Mỳ Quảng, nhìn từ góc độ văn hóa

VU GIA 02/11/2022 14:43

Hơn 400 năm món ăn dân dã được định danh mỳ Quảng đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức xác lập là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt “Giá trị ẩm thực châu Á” là một điều tự hào với người dân xứ Quảng, nhưng vấn đề còn lại là người Quảng Nam phải sống làm sao, ứng xử làm sao để mỗi khi thực khách nhắc tới mỳ Quảng thì không thể không nhắc tới con người và vùng đất Quảng Nam. Đây là một trong những “góc nhìn” nhân hội thảo “Mỳ Quảng - nét văn hóa ẩm thực đặc sắc xử Quảng” do Sở VH-TT&DL tổ chức vào hôm nay, 2/11.

Mỳ Phú Chiêm đã tạo nên thương hiệu riêng cho vùng đất Điện Bàn. Ảnh: V.L
Mỳ Phú Chiêm đã tạo nên thương hiệu riêng cho vùng đất Điện Bàn. Ảnh: V.L

Trong rất nhiều định nghĩa về văn hóa, tôi chọn 2 định nghĩa có liên quan đến mỳ Quảng, bởi mỳ Quảng có “các đặc điểm về tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc của xã hội hay một nhóm người trong xã hội” (Tuyên bố Toàn Cầu về Đa dạng Văn hóa của UNESCO, 2001) và cũng “vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.3, NXB Chính trị quốc gia, 2002, trang 431), nên nhân dân Quảng Nam đã sáng tạo ra món ăn dân dã mà hầu như ai cũng biết, ai cũng làm được chẳng khác nào nấu cơm, luộc rau hằng ngày, đó là mỳ Quảng.

Từ hai định nghĩa về văn hóa được dẫn ở trên, chúng ta dễ dàng nhận ra văn hóa không chỉ có phần xác mà còn có lẫn phần hồn. Và những ai quan tâm tới văn hóa đều biết phần xác thiên về vật chất, có tính chất hình thức, nghĩa là cái bên ngoài, còn phần hồn gắn với tinh thần, thiên về cái bên trong.

Còn nhớ ngày 5/6/2011, ông Nguyễn Khoa Điềm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã trả lời trên Báo Lao động, khẳng định rằng “Toàn bộ cách chúng ta làm ăn, toàn bộ cách chúng ta xử sự, làm kinh tế, quản lý, luật pháp... chúng ta đang rất thiếu hụt về văn hóa. Việt Nam đã bị mất mát rất nhiều về văn hóa do chiến tranh, nhưng cũng do chính chúng ta làm mất. Khi đã thiếu văn hóa, con người ta rất dễ làm điều xằng bậy”.

Tên gọi mỳ Quảng chắc chắn phải có sau tháng 6 năm 1471 một thời gian không ngắn, vì năm Hồng Đức thứ hai [Tân Sửu - 1471], sau khi đại thắng quân Chiêm, vua Lê Thánh Tông cùng đại quân trở về kinh sư, “Tháng 6, lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức Án sát sứ ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty ở Quảng Nam” (“Đại Việt sử ký toàn thư” trang 479).

Tên “Quảng Nam” bắt đầu có từ đó và một món ăn chỉ có nhân dân Quảng Nam mới nghĩ ra, làm ra, nên có tên gọi đến ngày nay: mỳ Quảng, nghĩa là món ăn gọi là “mỳ” của người Quảng Nam. Và theo 2 định nghĩa đã dẫn, thì “sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa” (“Hồ Chí Minh toàn tập”). Nhưng nói như ông Nguyễn Khoa Điềm, vì trải qua một thời chiến tranh “đôi khi chúng ta đang phá mà không biết là mình phá (…). Vậy mới có chuyện ta sống chung với các giá trị của hôm qua nhưng vẫn coi thường, vẫn khinh miệt...”.

Tôi nhớ khi báo chí trong nước vui mừng báo tin ngày 30/8/2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức xác lập mỳ Quảng là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt “Giá trị ẩm thực châu Á”, thì trong những lúc trà dư tửu hậu, nhiều người cười mỉa rằng mỳ Quảng có chi mà cũng được xếp hạng “Giá trị ẩm thực châu Á”. Đúng là “ta sống chung với các giá trị của hôm qua nhưng vẫn coi thường, vẫn khinh miệt...”.

Để chấn hưng đất nước, chúng ta không chỉ lo làm cho thật nhiều tiền bất chấp pháp luật như một số người đã, đang bị xử lý, mà mỗi người cần nhận thức tỉnh táo về những đặc điểm vốn có của cộng đồng, cao hơn là của dân tộc, từ lời ăn tiếng nói đến cách ứng xử thường ngày, từ món ăn dân dã đến những “biến tấu” phù hợp với thời đại. Chúng ta không nên có xu hướng nhấn mạnh đến tính chất độc nhất vô nhị với suy nghĩ chỉ có quê mình mới có, nước mình mới có. Nói như Mahatma Gandhi (1869-1948): “Không văn hóa nào có thể tồn tại nếu nó tìm cách trở nên độc tôn”.

Tôi thường nghe người Quảng Nam luôn tự hào về tinh thần hiếu học, nhưng nhìn rộng ra, thì Quảng Nam chưa chắc bảnh hơn; tự hào về lòng yêu nước, nếu nhìn rộng ra, người Quảng Nam chưa chắc đã yêu nước hơn; tự hào về món Mỳ Quảng là ngon nhất, nhìn rộng ra chưa chắc đã ngon hơn những món ăn khác…

Quan niệm như vậy chắc không còn phù hợp với thời đại, dễ dẫn tới lòng tự hào tào lao hoặc dẫn tới tự ti một cách quá đáng. Theo tôi, cái tạo nên bản sắc riêng, đặc trưng riêng trong văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc chính là toàn bộ những cái vốn có trong bản thân nó, những cái nằm trong bản chất, tạo thành cốt lõi, diện mạo của nó.

Hơn 550 năm danh xưng Quảng Nam và hơn 400 năm, món ăn dân dã được định danh “Mỳ Quảng” đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức xác lập đạt “Giá trị ẩm thực châu Á” là một điều tự hào với người dân xứ Quảng, nhưng vấn đề còn lại là người Quảng Nam phải sống làm sao, ứng xử làm sao để mỗi khi thực khách nhắc tới “Mỳ Quảng” thì không thể không nhắc tới con người và vùng đất Quảng Nam. Đó mới là văn hóa. Các nền văn hóa được đánh giá khác nhau không phải chỉ ở giá trị, sự cao thấp mà còn ở tính độc đáo, sự mới lạ.

VU GIA