Một đời nặng nợ với dân
Không khó hiểu khi lúc nào ông cũng một lòng đau đáu với dân, muốn làm một cái gì cụ thể cho nhân dân. Bởi trong ông, “Đảng vẫn còn nợ dân, nợ những người trung kiên chí cốt một lòng theo Đảng, chịu đựng bao gian khổ hy sinh”. Ông là Nguyễn Đình An - nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Cơ duyên với đồng chí Hồ Nghinh
Còn nhớ, một buổi sáng đầu tháng 8/2012, tại buổi gặp mặt thân mật nhân đồng chí Hồ Nghinh, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, lại nghe được giọng nói thân quen của ông Nguyễn Đình An.
Dáng người thấp, nhưng ông sở hữu một trong những giọng đọc có âm vực rộng, sang sảng, đậm chất Hà Nội, được nhiều người “xếp hạng” nhất nhì về giọng truyền cảm trong hàng ngũ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cũng như của TP.Đà Nẵng.
Nghe nói về chuyện đó, ông cười, bởi ông vốn sinh ra ở Hội An, Quảng Nam nhưng lại có quãng thời gian 30 năm lớn lên và công tác trên đất Bắc, khi ông theo cha ra Bắc từ năm 3 tuổi…
Anh hùng Hồ Nghinh, với Nguyễn Đình An là cả một sự gắn bó sâu sắc mà nồng đậm nghĩa tình. Đang là trí thức đất Bắc, trước những cơ hội đi đào tạo ở nước ngoài để trở thành “hạt giống” cách mạng cho công cuộc xây dựng đất nước, chàng trai tuổi 30 Nguyễn Đình An quyết định lên đường vào Nam - cũng là trở lại quê hương, để được đứng trên chiến hào chống Mỹ.
“Lúc đó, trong đầu mình chỉ có một suy nghĩ là nhanh chóng vào miền Nam kẻo không còn cơ hội nào mà đánh Mỹ nữa” - ông nhớ lại giây phút chấp nhận dấn thân trước thời cuộc cách mạng.
Thế nhưng, chưa vào đến chiến trường Quảng Đà, ông nhận ra một sự thật xót xa rằng, mảnh đất này sẽ không có chỗ cho hoạt động “trồng người” mà ông đang đảm nhận trước khi đi B.
Bởi, hoạt động của vùng tự do bị thu hẹp, bị đánh phá ác liệt, cả chiến trường đang vào hồi nước sôi lửa bỏng, chuyện dạy chữ cũng chỉ theo kiểu dã chiến, phải phân tán, ngụy trang… chứ không thể nào khác được.
Nhưng, được có mặt ở chiến trường là điều hạnh phúc nhất đối với một người trí thức như ông. Nhìn vào lý lịch, thấy ông có thời gian làm cán bộ theo dõi môn Văn, nên lãnh đạo quyết định điều ông về làm phóng viên Báo Cờ Giải phóng (Ban Tuyên huấn Khu ủy 5), đến năm 1967, ông được phái về làm phóng viên tờ Cờ Giải phóng Quảng Đà (Đặc khu ủy Quảng Đà).
Ông Dưỡng, thủ trưởng của ông không những làm giấy giới thiệu chính thức, còn viết một bức thư tay cho Bí thư Hồ Nghinh. Gặp nhà lãnh đạo Hồ Nghinh, chính là cơ duyên cho Nguyễn Đình An “phát tiết” trong thời gian ở chiến trường, suốt từ năm 1967 đến ngày giải phóng năm1975.
Bí thư Hồ Nghinh, với sự tin cậy và thương yêu, đã đem đến cho Nguyễn Đình An đang bỡ ngỡ hội nhập chiến trường một hào khí cách mạng và làm nẩy nở sự cống hiến. Ngoài công việc được giao là viết bài cho báo, ông còn được xem như một trợ lý viết thư, thảo hịch cho Bí thư, Chính ủy Hồ Nghinh.
Ông nói: “Ông Nghinh cùng các lãnh đạo có sự thông cảm và hiểu biết đối với một người mới vào chiến trường, tự nhiên mình thấy hạnh phúc vì được tin cậy trên chính quê hương mình. Thế nên, dù chiến trường ngày càng ác liệt với bao gian khổ, hy sinh, mình luôn thấy phấn chấn và gắn bó hơn”.
