Khó lắm, Tơ Pơơ…
Thủy nói sẽ đi với tôi đến xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang. May mà có Thủy, nếu không mình tôi chắc chịu sầu vì không biết đường. Bởi có muốn hỏi chi thì suốt quãng đường 29km từ trung tâm xã vào đến thôn Tơ Pơơ, giữa rừng tịnh không bóng người.
Đường đi len lỏi lối mòn hiểm trở một bên trùng trùng cây già, bên này là hồ nước, không lỡ trượt ngã thì cũng bó gối vì mưa rừng. Mà đến được tới nơi chưa chắc đã gặp bà con nếu không manh mối liên hệ, bởi cái ăn réo họ trên rừng…
1. A Viết Được dẫn chúng tôi về nhà, khi xưng là cán bộ nông dân thôn. “Tiền còn mấy triệu đó, em không thèm nhớ nữa”. Nụ cười bàng quan, chua chát, như dấu chấm hết cho ký ức thời huy hoàng sớm vụt tắt.
“Hồi nớ không ai uống bia chai đâu anh, cứ bia lon mà nhậu, mấy đứa thanh niên đi xe máy xuống Thạnh Mỹ, công an thổi, nó bỏ xe luôn, về mua cái khác. Em được đền bù gần 1 tỷ đồng mà. Chừ tìm chai bia uống không ra” - Được nói.
Hồi đó là gần 10 năm trước, đồn rân tới Tam Kỳ, Đà Nẵng là dân Tà Pơ chơi khủng, toàn biệt thự giữa rừng, do trúng đền bù thủy điện Sông Bung 4. Tôi đọc lại báo cũ, thấy đâu mấy chục hộ được đền bù gần 100 tỷ đồng. Đúng là sấm nổ giữa trời quang. Nhà bự toàn gỗ, xe máy, tủ lạnh, karaoke ùn ùn lên. Nhậu, là cảnh tượng thấy nhiều nhất, khắp cả làng. “Em đau dạ dày từ đó” - Được thật thà.
Mười năm, “tang chứng, vật chứng, nhân chứng” còn nguyên đó. Sát nhà Được là nhà ông A Viết Đươi, bố của anh. Ông cười hề hề, là làm nhà hết 350 triệu đồng, còn lại mua sắm và cho bà con anh em. “Bà con khó khăn, có tiền thì cho thôi”. “Chừ còn đồng nào trong ngân hàng không?”. “Làm chi có, tiêu hết ngay mà”. Ông lại cười, chẳng lộ tiếc nuối.
Tôi vào nhà ông, trên vách và chân nhà, mối đã ăn. “Chò non đó, chôn đất, mưa là mối lên tới nóc, do mình không có kinh nghiệm”. Gỗ láng bóng, đóng kín nhà từ chân tường đến la phông. Đúng là khiếp. Ở thành phố mà chơi như thế này, không đại gia thì cũng máu mặt. Được lên tiếng: “Nhà nào cũng bị mối ăn, sợ lắm, có nhà đã sụp đổ trần rồi, nhưng không có tiền sửa”.
Hồi đó, chẳng biết ai đưa đường dẫn lối, mà nhiều tốp thợ từ phía bắc rùng rùng kéo đến tận đây. “Tâm lý bà con ai cũng muốn làm cho nhanh, nên họ đòi mấy đưa mấy, cái nhà 700 - 800 triệu đồng mà tiền công có khi một nửa rồi. Họ lừa mà mình có biết đâu” - Trưởng thôn Zơ Râm Thình nói.
Đền bù thì phải đi và những cư dân có nhà hoành tráng thôn này, gồm người thôn 2 xã Zuôi và Tơ Pơơ gom lại một thôn. Họ được cấp 1,5ha đất sản xuất và 600m2 đất ở. “Tiền tiêu đến năm thứ mấy là hết?”. “Chừng 3 năm anh à” - Thình nói – “cũng có một ít gửi ngân hàng, nhưng phần lớn là làm nhà, cho người thân, rồi tiêu pha. Thì cả đời cực mà, có tiền nhiều nên không tính, mà dân mình thì không biết lo xa…”. “Đủ ăn không?”.
“64/111 hộ đói nghèo. Cực lắm anh, ở cao quá, anh đi là biết, đường kinh khủng. Mùa mưa lớn, tắc đường là chuyện thường, hai năm trước, có người đau, dân phải khiêng cả xe máy và người, đoạn nào chạy được thì chạy, tưởng chết rồi.
Ở đây làm chi cũng khó. Lúa 1 vụ, không có thủy lợi. Ai cũng bám rừng kiếm ăn, khi mây, tre chừ cũng là lâm sản phụ, cấm khai thác, nhưng không vào rừng thì lấy chi sống”.
2. Ký ức có lẽ đã cháy, đã tí tách, bùng ngọn và “hầm rục” họ đêm ngày, cái ký ức vàng son một thuở xênh xang để chừ quanh quẩn cái ăn để mệt nhoài. Hiện tại buốt nhức, chỉ cần cái ăn đủ bữa, là mừng lắm rồi. Tôi lội quanh làng, đúng là nhìn thấy ngon lành bóng láng nhà cửa, cũng lắm xe máy hư bỏ nằm chỏng chơ.
