Chi bằng học - từ Phan Châu Trinh đến Phan Khôi
(VHQN) - Câu “Chi bằng học” Phan Châu Trinh để lại tặng quốc dân đồng bào, qua trăm năm còn được nhắc lại với đầy tính thời sự.
Khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh là tôn chỉ của chủ nghĩa Tam dân không phải do Phan Châu Trinh phát minh, nhưng ông là người mang nó vào, phát động một cuộc thực hành lớn lao trên khắp cõi Việt Nam ngày ấy còn thân phận bị nô dịch.
Cuộc vận động trong thực tiễn nhằm mục tiêu thiết lập một nền Quốc học, được “tài trợ” từ các cơ sở Quốc thương, mà lõi quyết định là tâm huyết của một lớp trí thức cựu học duy tân.
Để những ý tưởng Tam dân thấm đượm vào “quốc dân”, biến cộng đồng dân tộc trở nên củi nỏ sẵn sàng cho ngọn lửa tiến bộ, Phan Châu Trinh đề xướng (và thiết tha đòi hỏi) một nhiên liệu vạn năng: Chi bằng học.
Sự học của Phan Châu Trinh
Phan Châu Trinh và các bạn đồng chí vốn xuất thân cựu học. Cái học cũ nặng từ chương tử viết thánh vân, cái hành văn chương tám vế khoa cử. Người ta thường nói đến tình trạng trì trệ của “dân tộc Việt Nam” có phần tội tình của ngàn năm lặn ngụp trong cái học cũ kỹ và lạc hậu đó. Nó được xét đến như một quán tính đã thâm nhiễm vào lối sống lối nghĩ của dân Việt qua bao đời, đến thời hiện tại vẫn còn dư hệ lụy.
Ấy vậy, mà Phan Châu Trinh và bạn hữu của ông, cày ải “sách vở thánh hiền” mấy mươi năm, thấm nhuần cái học đó đến bực đỗ đạt thành ông nghè…, chớp một cái như trở bàn tay, các ông quay ra kịch liệt bài xích những thứ đã làm nên danh phận cho mình.
Các ông đòi dẹp gấp, thủ tiêu ngay lối học cùn mằn khiến người ta sa lầy mãi vào hư danh, khư khư ôm mãi những tập quán rầy rà vướng víu, và nhất là nó khiến người ta mù quáng tôn sùng những thế lực quân quyền, tấc đất ngọn rau ơn chúa… mà quên mất tư cách sảng khoái của con người tự do.
Phan Châu Trinh cổ xúy một thứ “tân học” đặt trên căn bản con người. Khai phóng con người, tôn trọng con người “độc lập”. Một vài cuốn “tân thư” buổi đầu ấy, có thể là những nét phác cơ bản nhất của những khái niệm về tự do, về nhân quyền, dân quyền, cộng với sự quan sát nhận định thời cuộc, đã đủ lật nhào mọi quan niệm về tư cách con người của nền học cũ.
Không chỉ là một “nền học”, đó còn là nền văn hóa, là truyền thống, là quân là quốc, là tổ tông, là “mã gene” của mấy chục triệu dân Việt. Điều gì có thể so sánh với cuộc cách mạng nội tâm ấy của Phan Châu Trinh và bạn bè đồng chí ông? Chỉ có thể là một cuộc sinh nở.
Những con người tiên phong ấy (của dân tộc) đã thực sự tự đốt cháy mình, và tái sinh huy hoàng như huyền thoại về loài phượng hoàng. Đốt cháy, lột bỏ cả con người và cuộc đời cũ, để đứng ra với hình hài mới với tóc cua, mốt Tây Hồ…
Từ bỏ tiền đồ khăn vấn áo thụng, ngồi trên công đường làm dân chi phụ mẫu, và đón quan lộc ơn vua, các vị biến mình thành những tay hảo hán chân đất đầu bụi, lội khắp ba kỳ mà hô hào diễn thuyết, mà bắt tay lập hội… đi buôn, đi trồng quế trồng sắn, khuyến khích bầy trẻ con vào trường học những môn học ngôn ngữ tính toán địa dư…
Khi những con người đó xướng lên dứt khoát, rằng sự cần thiết số một mà quốc dân cần chú ý, là sự học. Thì chữ học đó phải mang sức nặng của cả một sự nghiệp, chứ không đơn thuần là lời khuyến khích nhất thời.
Phải học, là nội dung lớn bao quát “triết lý” của Phan Châu Trinh về con đường tự cường giành độc lập. Độc lập cá nhân và độc lập dân tộc, cả hai không tách rời nhau. Trong bối cảnh lịch sử đương thời, cái độc lập dân tộc sẽ là hệ quả của độc lập cá nhân.
Học để bồi đắp dân trí, để khuyến khích dân khí, là phương tiện thiện xảo để gây dựng nền dân sinh xứng đáng. Tuy nhiên đó không phải là những bước tuần tự máy móc, nhất định phải xong cái này mới tiếp cái kia.
