Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết lây lan

LÊ QUÂN 31/10/2022 06:48

Tiếp tục các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sốt xuất huyết đang được nhiều địa phương thực hiện...

Việc phun hóa chất ở các khu vực dân cư cần được địa phương thông qua về nguồn thuốc. Ảnh: H.L
Việc phun hóa chất ở các khu vực dân cư cần được địa phương thông qua về nguồn thuốc. Ảnh: H.L

Diệt muỗi, lăng quăng

Hai ngày cuối tuần vừa qua, các xã, phường của TP.Tam Kỳ đồng loạt thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. TP.Tam Kỳ hiện ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở mức cao của tỉnh và cũng đã có trường hợp tử vong.

Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, chiến dịch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và vận động nhân dân chủ động phòng chống dịch bệnh SXH. Đây là hoạt động cao điểm nhằm hạ mật độ lăng quăng và muỗi đến mức thấp nhất, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trên địa bàn TP.Tam Kỳ.

TP.Tam Kỳ tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: H.L
TP.Tam Kỳ tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: H.L

Ngay buổi đầu, hàng loạt hoạt động được tổ chức, từ phát loa tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh, không cho muỗi, lăng quăng có nơi trú ngụ sinh sôi phát triển.

Bên cạnh đó, tiến hành phun hóa chất tại những nơi ghi nhận số ca mắc cao. Tam Kỳ cũng là địa phương chủ động kinh phí mua thêm hóa chất để cấp cho các xã phường, bên cạnh số hóa chất được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam phân bổ.

Chính quyền thành phố cũng hỗ trợ kinh phí cho các xã phường, huy động hội, đoàn thể và người dân ra quân dọn dẹp môi trường thông thoáng, ngăn không để muỗi sinh sôi.

Tại thị xã Điện Bàn, số ca mắc tính đến ngày 28/10 ghi nhân hơn 2 nghìn ca, trong tổng số hơn 12 nghìn ca mắc của Quảng Nam.

Ông Nguyễn Văn Hiến - Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Điện Bàn cho biết, số mắc SXH tại địa phương năm nay tăng 8,3 lần so với cùng kỳ năm 2021 và ghi nhân tại tất cả các xã, phường. TTYT thị xã đã và đang tiến hành xử lý 69 ổ dịch, nhiều nhất vẫn là các phường Điện Ngọc, Điện Hòa, Điện Hồng, Điện Nam Trung.

 

Theo ông Hiến, nguyên nhân dẫn đến số mắc cao do thời tiết thuận lợi, cùng với trên địa bàn có nhiều nhà trọ, mật độ dân cư đông, cạnh đó có nhiều khu vực còn bỏ hoang xen kẽ dân cư vô tình tạo ra nhiều vật chứa nước.

“Các vật chứa này có thể kể đến túi ny lon, bánh xe, chai lọ, lon nước ngọt, xô nước chèn nhà chống bão, quạt hơi nước, khó xử lý và kiểm soát hơn so với các dụng cụ chứa nước sinh hoạt chung trước đây như lu, chum, vại, bể lọc nước sinh hoạt thuận lợi cho việc phát triển của lăng quăng/ bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Đồng thời ý thức người dân chưa cao, chưa chủ động tìm và loại trừ các vật chứa nước, phát quang dọn dẹp bụi rậm...” - ông Nguyễn Văn Hiến nói.

Chính từ những nguyên nhân đó, thị xã Điện Bàn đang tổng lực kêu gọi các hội đoàn thể, đoàn viên thanh niên cũng như người dân tại địa phương chủ động diệt lăng quăng ngay trong nhà mình cũng như khu vực môi trường xung quanh.

Chủ động các biện pháp

Ngày 27/10, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh. Chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để dịch bùng phát, lan rộng là điều được đặt ra. Đây cũng là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tại cuộc làm việc trực tiếp với các địa phương Duy Xuyên, Điện Bàn - hai nơi hiện ghi nhận số ca mắc ở mức cao của toàn tỉnh.

 

Ông Trần Văn Tân đề nghị các địa phương xem trọng công tác diệt lăng quăng bọ gậy, tự diệt muỗi là ưu tiên hàng đầu, huy động mọi ban ngành đoàn thể ra quân quyết liệt tới từng nhà dân để mọi người dân hiểu được và chủ động thực diệt lăng quăng hàng tuần, diệt muỗi hàng ngày. Phương châm “Không có bọ gậy, lăng quăng, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết” được đặt ra cho nhiều địa phương.

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam thông tin, tính đến hiện tại, Quảng Nam đã ghi nhận hơn 12 nghìn ca mắc, trong đó có 1 ca tử vong. Số mắc này cao gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2019 (là năm bùng phát dịch sốt xuất huyết với số mắc 11.651 ca) và cao gấp 4 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm (2016 - 2020). CDC Quảng Nam đã xác minh ca bệnh và xử lý 249 ổ dịch SXH. Các huyện có số ca mắc tích lũy cao là Thăng Bình, thị xã Điện Bàn, TP.Tam Kỳ (1.634 ca).

Bệnh nhân mắc SXH được điều trị tại các cơ sở y tế. Ảnh: X.H
Bệnh nhân mắc SXH được điều trị tại các cơ sở y tế. Ảnh: X.H

Theo ông Kiệm, hiện nay thời tiết thay đổi, độ ẩm gia tăng tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH là muỗi và bọ gậy phát triển, cũng như nguy cơ gia tăng các ca bệnh và lan rộng ra nhiều địa phương nếu không có các biện pháp chủ động phòng chống dịch.

Cùng với chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất xử lý các ổ dịch cũng đồng thời phải được tính toán. Trước khó khăn về công tác đấu thầu, mua sắm hóa chất từ Trung ương, CDC Quảng Nam đề nghị các địa phương chủ động kinh phí mua sắm hóa chất với mức từ 50 triệu đồng trở xuống sẽ không cần thiết phải thông qua thủ tục đấu thầu.

Như vậy, các địa phương sẽ chủ động được nguồn hóa chất để xử lý các ổ dịch. Tuy nhiên, hóa chất chỉ để xử lý ổ dịch, còn dập dịch phải tính đến mầm mống gây bệnh, do vậy, ông Kiệm cho rằng, điều căn cơ của phòng chống dịch SXH vẫn là phải diệt lăng quăng/bọ gậy, giữ môi trường sống thông thoáng, vệ sinh...

Khuyến cáo không tự ý phun hóa chất

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay có tình trạng nhiều hộ gia đình hoặc cụm dân cư tìm đến các cơ sở dịch vụ phun hóa chất để thuê người về phun thuốc diệt muỗi tại nhà. Sở Y tế không cấp phép cho các dịch vụ phun hóa chất tư nhân, do đó, khi phát hiện các dịch vụ phun hóa chất, chính quyền địa phương cần kiên quyết xử lý.

Bởi hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Tuy nhiên, có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khỏe con người.

Rất nhiều công ty lợi dụng hoạt động phòng chống dịch để tổ chức đi phun thuốc diệt muỗi. Nhưng dùng hóa chất như vậy cũng giống như việc điều trị mà không có sự kê đơn, sẽ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc cho cả cộng đồng.

LÊ QUÂN