Thành phố sáng tạo từ giá trị bản địa

QUỐC TUẤN 30/10/2022 08:44

Khái niệm đô thị sáng tạo đang trở nên phổ biến và thường gắn với những tính năng, công nghệ hiện đại. Hội An cũng trên đường tiếp cận mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, nhưng là trên nền tảng giá trị bản địa.  

Nghề gốm Thanh Hà liên tục đổi mới trên nền tảng các giá trị truyền thống để thích ứng với bối cảnh mới. Ảnh: Q.T
Nghề gốm Thanh Hà liên tục đổi mới trên nền tảng các giá trị truyền thống để thích ứng với bối cảnh mới. Ảnh: Q.T

Tiếp biến dòng chảy sáng tạo

Hiện nay, thành phố sáng tạo của UNESCO về thủ công mỹ nghệ và văn nghệ dân gian chính là lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất (chiếm 20%).

Nghiên cứu về đặc trưng của mạng lưới các thành phố đã được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo cho thấy, nhiều thành phố trong số này có sự hiện diện của các nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân sáng tạo. Họ là nhân lực nòng cốt của ngành công nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, thành phố sáng tạo thường sở hữu tài nguyên văn hóa đa dạng và giàu bản sắc. 

Việc trở thành thành phố sáng tạo có thể giúp Hội An thu hút thêm đầu tư, giao dịch với các thành phố trong mạng lưới này.

Tại cuộc họp về việc xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Hội An hội tụ đủ tiềm năng để trở thành thành phố sáng tạo.

Ở Hội An hiện có rất nhiều người trẻ từ nước ngoài trở về kết hợp với cư dân bản địa tìm tòi, thực hành nhiều ý tưởng rất độc đáo để phát triển đô thị. Hội An là môi trường có chất xúc tác lý tưởng để truyền cảm hứng sáng tạo cho mọi chủ thể.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, ngoài các giá trị di sản đã nổi bật toàn cầu, văn hóa Hội An ngày càng được nhận diện đầy đủ hơn với tư cách là một phức hợp di sản lịch sử văn hóa nhân văn và kiến trúc đô thị cùng với giá trị nếp sống thị dân.

Văn hóa làng nghề, nghề truyền thống cùng kho tàng văn nghệ dân gian là thành quả, thành tố quan trọng tạo thành và chuyển tiếp dòng chảy văn hóa Hội An. Suy cho cùng, thành phố xác định lợi thế lớn nhất để hướng tới thành phố sáng tạo của UNESCO vẫn là những loại hình này.

Theo PGS-TS. Đỗ Thị Thanh Thúy - Trưởng ban Nghiên cứu Văn hóa (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), để gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, các ứng viên cần thể hiện được sức sống, bề dày truyền thống của lĩnh vực sáng tạo được lựa chọn. Thành phố sáng tạo là những thành phố có nội lực và sự vươn lên mạnh mẽ từ các ý tưởng và tri thức. 

Qua các thời kỳ, dù không định hình rõ ràng về khái niệm sáng tạo, dòng chảy sáng tạo tại Hội An ở mọi lĩnh vực đời sống luôn len lỏi và tiếp biến mạnh mẽ. Và chỉ có sự sáng tạo không ngừng nghỉ mới có thể giúp các thế hệ cư dân trên mảnh đất bé nhỏ này tồn tại và ngày một trù phú.

Nhận diện vốn liếng của phố

Các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nhận định, việc trở thành thành phố sáng tạo có thể giúp Hội An thu hút thêm đầu tư, giao dịch với các thành phố trong mạng lưới này.

Đô thị cổ Hội An. Ảnh: Q.T
Đô thị cổ Hội An. Ảnh: Q.T

Nhãn hiệu này cũng đóng góp thêm cho sự phồn vinh của thành phố. Sự chuyển động của kinh tế sáng tạo hay các ngành công nghiệp văn hóa thường là kết quả của sự tương tác và tích lũy của 4 loại vốn: vốn văn hóa, vốn xã hội, vốn con người và vốn thể chế/cấu trúc. 

Hà Nội là thành phố duy nhất của Việt Nam hiện nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Hội An đã chọn lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian để làm hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới này.

PGS-TS. Đỗ Thị Thanh Thúy gợi mở, Hội An cần tiến hành nghiên cứu đánh giá chính xác bức tranh thực tế của các ngành công nghiệp sáng tạo, đầu tư nhiều hơn vào vốn con người. Bên cạnh đó, cần lập bản đồ hoạt động văn hóa và cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực sáng tạo bằng cách xác định khoảng trống và phát huy tài sản văn hóa hiện tại.

Lâu nay, đóng góp vào nền kinh tế của văn hóa vẫn chưa có thước đo chuẩn mực. Nhà nghiên cứu Võ Phùng - nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An kể, trong một buổi gặp mặt nhân sự kiện những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, ngồi bên cạnh ngài đại sứ Hàn Quốc là nghệ nhân opera nổi tiếng của Hàn Quốc. Và ngài đại sứ đã giới thiệu với mọi người đây là báu vật của Hàn Quốc.

“Một lần khác, tại sự kiện những ngày văn hóa Nhật Bản cũng ở Hội An. Nước bạn gửi qua một nghệ nhân thư pháp và đề nghị chúng tôi phải bố trí đầy đủ từ xích lô cũng như dù che nắng để nghệ nhân này di chuyển đến nơi trình diễn. Đó cũng là một sự vinh danh nghệ nhân” - ông Võ Phùng nói. 

Trên con đường xác lập danh phận cho phố, Hội An đã và tiếp tục chọn giá trị văn hóa truyền thống để cạnh tranh, tương tác với toàn cầu. Dẫu đường dài phía trước lắm gập ghềnh, nhưng một lần nữa cư dân phố thấu hiểu rằng, trong bất kỳ chuyển động hay bối cảnh nào, phố vẫn rất cần những giá trị bản địa làm điểm tựa.

QUỐC TUẤN