WHO lần đầu xác định bệnh nấm là mối đe dọa sức khỏe con người

KIM OANH 26/10/2022 16:38

(QNO) - Lần đầu tiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định bệnh nấm là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Mỗi năm có khoảng 300 triệu người nhiễm các bệnh về nấm nghiêm trọng. Ảnh: CDC
Mỗi năm có khoảng 300 triệu người nhiễm các bệnh về nấm nghiêm trọng. Ảnh: Gettyimage

Ông Alan (75 tuổi) ở Northamptonshire (Anh) sống chung với bệnh aspergillosis phổi mãn tính trong 12 năm qua. Ông nói bệnh nhiễm nấm khiến ông luôn trong tình trạng mệt mỏi, đau nhức, ho thường xuyên và kiệt sức.

Ngày 25/10/2022, WHO công bố danh sách 19 loại nấm là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, bên cạnh vi khuẩn và vi rút, khi các các bệnh phát triển kháng lại các phương pháp điều trị bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, các bệnh nhiễm trùng do nấm lại nhận ít hơn 1,5% tổng kinh phí nghiên cứu bệnh truyền nhiễm.

Điều đó buộc thế giới cần khẩn trương đầu tư vào nghiên cứu trước khi quá muộn. Bởi sự gia tăng của bệnh nhiễm nấm ở người được mệnh danh là "cuộc khủng hoảng thầm lặng".

Theo WHO, các loại nấm đe dọa sức khỏe đang lan rộng theo phạm vi địa lý do biến đổi khí hậu, trong khi một số bệnh do nấm tăng đột biến trong đại dịch COVID-19.

Danh sách chia các bệnh nấm thành 3 loại: ưu tiên quan trọng, cao và trung bình, tùy thuộc vào tác động đến sức khỏe cộng đồng và nguy cơ kháng thuốc.

Đứng đầu trong danh sách có 4 loại "ưu tiên quan trọng". Đó là Aspergillus fumigatus - có thể lây lan qua bào tử trong không khí và ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, có thể gây tử vong từ 47% đến 88% bệnh nhân bị ảnh hưởng và ngày trở nên kháng một số nhóm thuốc chống nấm.

Bên cạnh đó là Cryptococcus neoformans và Candida auris - có thể gây nhiễm trùng máu, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng tai trong khi bệnh nấm Candida albicans (nấm âm đạo) gây ra kích ứng, viêm, ngứa, tiết dịch và đau rát.

Ảnh: CDC
Nấm gây bệnh Candida auris được soi dưới kính hiển vi. Ảnh: CDC

Báo cáo của WHO nêu rõ: "Nhóm có nguy cơ nhiễm nấm xâm lấn cao nhất bao gồm người bị ung thư, HIV/AIDS, cấy ghép nội tạng, bệnh hô hấp mãn tính và nhiễm trùng lao. Trong đại dịch COVID-19, nhiều cơ quan y tế cũng thông báo số lượng vi khuẩn kháng thuốc tăng đột biến trong các mẫu thu thập từ bệnh nhân".

Tiến sĩ Justin Beardsley từ Viện Bệnh truyền nhiễm Đại học Sydney (Australia) - người dẫn đầu nhóm nghiên cứu danh sách các tác nhân gây bệnh ưu tiên về nấm của WHO cho biết: "Nấm là căn bệnh truyền nhiễm bị lãng quên. Chúng gây ra những căn bệnh nguy hiểm nhưng lại bị bỏ quên quá lâu nên chúng ta hầu như không hiểu được hết quy mô của vấn đề".

WHO cảnh báo bệnh nấm kháng thuốc đang lan rộng trên toàn cầu do nhiều yếu tố, như việc sử dụng không kiểm soát các chất chống nấm trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và biến đổi khí hậu...

Trên thế giới, nhiễm nấm gây tử vong cho 1,7 triệu người mỗi năm - nhiều hơn cả bệnh sốt rét hoặc bệnh lao. Đại dịch COVID-19 chứng kiến ​​những "siêu nấm" kháng thuốc như C. Auris xuất hiện và lan rộng trong các khu bệnh viện trên khắp hành tinh.

Hơn nữa, nhiệt độ trái đất nóng lên do biến đổi khí hậu đang cho phép các loài nấm mở rộng phạm vi và lây nhiễm sang nhiều người hơn. Do đó, WHO kêu gọi nỗ lực của các chính phủ và chuyên gia nghiên cứu nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các loại nấm đe dọa sức khỏe con người.

KIM OANH