Nhiều lần đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy 5 muốn điều ông về lại cho tờ Cờ Giải phóng, ông đã nhiều lần xếp hành lý, lương khô để chuẩn bị lên đường, nhưng ông Hồ Nghinh đi công tác về biết chuyện liền đề nghị để ông ở lại.
Thế là ông ở lại, gắn bó với mảnh đất Quảng Đà, với công tác tuyên huấn ở chiến trường máu lửa ác liệt này cho đến ngày giải phóng. Điều làm ông nhớ mãi đến hôm nay, chính là ông đã gặp được những nhà lãnh đạo biết quý trọng, trân trọng trí thức, có cái nhìn đúng về trí thức như Hồ Nghinh.
Nhân dân là nền tảng của mọi chiến thắng
Những ngày trước đổi mới, khi phong trào hợp tác xã đang rầm rộ ở đất Quảng Nam - Đà Nẵng, ai cũng biết đến tiết mục thông tin cổ động “Hạt lúa Hòa Châu” của Đội thông tin cổ động Hợp tác xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.
Tiết mục mang đậm hơi thở cuộc sống và truyền cảm hứng cho cuộc sống ấy, được khởi thủy từ suy nghĩ phải làm gì thật cụ thể cho đời sống - từ vật chất đến tinh thần cho nhân dân của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Nguyễn Đình An.
Nhớ lại một thời làm văn hóa cơ sở sôi nổi đó, ông tâm sự: “Mình phải lo làm sao đưa văn hóa về với quần chúng, phát huy năng lực sáng tạo của quần chúng để không chỉ cung cấp món ăn tinh thần mà cả kích thích nguồn năng lượng sáng tạo vô tận trong họ.
Bởi, trong thời điểm đó, khi đời sống kinh tế còn khó khăn, phương tiện thông tin đại chúng còn nghèo nàn thì của hiếm là cái radio được ví von như một chính ủy, một kỹ sư và một đội văn nghệ trong nhà”.
Chính vì trăn trở với đời sống tinh thần của nhân dân, ông Nguyễn Đình An đã đẩy mạnh chủ trương xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, phục vụ cho cơ sở. Lúc đầu thì vụng về, nhưng qua những hội thi hội diễn, qua trao đổi kinh nghiệm, các đội văn nghệ tuyên truyền ở các hợp tác xã ngày càng nở rộ và lớn mạnh, đưa Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành điểm sáng về văn hóa quần chúng ở cơ sở trên toàn quốc. Tiết mục “Hạt lúa Hòa Châu” vinh dự được biểu diễn phục vụ nhiều hội nghị, đoàn khách…, như một đặc sản của đất Quảng.
Rồi đến khi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Đình An cũng luôn trăn trở phải làm gì đó thật cụ thể cho người dân, chứ không tuyên truyền suông, không nói chung chung được.
Ông nhớ lần đi công tác, nghe tin người dân huyện Trà My bị sốt rét hoành hành, từ TP.Hồ Chí Minh, ông không về nhà mà đi thẳng đến tận vùng dịch để nắm tình hình. Khi khảo sát, nắm chắc được nguyên nhân, ông về tỉnh báo cáo và triển khai việc vận động, thuyết phục các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tập trung viện trợ thuốc phun diệt trừ muỗi, tẩm màn chống muỗi…; nhờ sự quyết liệt đó mà đẩy lùi được sốt rét.
Tại sao phải lo cho dân ư? Bởi một điều giản dị nhưng sâu sắc ông rút ra được từ những năm tháng chiến tranh: Nhân dân chính là nền tảng của mọi chiến thắng. “Trong chiến tranh, có một quy luật nghiệt ngã là không dựa vào dân thì chết tươi!” - ông đúc kết như vậy.
Và trong ông, những người dân luôn thuyết phục, nêu gương một cách lặng lẽ nhưng lớn lắm, là chỗ dựa thôi thúc ông và đồng đội bám trụ chiến trường. “Tại sao mình lại trụ bám chiến trường lâu như thế, không hối hận khi từ bỏ cơ hội sống yên lành, thăng tiến ở hậu phương… để ra chiến trường gian khổ, ác liệt như thế, chính là nhờ mình được sống giữa những người dân như thế. Sống với họ, mình không thể lùi bước, không thể rời xa họ” - ông lý giải cho câu hỏi lớn của đời mình.