Nước biển ấm lên, ngư dân Indonesia gặp khó

NAM VIỆT 24/10/2022 16:52

(QNO) - Một hành tinh nóng hơn sẽ gây thời tiết khắc nghiệt hơn, mùa màng thất bát và thiệt hại thu nhập cho người dân khắp nơi, trong đó có ngư dân Indonesia.

Ngư dân đánh bắt cá dọc sông Cisadane ở Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia. Ảnh: Reuters
Ngư dân đánh bắt cá dọc sông Cisadane ở tỉnh Banten, Indonesia. Ảnh: Reuters

Nguồn cá cạn kiệt

Ngư dân Susanto (42 tuổi) ở Indonesia nhìn sản phẩm của ông sau 4 giờ đánh bắt: chỉ có 4 con cá đối, và lắc đầu ngán ngẩm.

Thường vào mỗi buổi chiều tháng 8 hằng năm, ông Susanto đánh bắt cá đối, cá ngừ vằn... ngoài khơi để trang trải thu nhập cho gia đình.

Nhưng năm nay, bão dữ dội, sóng cao thường xuyên khiến tàu cá không thể vào bờ, rất nguy hiểm.

Thay vào đó, ông Susanto sử dụng bẫy cá làm từ một chai nhựa lớn và một đoạn dây với bột mì làm mồi để câu cá ở một ngôi làng miền Trung Java.

Ông Susanto nói: "Đánh bắt cá bây giờ rất khó khăn. Những mùa bội thu đang trở thành điều hiếm hoi đối với cộng đồng ngư dân Indonesia".

Tại cảng cá Tasikagung ở Rembang, ngư dân Abdi cho biết cách đây một thập kỷ, ông có thể đánh bắt 10 tấn cá trong 3 ngày trên biển. Còn ngày nay, ông ước tính phải mất 15 ngày.

Ngư dân H. Amin Abdullah cho biết, nhiều gia đình, đặc biệt là thanh niên ở Đông Lombok cảm thấy biển không còn có thể mang lại sinh kế nên tìm kiếm công việc khác.

"Thật khó để biết những gì sẽ xảy ra từ biển nếu nhiệt độ tiếp tục nóng lên" - ông H. Amin Abdullah nói.

Ngư dân Indonesia lo lắng cho tương lai nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng. Ảnh: Reuters
Ngư dân Indonesia lo lắng cho tương lai nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng. Ảnh: Reuters

Chính phủ Indonesia dự đoán đất nước với hơn 17.000 hòn đảo này có thể chịu thiệt hại kinh tế hằng năm gần 115 nghìn tỷ rupiah (tương đương 7,4 tỷ USD) vào năm 2024 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, 70% trong số đó là thiệt hại trong lĩnh vực biển và ven biển.

Ông Yonvitner - chuyên gia tài nguyên ven biển và đại dương tại Đại học IPB ở Tây Java giải thích, cùng với việc thời tiết khắc nghiệt ngày càng nguy hiểm, hiện tượng ấm lên toàn cầu cũng đang thu hẹp nguồn cá quanh Indonesia.

Khi nước biển gần bờ biển ấm lên, các loài cá có xu hướng di cư đến các khu vực mát hơn, trong khi những con ở lại ít có khả năng sinh sản hơn.

Nhiệt độ tăng cũng gây ra hiện tượng tẩy trắng rạn san hô. Các rạn san hô của Indonesia chiếm hơn 1/10 tổng diện tích rạn san hô trên thế giới.

"Khi san hô chết hoặc trải qua quá trình tẩy trắng, nó không còn có thể là nơi sinh sống hoặc sinh sản của cá" - nhà nghiên cứu Sukandar tại Trung tâm Nghiên cứu biển và bờ biển tại Đại học Brawijaya ở Malang (Indonesia) cho biết.

Số liệu do cơ quan thống kê trung ương Indonesia công bố năm ngoái cho thấy, số lượng ngư dân làm việc tại nước này giảm hơn 10% trong thập kỷ qua.

Nhiệt độ trái đất tăng

Biển động do gió mạnh mà các nhà khoa học cho biết liên quan đến nhiệt độ toàn cầu tăng, ngày càng phổ biến và nguy hiểm trong khi nước ấm đang giết chết cá hoặc khiến chúng di cư đến các khu vực mát hơn.

Ông Parid Ridwanuddin - nhà quản lý chiến dịch biển và ven biển tại Diễn đàn Môi trường Indonesia (Walhi) cho biết: "Cuối cùng, ngư dân sẽ vươn khơi xa hơn để bù đắp tổn thất, gặp đầy rủi ro vì thời tiết biển thường khắc nghiệt".

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ toàn cầu hiện tăng hơn 1,2 độ C kể từ thời tiền công nghiệp.

Hành tinh đang nhanh chóng đạt đến mốc 1,5 độ C. Thỏa thuận Paris năm 2015 - một hiệp ước giữa gần 200 quốc gia - đặt ra mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C hoặc 1,5 độ C có thể vào cuối thế kỷ 21.

NAM VIỆT