Cảnh báo dịch sốt xuất huyết lây lan mạnh
Quảng Nam đã ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết. Số ca mắc nhập viện điều trị đang tăng nhanh dẫn đến tình hình quá tải ở các cơ sở y tế.
Số ca mắc cao nhất miền Trung
Số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam, tính đến ngày 23/10, toàn tỉnh đã ghi nhận 11.880 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 21,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hiện tại, Quảng Nam đứng đầu khu vực miền Trung về số ca mắc SXH.
Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết, sau 2 năm số ca mắc giảm, theo chu kỳ dịch, năm nay dịch SXH sẽ bùng phát mạnh. Đây là điều đã được dự báo từ trước đó, và thời điểm hiện tại (cuối tháng 10, đầu tháng 11) chính là đỉnh dịch.
“Có 4 nguyên nhân khiến số ca mắc tại Quảng Nam cao. Bên cạnh tính chu kỳ của dịch bệnh, còn do tình hình thời tiết tại Quảng Nam thời điểm này quá thuận lợi để muỗi phát triển.
Chưa kể, sau 2 năm số ca mắc giảm mạnh, ý thức về phòng chống dịch bệnh của người dân cũng không cao, lực lượng y tế ở địa phương phải đảm đương quá nhiều việc dẫn đến nhân lực phòng chống dịch SXH mỏng, việc xử lý các ổ dịch không kịp thời dẫn đến dịch lây lan” - ông Huỳnh Công Quang nói.
Xử lý các ổ dịch không kịp thời cũng chính là điều người dân ở nhiều nơi phàn nàn, nhất là công tác phun hóa chất quá chậm trễ khi địa bàn đã có hàng loạt ca mắc. Nhiều địa phương gặp phải tình trạng thiếu hóa chất để phun xử lý ổ dịch. Ông Huỳnh Công Quang cho biết, trước tình hình bùng phát dịch, CDC Quảng Nam vừa mua thêm 100 lít hóa chất phân bổ cho các địa phương đang bùng dịch, tiến hành phun diện rộng.
Tại Tam Kỳ, địa phương đầu tiên có số ca SXH tử vong trong năm 2022, số ca mắc hiện nay ghi nhận ở mức khá cao. Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) TP.Tam Kỳ cho biết, tính đến tháng 10, tổng số mắc của địa phương này lên đến 1.594 ca, trong đó, từ tháng 6 đến nay, số ca mắc liên tục ở con số hơn 220 ca mắc mỗi tháng.
Cơ sở y tế quá tải
Số ca mắc tăng nhanh dẫn đến các cơ sở y tế gặp tình trạng quá tải. Tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam, số bệnh nhân nhập viện vì SXH thời điểm này cao gấp 6 lần so với năm 2019, trong đó chủ yếu vẫn là các ca nặng và có dấu hiệu cảnh báo nặng.
Ông Nguyễn Ngọc Võ Khoa - Trưởng khoa Y học nhiệt đới nói, vì BVĐK tỉnh là tuyến cuối nên liên tục tiếp nhận các ca nặng từ các địa phương. Hiện tại, số bệnh nhân SXH nhập viện tại đây phải chuyển sang các khoa khác nằm vì số giường bệnh tại khoa Y học nhiệt đới không đủ. BVĐK Quảng Nam phải huy động sự trợ lực từ nhiều khoa khác để điều trị bệnh nhân mắc SXH nhập viện.
Tương tự, trung tâm y tế (TTYT) ở các địa phương cũng phải liên tục kê thêm giường tiếp nhận bệnh nhân. Ông Trần Đỗ Nhân - Giám đốc TTYT huyện Duy Xuyên cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở này nhận 30 - 40 ca bệnh nhập viện vì SXH. Hiện có khoảng 70 bệnh nhân SXH điều trị nội trú trong tổng số 400 bệnh nhân đang được trung tâm điều trị. Tuy nhiên, số ca mắc tăng nhanh, buộc đơn vị này phải kê thêm giường điều trị.
Duy Xuyên cũng là địa phương có số ca mắc khá cao khi ghi nhận đến 1.051 ca bệnh tính đến 23/10. Ông Trần Đỗ Nhân cho biết, Duy Xuyên đang vận hành các tổ phòng dịch ở các địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý ổ dịch.
Tại BVĐK Khu vực Quảng Nam (Điện Bàn), số bệnh nhân mắc SXH được điều trị khá đông. Ông Nguyễn Tải - Giám đốc BVĐK Khu vực Quảng Nam cho biết, cùng với Khoa Y học nhiệt đới, số bệnh nhân SXH là trẻ em được chuyển sang điều trị tại khoa Nhi của BV.
Số bệnh nhân nội trú nhập viện điều trị do mắc SXH tại đây ghi nhận 58 bệnh, đông gấp đôi so với số giường bệnh thực kê tại Khoa Y học nhiệt đới. Số ca mắc trên toàn thị xã hiện lên đến 2.047 ca.
Vẫn còn đang trong thời gian đỉnh dịch, đưa mức cảnh báo phòng chống dịch lên cao nhất là điều được đặt ra. Ngành y tế Quảng Nam đang dốc toàn lực cho công tác xử lý ổ dịch, ngăn chặn lây lan nhanh.
Đồng thời khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu mắc SXH cần báo ngay cho y tế địa phương, phải theo dõi liên tục tình hình sức khỏe và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển nặng. Ngoài ra, đồng loạt thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, giảm muỗi truyền bệnh để giảm số ca mắc...