Trong khi quốc dân đang hồ hởi hưởng ứng nền học mới do các nhân sĩ Duy tân đề xướng, thì đồng thời cái “dân khí” cũng theo đó mà dâng cao. Chỉ mới khởi lên niềm tin rằng có học mới nên người, thì con người bên trong đã lớn dậy.
Cuộc dân biến cúp tóc xin xâu năm 1908 ở miền Trung lan như đám cháy rừng mùa khô ra khắp ba kỳ, là minh chứng của dân khí, vì một yêu cầu dân sinh thiết thực nhất: đòi chính quyền giảm xâu giảm thuế để cải thiện mức sống của dân.
Có thể nhìn ra trong phong trào này cả ba yếu tố của cuộc vận động Tam dân, dù nó thất bại. Lãnh đạo bị bắt tù đày, bị giết hại, các cơ sở kinh tài giáo dục bị san bằng. Đó cũng là minh chứng của sự non nớt về chính trị, của sự học chưa đủ sâu rộng để dẫn đạo cho dân khí. Và đó, càng khẳng định thêm tầm quan trọng của chữ học.
Sự học của Phan Khôi
Cuộc Duy tân với cao trào Dân biến bị trốc tận rễ. Thực sự thì về phương diện vật chất, nó gần như phá sản. Nhưng ở phương diện tinh thần, nó không bao giờ chết.
Cái học của Phan Châu Trinh, những lớp học của các ông bị cấm chỉ. Cái phong trào cả dân tộc bươn bả đi theo tân học bị đập nát, nhưng ở khía cạnh cá nhân, vẫn còn đó những con người thiết tha trung thành với tôn chỉ ấy.
Phan Khôi, người đàn em của thế hệ Duy tân Phan Châu Trinh, có thể coi là người kế thừa và xiển dương cái học ấy đến bực tận trí, tận mỹ. Tất nhiên là trong hoàn cảnh khác, vì hoàn cảnh thời đại đã khác, và trên một phạm vi khác: phạm vi thực hành cá nhân.
“Chi bằng học” của Phan Châu Trinh, đến Phan Khôi đã trở thành những đòi hỏi khắt khe, cụ thể. Nhưng điều quán xuyến cả hai, cuộc đời và hành trạng, chính là thứ hôm nay được gọi là tinh thần trí thức. Học, hành động, và trung thành với những giá trị mình xác tín. Đến chết không đổi.
Phan Khôi kế thừa Phan Châu Trinh về phương diện con người tri thức, con người học tập và thực hành những điều thủ đắc được ngay trong đời sống. Ông chọn cho mình con đường nghiên cứu và phản biện.
Ông dịch sách, viết văn, ông viết về quốc ngữ, và ông làm báo - phê bình, bút chiến, châm biếm - và ở lĩnh vực nào, người ta cũng có thể nhìn thấy một Phan Khôi nhất quán giữa tri - ngôn - hành.
Những gì Phan Khôi đã làm, phong phú vô cùng, nhưng đều có thể quy nạp vào một điểm: ý thức xây dựng con người và văn hóa mới. Ông không viết vì danh, không vì lợi, không tránh né vì nguy cơ hại đến thân mình. Ông đong giá những việc làm và tư cách mình bằng chính sinh mạng, một cách bình thản.
Khi Phan Khôi nằm xuống, có một câu cảm thán cuối cùng: cái đời này, nó thế! Cái đời nó thế, nghĩa là nó không kham nổi những việc ông làm, những ý ông nghĩ. Cái thang đo giá trị đã khác chuẩn rồi.
Cũng như sau này, Nguyễn Văn Xuân viết cuốn biên khảo về phong trào Duy tân, có nhận xét rằng: cái phong trào canh tân xã hội với những phong tục văn hóa mới sau 1945 về quy mô có thể sánh với phong trào Duy tân, nhưng đã mang một nội dung khác.
Có thể nói, cái học Duy tân xướng lên từ Phan Châu Trinh, sau khi bị bức hại, đã được tiếp nối (và thực hành) một cách triệt để với Phan Khôi. Một tư tưởng có thể gây thành chủ nghĩa/ thể chế, vì hoàn cảnh mà gom vào chỉ một người. Và cái chết của người ấy, là nhát cắt đứt đoạn. Lịch sử đã đi theo hướng riêng.
Nhưng đoạn mà không tuyệt. Ngày hôm nay, chúng ta còn có thể nhìn lại, với đủ độ lùi để những gì tạm thời đã phai lạt đi, còn lại là cái lõi kiên cố đẹp đẽ. Chúng ta cũng có đủ đầy phương tiện thông tin và công nghệ để phục hưng một chữ HỌC mà các tiền bối đã lấy máu và sinh mạng ra để bảo chứng, và di chúc lại cho dân tộc, đất nước này.
Nhìn lại với một sự nghiêm trang cần thiết, chứ không phải để ghi chép vào sách vở và đặt tên nó là Lịch sử.