; trong đó có 185 học sinh ở bán trú. Hầu hết học sinh là con em người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với hoạt động truyền thông, đoàn y bác sĩ đã khám mắt cho học sinh và giáo viên, cấp phát kính và điều trị miễn phí cho học sinh có bệnh về mắt.
Theo ông Trương Văn Thơm - cán bộ Dự án FHF tại Việt Nam, dự án “Chăm sóc mắt học đường mở rộng” sẽ tăng cường truyền thông chăm sóc mắt ở các cấp từ mầm non đến trường phổ thông, nâng cao kiến thức thực hành chăm sóc mắt cho học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Trong đợt truyền thông, giới thiệu dự án “Ánh sáng hy vọng” tại huyện Nông Sơn, Bệnh viện Mắt Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn kết hợp khám, sàng lọc các bệnh về mắt miễn phí, tầm soát phát hiện bệnh glô côm cho hơn 100 người dân trên địa bàn huyện.
Glô côm được cho là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ 2 sau đục thủy tinh thể. Người dân rất vui khi được khám sàng lọc miễn phí và hỗ trợ điều trị bệnh glô côm và các bệnh về mắt.
Trong năm 2022, dự án “Ánh sáng hy vọng” triển khai tại 4 huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Phước Sơn và Bắc Trà My. Các hoạt động như truyền thông, chăm sóc mắt, khám sàng lọc, hỗ trợ người bệnh chuyển tuyến… nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa. Dự án được đánh giá là rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay khi mà nhận thức về chăm sóc mắt của người dân còn hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Lộc - Phó Trưởng phòng Kế hoạch (Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn) cho biết: “Lúc chưa có dự án thì không ít người dân chưa có thói quen đi khám mắt. Họ chỉ đến bệnh viện lúc mắt bị nổi cộm gây khó chịu hoặc nhìn mờ, bởi họ chưa nhận thức được các bệnh lý về mắt nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại ánh sáng lâu dài.
Dự án “Ánh sáng hy vọng” đồng hành thì nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ đi khắm mắt nhiều hơn và số ca bệnh về mắt được phát hiện mới, điều trị sớm tăng lên”.