Trồng cây xanh làm lành cùng tự nhiên: Lá phổi xanh của đô thị
Tỷ lệ che phủ còn thấp, chưa định vị sắc màu đặc trưng, cây xanh khu vực công cộng chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân là thực trạng ở nhiều khu đô thị trong tỉnh. Tính toán những mảnh xanh là yêu cầu được đặt ra trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn tiến khá nhanh trên các địa bàn.
Bản sắc nào tại đô thị tỉnh lỵ?
Đô thị Tam Kỳ trong cảm nhận của mọi người còn rất trống thoáng về không gian và thưa thớt cả về những mảng xanh. Những con số thống kê ít nhiều phản ánh thực trạng cây xanh trên địa bàn tỉnh lỵ.
Tại TP.Tam Kỳ hiện có tổng số 267 tuyến đường có trồng cây xanh với hơn 18.800 cây, tuy nhiên tỷ lệ che phủ trên các tuyến đường là rất thấp, chỉ từ 1% đến 3%. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của các nước có hệ thống cây xanh phát triển, tỷ lệ này phải đạt khoảng 30%. Điều kiện nắng nóng, khô hạn thường xuyên của Tam Kỳ cũng yêu cầu tỷ lệ che phủ cần thiết (theo ước tính) phải lên đến 70%.
Một “khoảng trống” lớn liên quan đến cây xanh đô thị đang hiện hữu, bởi có đến 64% số cây xanh là những cây mới trồng, cây kém phát triển, dẫn đến chưa phát huy được tác dụng về môi trường lẫn thẩm mỹ.
Ông Phạm Thanh Lạc - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Tam Kỳ cho hay, nhìn chung chưa có tuyến đường nào có hệ thống cây xanh hoàn chỉnh, mang màu sắc đặc trưng cho thành phố. Tại các tuyến đường nội bộ trong khu dân cư, đa số vỉa hè chủ yếu cây trồng nhỏ, chưa phát triển và còn một số tuyến đường chưa đầu tư trồng cây xanh, đa số được người dân tự trồng cây xanh khi làm nhà ở.
Không gian cây xanh nổi bật nhất của TP.Tam Kỳ là khu vực Quảng trường 24/3 với diện tích 4,6ha. Tuy nhiên hệ thống công viên, quảng trường hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ chức năng là nơi nghỉ ngơi, dạo chơi, thư giãn cho người dân, là điểm trang trí nghệ thuật cho thành phố, chưa làm nổi bật hình ảnh đại diện “thành phố thủ phủ xanh”.
Khoảng trống cây xanh đô thị
Tại Hội An, chỉ tiêu về cây xanh công cộng hiện chỉ đạt 2,97m2/người - thấp hơn rất nhiều lần so với Tiêu chuẩn quốc gia về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - yêu cầu đô thị loại 3 cần 9-11m2/người. Do nằm trong vùng nhạy cảm với thiên tai, lượng cây xanh trên địa bàn thành phố thường xuyên hao hụt qua các mùa mưa bão.
Theo Đề án “Bảo vệ môi trường TP.Hội An đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035”, Hội An sẽ mở rộng tỷ lệ “hành lang xanh, không gian mở, đường hoa” lên 10% đường đô thị, nhất là các tuyến trung tâm, cửa ngõ ra vào thành phố.
GS-TS-KTS. Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định cơ sở hạ tầng xanh giúp các đô thị trở nên đáng sống hơn, tăng cường khả năng chống chịu của đô thị và giảm tác động của các thảm họa liên quan đến nước. Cơ sở hạ tầng xanh trong đó có cây xanh và thảm thực vật giúp giảm dòng chảy trên bề mặt, tăng độ thấm nước, lưu giữ nước, thúc đẩy quá trình thoát hơi nước, giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt, tạo ra các hành lang xanh trong khu vực.
Ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, thành phố sẽ rà soát, lập đề án tổng thể về cây xanh, chú trọng việc trồng cây xanh ở các công trình trọng điểm như khu công viên trung tâm, công viên đa chức năng, các quảng trường, hệ thống tiểu công viên, trạm dừng chân…
Khu vực đô thị của thị xã Điện Bàn hiện có gần 6.900 cây xanh trên các tuyến đường, khu dân cư, công viên và trụ sở làm việc. Ông Đặng Hiệp Lực - Trưởng phòng Quản lý đô thị Điện Bàn nói, tại các tuyến ĐT, ĐH, cây xanh chủ yếu là muồng tím, xà cừ, bằng lăng… trong khi ở khu vực ven biển như bãi tắm Hà My thì chủ yếu là dương liễu, dừa, cọ để tương thích với điều kiện khí hậu.
Theo Sở Xây dựng, đối với đất cây xanh đô thị, có một số đô thị vượt tiêu chuẩn như Đông Phú (Quế Sơn) đạt 8m2/người, Tân An (Hiệp Đức) 15m2/người… Về đất cây xanh công cộng khu vực nội thị, các đô thị cơ bản đạt ngưỡng 3-5m2/người. Trong đó, một số đô thị ở mức tốt như Tam Kỳ đạt 10m2/người hay Ái Nghĩa (Đại Lộc) 15,8m2/người… Nhiều khu dân cư, khu đô thị mới hình thành chỉ đang chú trọng về hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, thoát nước mà chưa hoàn thiện việc đầu tư cho cây xanh để tạo mỹ quan, đáp ứng một số chỉ tiêu liên quan tỷ lệ, mật độ trong quy hoạch.