Du lịch cộng đồng: Chậm rãi dọ hướng đi - Bài 2: Dừng ở... điểm dừng chân
Diện mạo nhiều ngôi làng thay đổi đáng kể nhờ phát triển du lịch cộng đồng. Song hệ lụy đi kèm là một số giá trị truyền thống bị xô lệch. Chưa kể, ngày càng nhiều làng du lịch trở nên... vắng lặng.
Rộn ràng…và đắp chiếu
Những người dân xã đảo Tam Hải (Núi Thành) từng khấp khởi kỳ vọng về một vùng du lịch đặc biệt của quê xứ mình. Ở ngay giữa vùng 3 mặt giáp biển, một khu resort tiêu chuẩn quốc tế như L’domane de Tam Hải vẫn đều đặn đón khách theo kiểu thức riêng của họ. Nhưng nhấp nhổm về một làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) thì bao năm qua vẫn đợi.
Và không chỉ riêng Tam Hải. Núi Thành, theo thống kê, có 7 tài nguyên tự nhiên và 3 tài nguyên văn hóa được tỉnh phê duyệt. Các doanh nghiệp và chuyên gia từng đề nghị chỉ cần Núi Thành khai thác bài bản được làng DLCĐ xã đảo Tam Hải thôi là có thể tạm coi là thành công từ nay đến giai đoạn 2025.
Ông Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nhìn nhận, đến nay thực sự vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Hạ tầng phục vụ du lịch của địa phương hiện quá kém. Cũng vì chưa được đầu tư nên nhiều điểm đến cộng đồng bị ô nhiễm môi trường do du lịch tự phát.
DLCĐ là du lịch gắn liền với đặc trưng mỗi vùng miền về màu sắc văn hóa, thiên nhiên, đặc sản, con người..., với sự tham gia của cộng đồng dân cư - những người trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch.
Có 6 loại hình DLCĐ phổ biến, gồm: du lịch sin thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch bản địa, du lịch làng, du lịch gắn với làng nghề truyền thống - thủ công mỹ nghệ.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mô hình DLCĐ đã mở rộng ra trên cả nước, với khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động loại hình này.
Con số thống kê từ ngành du lịch cho thấy sức hút ngày càng sụt giảm của những điểm DLCĐ từng tạo được tên tuổi.
Cụ thể, nếu năm 2017, làng Đhrôồng (Đông Giang) đón 560 lượt khách, doanh thu gần 202 triệu đồng thì đến năm 2019, số khách giảm còn 186 lượt và doanh thu từ du lịch chỉ có 66 triệu đồng.
Ở làng Triêm Tây, từ 988 lượt khách với doanh thu 242 triệu đồng năm 2017, đến năm 2019 chỉ còn 200 lượt khách với doanh thu hơn 66 triệu đồng.
Hậu đại dịch Covid-19, nhiều điểm đến ngoại ô Hội An nhanh chóng chuyển mình thu hút lượng lớn du khách để phục hồi. Chỉ có làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà) và làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) vẫn trong vòng xoáy suy thoái.
Số liệu thống kê trong đợt lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua (tính từ ngày 1 - 3/9), làng rau Trà Quế bán vỏn vẹn 33 vé, còn làng mộc Kim Bồng gần như vắng bóng du khách.
Trở lại làng Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) những ngày này, bên cạnh chút tiêu điều của cảnh quan ngày mưa gió dễ dàng nhận thấy sự thay đổi của làng. Dãy hàng rào bê tông nối tiếp nhau, nhà hai ba tầng mọc lên, rất ít hộ dân trên các trục đường chính trong làng còn giữ hàng rào chè tàu.
Trong số 20 điểm DLCĐ trên cả tỉnh được công nhận, mỗi nơi lại một thách thức riêng. Nếu Tam Hải gặp ách tắc ở hạ tầng giao thông, thì một số nơi sự bứt phá của du lịch lại kéo theo sự thay đổi nếp sống. Trong đó, rõ ràng nhất là câu chuyện nhập cư, với sự đổ bộ của rất nhiều đại gia bất động sản vào những ngôi làng vốn dĩ chuộng tĩnh lặng.
Tam Thanh (Tam Kỳ) là nơi đang chịu áp lực rất lớn của việc thay đổi thành phần dân cư. Thống kê chưa đầy đủ của chính quyền xã Tam Thanh, số lượng người dân từ vùng miền khác đến xây dựng homestay, dựng nhà lưu trú ngay tại làng bích họa Trung Thanh đã lên đến hàng chục. Đây cũng chính là thách thức đặt ra không chỉ với nếp sống của cư dân địa phương mà còn cả an ninh, trật tự…
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói: “Trục trặc của DLCĐ nằm ở chỗ: Cộng đồng là giá trị rất lớn nhưng chúng ta tiếp cận giá trị này không đúng khi đầu tư, phát triển du lịch. Chúng ta lâu nay vẫn quen tư duy DLCĐ là sản phẩm đại trà nên chỉ chú tâm tới việc bán vé tham quan hoặc một vài dịch vụ phụ trợ bình dân đi kèm sao cho thu được nhiều nhất”.
