Đại biểu Lê Văn Dũng thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội
(QNO) - Sáng nay 28/10, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Dũng có bài phát biểu quan trọng.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng đánh giá, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, biến động bất thường nhưng Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả. Đất nước đã vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn nhất sau đại dịch COVID-19, kinh tế vĩ mô ổn định, công tác an sinh xã hội được chăm lo chu đáo.
Đại biểu Lê Văn Dũng nhận định, trong khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm, nhiều nước lâm vào tình trạng bất ổn thì GDP của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 8%, ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch là những con số rất ấn tượng. Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng đạt được những kết quả quan trọng, tạo niềm tin trong nhân dân.
Nhiều vấn đề từ thực tiễn
Thống nhất cao với đánh giá, nhận định và các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, đại biểu Lê Văn Dũng cũng nêu 3 vấn đề từ thực tiễn đặt ra đối với Chính phủ.
Thứ nhất là vấn đề phát triển kinh tế miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng (ATK) vẫn còn là bài toán khó. Tuy Đảng, Nhà nước đã dành rất nhiều sự quan tâm đặc biệt nhưng hạ tầng thiết yếu ở khu vực miền núi vẫn chưa được tập trung đầu tư đồng bộ và thiếu tính kết nối.
Bên cạnh đó, do điều kiện khí hậu và thời tiết cực đoan làm cho hầu hết hạ tầng thiết yếu khu vực miền núi xuống cấp nhanh, hư hỏng nặng… Vì vậy, việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống đồng bào ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng cao, biên giới đang gặp quá nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khu vực này còn rất cao.
Thứ hai là vấn đề cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cán bộ công tác ở miền núi đang bộc lộ nhiều bất cập. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã với mức phụ cấp rất thấp, lại không được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, làm thiệt thòi lớn đến quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Công chức cấp xã chưa liên thông với công thức cấp huyện. Khi công chức cấp huyện được luân chuyển, điều động về cấp xã được xem là biên chế thuộc công chức cấp xã nên không được hưởng các chế độ của cấp huyện, kể cả không được thi chuyển ngạch, nâng ngạch mặc dù công chức đã đủ điều kiện. Đồng thời khi công chức cấp xã trở về lại huyện thì phải được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chuyển từ chức xã trở về huyện thì mới về được.
Từ thực tế đó, đại biểu Lê Văn Dũng cho biết nhiều cán bộ, công chức, người hạt động không chuyên trách cấp xã không yên tâm công tác, nhất là ở các xã miền núi nhiều cán bộ nghỉ việc.
Vấn đề thứ ba là công an chính quy về làm việc ở xã. Đại biểu Lê Văn Dũng khẳng định, đây là chủ trương rất đúng, được chính quyền, nhân dân ủng hộ cao. Song việc hoàn thành xây dựng trụ sở công an xã theo Nghị quyết 12 của Đảng ủy Công an Trung ương đang gặp khó khăn, ngân sách địa phương không thể cân đối được.
Bên cạnh đó, một số vấn đề thực tiễn đặt ra tại Quảng Nam và nhiều địa phương khác ở miền Trung như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan gây bão lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển tại các địa phương rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân ven sông, ven biển.
Đầu tư tuyến quốc lộ 1 nhưng lại không có làn đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm khiến nhiều người tử vong. Cử tri Quảng Nam rất bức xúc với vấn đề này và kiến nghị nhiều lần. Bộ trưởng Bộ GTVT hứa ưu tiên nguồn lực để đầu tư mở rộng thêm tuyến hành lang cho người đi bộ và xe thô sơ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Đề xuất giải pháp
Để khắc phục những nội dung nêu trên, đại biểu Lê Văn Dũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề. Đó là, Chính phủ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực miền núi, vùng sâu, khu vực biên giới, vùng ATK, nhất là giao thông, điện, viễn thông để “mở đường”, tạo điều kiện cho các chương trình, dự án phát huy hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú ý đầu tư hạ tầng giao thông.
Đại biểu Lê Văn Dũng cho biết, khu vực biên giới là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị - kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Do vậy, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền, kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, có cơ chế hỗ trợ đặc biệt từ ngân sách trung ương cho các xã biên giới, để tạo bước đột phá cho các xã vùng này phát triển.
Tình trạng phân bổ vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm nay quá chậm, đến tháng 6/2022 mới phân bổ, đây là thời điểm thường xuyên xảy ra mưa lũ nên các địa phương không thể giải ngân hết trong năm. Đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết của kỳ họp lần này cho phép gia hạn thời gian giải ngân các nguồn vốn năm 2022 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đến hết năm 2023.
Đối với nguồn vốn đầu tư, hầu hết các địa phương là có hạn, nhưng nhiều nội dung đầu tư có tính cấp thiết, vượt quá khả năng cân đối của địa phương. Do vậy, đại biểu đề nghị Trung ương quan tâm cân đối, hỗ trợ để cùng với ngân sách địa phương đầu tư xây dựng hoàn thành các trụ sở làm việc cho công an xã trong năm 2025 theo đúng nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư kè sông, kè biển những nơi xung yếu, sạt lở nghiêm trọng, tránh tình trạng bố trí, cân đối được vốn thì đã mất đất, mất làng, thậm chí thiệt hại tính mạng người dân do sạt lở. Sớm quan tâm bố trí vốn để đầu tư mở rộng, xây dựng làn đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam, từ huyện Duy Xuyên đến Phú Ninh.
Đại biểu Lê Văn Dũng tiếp tục kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức theo hướng quy định công chức 4 cấp (trong đó có cấp xã); sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 theo hướng xóa bỏ chức danh “Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”; đồng thời tăng định biên công chức cho cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính và giao định biên để các địa phương tự chủ trong việc bố trí hợp lý theo nhu cầu thực tế.