Nhiều khó khăn trong chăm lo nạn nhân da cam
Công tác chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Quảng Nam được quan tâm, chú trọng, song cũng đối diện với không ít khó khăn, cần giải pháp hiệu quả.
Còn nhiều khó khăn
Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh hiện có 7.405 hội viên nạn nhân CĐDC, thuộc 11 hội cấp huyện. Theo thống kê, Quảng Nam có khoảng 34.870 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có khoảng 15.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng.
Đến ngày 15/4/2022, toàn tỉnh có 6.337 người là nạn nhân CĐDC/Dioxin hưởng chế độ, trong đó có 1.869 người thuộc thế hệ 2. Nạn nhân thế hệ thứ 3 đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ, chính sách, có nơi đã có thế hệ thứ 4 (tại Hiệp Đức). Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC/dioxin Quảng Nam hiện có 13 cháu thuộc thế hệ thứ 3 được hưởng chế độ bảo trợ xã hội trong tổng số 47 cháu tại trung tâm.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh hội đã làm việc với đại diện tổ chức Medipeace tại Quảng Nam, phối hợp với Hội Nạn nhân TP.Tam Kỳ khảo sát 10 hộ gia đình nạn nhân và trẻ em khuyết tật, hỗ trợ sửa chữa nhà và công trình phụ với số tiền 150 triệu đồng. Đến ngày 10/5/2022, Tỉnh hội và các huyện, thành phố đã vận động được hơn 2,9 tỷ đồng chăm lo cho nạn nhân, hỗ trợ cho hơn 4.000 lượt nạn nhân với số tiền gần 2,6 tỷ đồng...
Theo ông Nguyễn Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, công tác giám định y khoa đối với nạn nhân da cam gặp khó. Nếu trước năm 2013, việc giám định do các bác sĩ trực tiếp khám và dựa vào kết quả này, Hội đồng giám định y khoa của tỉnh sẽ công nhận nạn nhân da cam.
Từ đầu năm 2014, Thông tư liên tịch số 41/2013 của liên Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 17 danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật cơ liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính sẽ được giám định qua máy MRI (chụp cộng hưởng từ).
Phần lớn người bị phơi nhiễm chất độc hóa học đi giám định đều có biểu hiện của bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính và tuổi đã cao (gần 80 tuổi). Nhưng kết quả từ việc giám định qua máy MRI không xác định được nguyên nhân sâu xa của bệnh, cho rằng những người có biểu hiện bị bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính là do tuổi già gây nên.
“Thực tế là nhiều người tham gia cách mạng cùng thời điểm, cùng sống trong vùng bị phun rải chất độc hóa học, nếu được giám định trước năm 2014 thì được công nhận là nạn nhân chất độc da cam.
Số người còn lại tuổi càng cao, bệnh tật nặng hơn, nhưng nay mới đi giám định thì không được công nhận. CĐDC đã truyền sang thế hệ thứ ba, thậm chí thứ tư. Hàng nghìn nạn nhân còn phải sống trong cảnh đói nghèo. Nhiều nạn nhân đã mất khi chưa được hưởng chế độ, chính sách” - ông Cả chia sẻ.
Đồng hành với nạn nhân da cam
Theo ông Nguyễn Anh Cả, thời gian qua, dù đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song các cấp hội vẫn tiếp tục duy trì ổn định, bền vững hoạt động của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC và trẻ em khuyết tật Quảng Nam.
Tích cực thực hiện quy chế phối hợp giữa Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh để nắm chắc nạn nhân CĐDC, kiến nghị giúp đỡ kịp thời. Các cấp hội cũng tích cực phối hợp với các ngành liên quan, các nhà hảo tâm giúp đỡ, đồng hành với nạn nhân và gia đình.
Ông Võ Văn Ái - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC/dioxin và trẻ em khuyết tật Quảng Nam cho biết, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan đào tạo nghề may cho 15 trẻ khuyết tật của trung tâm, thời gian đào tạo 3 tháng. Đến nay, các cháu có thể làm được các sản phẩm đơn giản tạo thu nhập cho bản thân.
Năm 2021, trung tâm đã tiếp nhận nguồn tài trợ dụng cụ tập luyện phục hồi chức năng và nhà mái che dụng cụ của tổ chức Medipeace trị giá hơn 150 triệu đồng. Để tạo nguồn thu nhập tự trang trải thêm, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hương bán ra thị trường. Trung tâm cũng tổ chức sản xuất rau sạch để cải thiện bếp ăn cho các cháu...