Mở lối du lịch cùng voọc Tam Mỹ Tây

PHẠM QUỐC 23/10/2022 10:23

Đàn voọc chà vá chân xám quý giá dần sinh sôi ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành) đang mở thêm cơ hội phát triển du lịch cộng đồng tại miền quê thanh bình này.

Đàn voọc Tam Mỹ Tây hiện có không gian sống khá chật hẹp (khoảng 30ha). Ảnh: P.Q
Đàn voọc Tam Mỹ Tây hiện có không gian sống khá chật hẹp (khoảng 30ha). Ảnh: P.Q

Tìm cách tiếp cận bền vững

Quần thể chà vá chân xám là loài động vật bản địa, đã sinh sống từ lâu ở rừng Tam Mỹ Tây. Số liệu khoa học về loài được ghi nhận lần đầu tiên bởi Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) vào năm 2004.

Ông Hoàng Quốc Huy - Phó Giám đốc Trung tâm GreenViet (đơn vị thực hiện nhiều nghiên cứu, cập nhật số liệu về quần thể từ năm 2017) thông tin, kết quả khảo sát mới nhất vào tháng 9/2022 cho thấy, quần thể này có 9 đàn và 69 con. Sinh cảnh của chúng khoảng 30ha rừng tự nhiên bị chia cắt và bao quanh bởi rừng keo của người dân địa phương. Có thể nói, Tam Mỹ Tây là nơi dễ tiếp cận và quan sát thấy đàn voọc này nhất trong tất cả khu vực mà nó sinh sống.

Dự án phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở xã Tam Mỹ Tây đang được triển khai (từ tháng 7/2022 - 3/2023). Dự án do các Viện Văn hóa quốc gia của Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Phân viện Goethe tại Việt Nam và được thực hiện bởi Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Công ty TNHH cơ sở văn hóa nghệ thuật Hội An và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.

Lân cận khu vực này có danh thắng Hố Giang Thơm và vườn cây ăn trái thôn Tú Mỹ. Các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch nhận định, với “điểm nhấn” là loài chà vá chân xám, khu vực này sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng và thúc đẩy kết nối chuỗi điểm đến đặc sắc.

Ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Khách sạn Santa Sea Hội An Villa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa nhận định, du lịch giáo dục trải nghiệm gắn với bảo tồn hệ sinh thái là hướng đi khả thi cần nghiên cứu tại Tam Mỹ Tây.

“Phân khúc khách tiềm năng nhất có thể thu hút là du khách đến từ các trường học, viện nghiên cứu, các câu lạc bộ… Du khách đến đây ngoài việc du lịch, trải nghiệm còn có thể tìm hiểu về đa dạng sinh học và trực tiếp thực hiện các hoạt động bảo tồn như trồng cây gây rừng mở rộng không gian sinh tồn cho loài chà vá chân xám” - ông Lê Quốc Việt gợi mở.

Còn theo ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Emic Travel, phải định vị rõ ràng sản phẩm đặc thù mà điểm đến này cần cung cấp là gì. Đó nên là các hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa, team-building, trekking…

Cần thay đổi suy nghĩ điểm đến Tam Mỹ Tây chỉ phù hợp với khách nội địa. Sản phẩm thiên về giáo dục trải nghiệm thì có khả năng tiếp cận bất cứ thị trường nào nếu có sản phẩm đủ tốt.

Phát triển hài hòa với bảo tồn

Thời gian qua, chưa có các hoạt động du lịch liên quan đến sinh cảnh voọc nhưng vùng đệm xung quanh như làng du lịch sinh thái cộng đồng Hố Giang Thơm và vườn cây ăn trái thôn Tú Mỹ thì đã được ngành du lịch và địa phương quan tâm, triển khai hỗ trợ phát triển. Điểm đến này cũng đã được Quảng Nam đăng ký tham gia triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

 

Theo bà Nguyễn Thị Linh Phượng - Phó phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL), Tam Mỹ Tây đang có cơ hội tốt để phát triển du lịch nhưng cần thận trọng trong việc tiếp cận bởi quần thể đàn voọc vốn dễ tổn thương. Khi có hoạt động du lịch, việc triển khai tour cũng cần xây dựng lộ trình, tần suất phù hợp nếu không sẽ dễ tác động đến hệ sinh thái này.

Chà vá chân xám (tên khoa học là Pygathrix Cinerea) là loài thú linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, tên thường gọi là voọc, voọc chân xám. Loài này chỉ phân bố hẹp ở 6 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai. Loài này được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2007 và Danh mục đỏ thế giới (IUCN Redlist 2015) ở mức cực kỳ nguy cấp.

Còn theo TS. Chu Mạnh Trinh - Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trước khi phát triển du lịch cần có quy hoạch tổng thể khu vực nào dành cho bảo tồn, khu vực nào dành cho cộng đồng, khu vực nào kêu gọi đầu tư. Cần có cơ quan điều phối để hài hòa mọi chủ thể.

Du lịch cộng đồng là sự hợp tác với những câu chuyện, việc kể cho du khách nghe về những hạnh phúc của làng. Chỉ khi đạt được những yêu cầu này thì việc phát triển du lịch ở Tam Mỹ Tây mới bền vững.

Ông Stefan Ziegler - chuyên gia WWF khuyến cáo, bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây cần được cân đối, tránh tạo ra sự căng thẳng cho quần thể voọc, làm suy thoái các thảm thực vật cùng hệ sinh thái tại địa phương.

PHẠM QUỐC