Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam thảo luận về sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội

VĂN HIẾU 02/11/2022 21:00

(QNO) - Tham gia thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào chiều nay 2/11, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc sửa đổi là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.

đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận chiều 2/11. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Phước còn băn khoăn một số vấn đề. Cụ thể, về việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến được quy định tại Điều 10 dự thảo, theo đại biểu Dương Văn Phước, đây là nội dung quan trọng trong kỳ họp, thể hiện tính dân chủ cao khi xem xét quyết định theo đa số. Đại biểu cho biết, thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều nội dung cụ thể được lấy ý kiến đại biểu Quốc hội qua phiếu xin ý kiến rất có hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo. Việc quy định như dự thảo là đảm bảo tính công khai, dân chủ.

Vấn đề đặt ra là làm sao để xác định nội dung nào còn có ý kiến khác nhau cần phải lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu, tránh tùy tiện hoặc quá sa vào những nội dung chi tiết, nhỏ nhặt, làm mất thời gian không cần thiết. Đại biểu băn khăn tại Điều 10 dự thảo quy định “theo đề nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội”, quy định này nghe có vẻ phù hợp nhưng thực tiễn thì không khả thi. Con số 20% này được lấy ở đâu, khi nào, lúc nào, phương thức lấy ra sao... vẫn chưa có quy định.

Trong khi đó, thực tiễn quá trình thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thì một vấn đề cụ thể có thể có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau; nhưng nếu có thì cũng tối đa 25 đến 30 đại biểu thể hiện ý kiến vì đây là số lượng đại biểu tối đa thảo luận trong một buổi họp cho một dự án luật, nghị quyết trình kỳ họp. Vậy những đại biểu còn lại không phát biểu thì đồng tình theo phương án, quan điểm nào là không rõ, vì nguyên tắc khi thống nhất với ý kiến đại biểu trước thì không nên phát biểu lại. Đây là thực tế.

Do vậy, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị trong Nội quy kỳ họp cần quy định cụ thể, chi tiết, khả thi hơn đối với quy định này, phù hợp với thực tiễn. Đó là: khi một vấn đề cụ thể mà có nhiều đại biểu, có thể là 5 hoặc 10 đại biểu trở lên phát biểu có ý kiến trái chiều thì tiến hành xin ý kiến Quốc hội về lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu, nếu có ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý thì tiến hành lấy phiếu xin ý kiến về vấn đề đó.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Về Nghị quyết kỳ họp Quốc hội, mỗi kỳ họp, Quốc hội ban hành một nghị quyết chung gọi là nghị quyết kỳ họp là phù hợp, cần thiết nhằm thể hiện những nội dung, vấn đề do Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp. Đại biểu Dương Văn Phước thống nhất cao dự thảo nội quy lần này bổ sung Điều 56 quy định về việc Quốc hội ban hành nghị quyết kỳ họp.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng nội dung gì cũng đưa vào nghị quyết, đại biểu đề nghị xem xét quy định trong nội quy này hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định những vấn đề gì thì được nêu trong nghị quyết, những nội dung gì phải ban hành nghị quyết riêng. Đại biểu dẫn chứng như sửa đổi bổ sung luật, dù chỉ có sửa đổi một hay một số nội dung nhỏ thì cũng phải ban hành nghị quyết riêng, không thể đưa vào nghị quyết chung kỳ họp.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, nội dung đưa vào nghị quyết kỳ họp là những nội dung mang tính chỉ đạo, cơ chế chính sách ngắn hạn; những lời hứa, cam kết của Chính phủ, các bộ ngành; những kết luận của chủ tọa kỳ họp tại các phiên họp...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Về việc quy định đại biểu Quốc hội phải “báo cáo bằng văn bản” xin phép khi vắng mặt, không thể tham dự phiên họp, kỳ họp, đại biểu cho rằng quy định như vậy là cứng nhắc trong xu thế ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, Quốc hội vận hành App Quốc hội rất hiệu quả, đại biểu đề xuất Tổng Thư ký Quốc hội nên chỉ đạo xây dựng và bổ sung ngay vào App Quốc hội này chức năng báo cáo vắng, đại biểu chỉ cần bấm vào, nêu lý do, click sẽ chuyển ngay đến Tổng Thư ký Quốc hội, trưởng đoàn để tổng hợp, vừa nhanh gọn, vừa thuận tiện.

Việc biểu quyết, cho ý kiến những vấn đề quan trọng, đại sự của quốc gia thực hiện qua App này được thì việc báo cáo vắng mặt qua App này cũng không có gì khó khăn. Do vậy, trong nội quy kỳ họp không nên quy định cứng nhắc là “báo cáo bằng văn bản”. Về nguyên tắc có xin, có báo cáo thì phải có đồng ý cho vắng mặt hay không, nếu thông qua App, đại biểu xin vắng, Chủ tịch Quốc hội đồng ý thì cũng chỉ cần bấm nút để đại biểu biết là Chủ tịch Quốc hội có thống nhất cho vắng hay không.

Ngoài ra, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo rà soát thật kỹ, những nội dung nào đã được quy định trong luật rồi thì không nêu vào nội quy kỳ họp này. Đồng thời để nâng cao chất lượng kỳ họp, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo thêm một số vấn đề như: gửi tài liệu cho đại biểu phải đảm bảo đúng thời gian luật định, cần thiết gạt ra khỏi chương trình kỳ họp nếu thời hạn gửi tài liệu không đúng, nhất là các dự án luật, vấn đề chưa cấp bách.

Việc chuyển tài liệu, nhất là các dự án luật chậm không đảm bảo thời gian cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu thì đoàn đại biểu Quốc hội không thể tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp tại địa phương. Điều này rất quan trọng vì đảm bảo đến chất lượng các dự án luật được thông qua.

Đồng thời, đại biểu đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội và quy trách nhiệm nếu đã có ý kiến phát biểu nhưng không tổng hợp, không tiếp thu dẫn đến hệ quả dự án luật chồng chéo, thiếu đồng bộ, có tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, đơn cử như Luật Cán bộ, công chức mà chúng ta phải sửa tại kỳ họp lần này.

VĂN HIẾU