Cân đối lực tải của điểm đến DLCĐ cũng hết sức quan trọng. Đơn cử, tại sự kiện Ngày hội văn hóa du lịch Đại Bình (huyện Nông Sơn) hồi tháng 8 vừa qua, trong không gian làng khá khiêm tốn, không ít thời điểm du khách phải chen nhau dẫn đến cảm giác xô bồ, khác với mường tượng về DLCĐ của nhiều du khách.
Quá nhiều lực cản
Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho rằng, điểm yếu nhất của DLCĐ là phát triển một cách ồ ạt, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc. Vì thế, các sản phẩm du lịch ra đời nghèo ý tưởng, rập khuôn. Ở các địa phương khác biệt về hoàn cảnh địa lý, tập quán sinh sống mà sản phẩm na ná nhau không có sức hấp dẫn.
“DLCĐ ở Quảng Nam đang tồn tại ở nhiều dạng thức, có thể hình thành do Nhà nước hỗ trợ, do tư nhân đầu tư hoặc thậm chí là tự phát, nhưng đều chưa có quy mô bài bản, thiếu sự liên kết nên hiệu quả không cao, chỉ trừ các điểm du lịch ở Hội An” - bà Thu nói.
Đây cũng là điều được khá nhiều du khách lẫn các hãng lữ hành phàn nàn khi đưa khách đến những vùng đất được xưng là điểm đến DLCĐ. Việc quy hoạch cũng như các chính sách chưa rõ ràng và đồng bộ, dẫn đến các mô hình DLCĐ hoạt động lỏng lẻo, kém hiệu quả, thậm chí “chết yểu” là điều đã được nhìn thấy.
Trà Nhiêu, làng Mỹ Sơn (Duy Xuyên) hay thậm chí là làng Bhơhồng (Đông Giang) - một trong những địa điểm từng được kỳ vọng là mô hình điểm của DLCĐ ở miền núi - cũng đành ngậm ngùi cảnh vắng lặng đìu hiu khi không thể kết nối với các tour tuyến từ các thành phố lớn.
Hàng loạt khó khăn, vướng mắc được nhìn nhận, từ lao động tham gia các hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ nên chưa phát huy hết tiềm năng điểm đến để phục vụ khách du lịch, một bộ phận người dân chưa quan tâm nhiều đến DLCĐ.
Năng lực quản lý, điều hành, kết nối phát triển du lịch của các thành viên ban quản lý, hợp tác xã, tổ hợp tác còn nhiều hạn chế. Hạ tầng thiết yếu (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nhà đón tiếp...) được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu khách du lịch.
Chất lượng hạ tầng giao thông kết nối một số điểm DLCĐ còn thấp, làn đường nhỏ, gây khó khăn cho các công ty lữ hành tổ chức tour du lịch cho xe 30 chỗ ngồi trở lên.
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My kể, có lần huyện mời một số doanh nghiệp du lịch lên khảo sát chuỗi điểm đến tại địa phương. Trên hành trình khảo sát thì doanh nghiệp đánh giá rất cao tiềm năng nhưng vài ngày sau về thì biệt tăm, không kết nối được vì thực sự hạ tầng quá yếu, nhìn đâu cũng thấy thiếu, khó để phát triển du lịch.
Vấn đề đáng lưu ý khác là môi trường xã hội tại các điểm du lịch đông khách vẫn chưa nền nếp, cạnh tranh về giá không lành mạnh. Nguyên nhân đến từ sự quá tải về hạ tầng du lịch; lợi ích mang lại từ du lịch quá lớn nên xảy ra tình trạng cò mồi và cạnh tranh giá cả không lành mạnh.
Quá tải sức chứa của điểm đến ở những lúc cao điểm cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bền vững của tài nguyên du lịch. Những điều này đã được cảnh báo tại một số điểm DLCĐ ở Hội An.
Một giáo viên mầm non ở TP.Tam Kỳ kể, mùa hè vừa qua, chị cùng đồng nghiệp có chuyến trải nghiệm cười ra nước mắt tại một homestay ở Cẩm Thanh (TP.Hội An). Khi nhóm chị đang tổ chức sinh hoạt tại homestay này thì liên tục nhận gạch đá từ phía ngoài ném vào, dù nhóm không sử dụng loa kẹo kéo, không gây ồn ào đến xung quanh... Phản ánh với chủ homestay, chị được biết đây cũng là điều thường xuyên xảy ra tại những homestay khác của Cẩm Thanh.
-------------------------------------------
Bài cuối: Mở lối phát triển