Lũ lụt - tác động của biến đổi khí hậu
(QNO) - Nhiều quốc gia trên thế giới đang chống chọi với lũ lụt nặng nề gây nhiều thiệt hại.
Hôm qua 16/10, Nigeria tuyên bố thảm họa thiên tai khi trận lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 10 năm qua tại nước này khiến hơn 600 người thiệt mạng, hơn 1,3 triệu người phải rời nhà cửa, 82 nghìn ngôi nhà và gần 110 nghìn héc ta đất nông nghiệp bị tàn phá.
Cơ quan quản lý khẩn cấp quốc gia Nigeria cho biết, mùa mưa thường bắt đầu vào khoảng tháng 6 và lượng mưa đặc biệt lớn xuất hiện kể từ tháng 8 đến nay.
Tháng trước, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho biết, Nigeria nằm trong số 6 quốc gia đối mặt với nguy cơ thiếu đói cao.
Theo các nhà khoa học, lũ lụt trên thế giới ngày càng thường xuyên và nặng nề hơn, chủ yếu bắt nguồn với việc phát thải khí nhà kính như CO2 và mê tan.
Khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, bầu khí quyển ngày càng nóng lên. Không khí nóng đó giữ nhiều hơi nước hơn. Ví vậy, mưa lớn sẽ phổ biến hơn khi trái đất nóng lên.
Tại thời điểm này, các nhà khoa học có thể đo lường những gì đang xảy ra trong thời gian thực.
Như theo báo cáo đánh giá khí hậu tại Mỹ, lượng mưa trong các trận mưa bão lớn nhất tăng trên khắp nước này từ năm 1958 đến 2016.
Đặc biệt, lũ lụt xảy ra rất nhanh và nước tràn mạnh khi nó di chuyển. Khi mưa nhiều rơi trong một thời gian ngắn, nước sẽ không thấm xuống đất, nhất là khi nền đã bão hòa, hoặc được bao phủ bởi mặt đường bê tông. Vì vậy, nước đọng lại trên bề mặt.
Nếu có một ngọn đồi - dù chỉ là một ngọn đồi rất nhỏ - nước sẽ bắt đầu di chuyển xuống dốc, cực kỳ nguy hiểm. Nước di chuyển có thể xé toạc nhà cửa, phá hủy đường sá, lấp đầy các ga tàu điện ngầm và cuốn trôi ô tô. Đây là một trong những lý do tại sao lũ lụt luôn là nguy cơ thiên nhiên gây chết người.
Ở các thành phố, một lý do khiến mưa lớn gây lũ lụt trên diện rộng là các đường ống ngầm không đủ lớn để xử lý loại mưa lớn đang đổ xuống. Ở các khu vực đô thị dày đặc, nơi mưa lớn được dự báo sẽ trở nên cực kỳ phổ biến trong những năm tới.
Trang tin NPR cho rằng, dù các cơ quan thời tiết liên tục phát đi cảnh báo về mưa lớn và lũ quét, quan trọng là phải thực hiện những cảnh báo đó một cách nghiêm túc, đặc biệt ở vùng trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt.
Các nhà khoa học trên thế giới khẳng định, để ngăn chặn trái đất nóng lên phụ thuộc vào việc con người có ngừng thải khí nhà kính hay không.
Nếu thế giới tiếp tục đốt một lượng lớn dầu, khí đốt và than đá, bầu khí quyển sẽ ngày càng nóng lên, và mưa lớn sẽ ngày càng phổ biến hơn, thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong suốt thế kỷ này.