Bồng đứa cháu trên tay, cười bẽn lẽn, gặng hỏi hồi lâu rồi chị Zơ Râm Thị Miết cũng trả lời: “Chừ không có tiền mua thuốc cho con, chứ hồi đó nhiều tiền”. Chồng làm rẫy, chị bứt mây bán 4 ngàn đồng/kg. Tựa vào rừng mà sống. Lại quay về rừng, kiểu người Kinh nói chuyện đời người “thổ lai hoàn thổ”.
Nghĩ tới đây mà chát chúa câu chuyện hay nói đúng hơn là lập luận từ câu hỏi sinh tử bao năm chẳng ai trả lời nổi từ các nhà hoạch định chính sách: Người dân ở rừng mà không sống được từ rừng, thì sao họ sống? Rừng, một thuở đùm bọc họ và họ an nhiên sống.
Thuở đó, không xa, hồi họ chưa phải rời làng ra đi, nhường mảnh đất bao đời lại cho thủy điện. Điều đáng nói hơn, thuở đó và hiện tại, có một quãng đệm khá lý tưởng, là số tiền khá lớn, nhưng lời giải cho giá trị lũy kế từ tiền, đã bị hóa phép trong chốc lát, khi họ chẳng biết tính toán để nó đi cùng mình đường dài.
Lớn tuổi như A Viết Được, chị Miết thì đã đành chịu, nhưng thanh niên như Zơ Râm Nâm thì cũng thúc thủ. Nhà Nâm to đẹp nhất làng, nội thất gỗ trang bị đến tận nóc.
Nâm kể hồi đó đem 1,8 tỷ đồng đền bù về, làm ngay cái nhà này hết 650 triệu, mua 3 xe máy hết 100 triệu, năm ngoái mối ăn hư 16 cây cột, Nâm còn 200 triệu đem mua gỗ sửa luôn. Hết sạch.
“Chừ em đi rẫy anh à, chứ biết làm chi” - vừa nói chàng ta vừa vuốt điện thoại cảm ứng. Bà Bé mẹ của Nâm nhìn con trai, gắt gỏng ngắn gọn: “Không có chi hết, không còn chi hết”.
3. Giấc mơ an sinh no ấm chốn này, chẳng cần suy luận mấy, cũng đủ thấy cam go. Cái ăn đã khó, nhà cửa hư nát sau khi đã đốt tiền vào đó rồi quay về ở chòi lá như ông A Viết Phân, khác chi một giễu nhại buồn tênh số phận, mà may ông còn có con trai, đi rừng đào bắt cúi lúi bán cho tư thương kiếm ít tiền. Hiện thực gay gắt nhất với Tơ Pơơ, chính là đường dân sinh.
Trưởng thôn Zơ Râm Thình nói: “Đường dân sinh cấp trên hứa làm từ năm 2014 mà không thấy, còn nữa, một số đất của bà con đo đạc rồi mà chưa được đền bù”. Còn Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ là Zơ Râm Thực, khi biết chúng tôi vừa từ Tơ Pơơ ra, đã lắc đầu nói ngay: “Khổ lắm vì nó quá xa, hiểm trở, mùa mưa là tắc đường, đất ít, lại hẹp, dân chẳng biết làm chi ra tiền”.
Có đường chứ không phải không, nhưng nó là vậy đó. Trái thơm trên đó, lẽ ra 10 ngàn đồng/kg, nhưng chỉ có giá 6 - 7 ngàn, bởi người ta còn trừ chi phí vận chuyển. Thăm thẳm xa và quay quắt khó. Hãy hình dung, nó ở chót vót trên cao, nhìn xuống chỉ thấy xanh đậm màu nước và cây rừng.
Mùa này mưa và sương mù là “đặc sản”. Đi vòng thủy điện để về, tôi như trôi đi, bởi 10 năm trước, mấy đứa học trò điểm trường Brum B ở xã Zuôih đã kéo chiếc thuyền lủng ồ ồ nước chảy vào cho tôi qua sông, vào trường. Đêm đó tôi ở lại với hiu hắt đèn khuya và nỗi buồn quay quắt của đời giáo viên cắm bản trong thung lũng...
Những cư dân năm đó rời làng ra đi, chính là dân Tơ Pơơ bây giờ. Mọi thứ của ngày xưa đã chôn vùi đâu đó dưới lòng hồ. Mười năm chứ cần chi 30 năm mới có cuộc thương hải tang điền, chỉ có phận người là không khác. Cách duy nhất là phải tốn một khoản tiền lớn mở đường vào đó. Có người nói khó lắm vì xa quá và hiểm quá. Ừ thì khó, nhưng ở đó có họ, những người đã và đang sống, úp mặt vào cây rừng mà khao khát cái ăn, cái mặc, việc làm…