Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm trùng do thủng dạ dày
(QNO) - Khởi phát với triệu chứng đau bụng, buồn nôn, bụng căng tức, anh Đ. đến một cơ sở y tế địa phương điều trị nhưng không thuyên giảm nên quyết định vượt quãng đường hơn 200km từ tỉnh Kon Tum đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình (Đà Nẵng) để thăm khám.
Chiều 3/10/2022, anh Kiều Văn Đ. (53 tuổi) nhập viện Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Gia Đình trong tình trạng kiệt sức, đau toàn bụng dữ dội kèm buồn nôn, bụng chướng căng, phản ứng thành bụng rõ. Người nhà cho biết anh Đ. có tiền sử viêm loét dạ dày và vừa phẫu thuật cắt túi mật nội soi cách đây một tháng tại cơ sở y tế địa phương.
Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, kết quả cho thấy bạch cầu máu giảm thấp. Siêu âm và CT scan thấy ổ phúc mạc có khí tự do, dịch quanh bề mặt gan, phần hang môn vị dạ dày có hình ảnh mất liên tục, gần vị trí tổn thương có cấu trúc tăng tỷ trọng nghi ngờ dị vật.
ThS-BS. Nguyễn Hoàng và ThS-BS. Lê Xuân Long của Khoa Ngoại - Bệnh viện Gia Đình đã hội chẩn cùng bác sĩ gây mê, thống nhất chuyển mổ khẩn cấp với chẩn đoán: viêm phúc mạc toàn thể do thủng dạ dày dẫn đến sốc nhiễm trùng, tiên lượng nặng.
ThS-BS. Nguyễn Hoàng cho biết, thời điểm bệnh nhân nhập viện muộn, đã có dấu hiệu sốc nhiễm trùng, kích thước lỗ thủng khá lớn và kế cạnh vị trí nội soi cắt túi mật trước đó. Thêm vào đó, các tạng viêm dính, nhiều dây chằng ổ phúc mạc nên quá trình phẫu thuật nội soi gặp khó khăn. Vì vậy, ê-kip bác sĩ quyết định chuyển sang phẫu thuật mở để xử trí kịp thời, tránh biến chứng suy đa tạng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Qua khoảng 90 phút, bác sĩ đã hút sạch dịch, súc rửa và làm sạch ổ phúc mạc, bấm mẫu sinh thiết vị trí tổn thương và khâu lại lỗ thủng dạ dày kèm đặt dẫn lưu ổ bụng. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, không còn cơn đau bụng, đã trung tiện được, bụng mềm, không chướng. Bệnh nhân được tập phục hồi chức năng sớm sau mổ, bắt đầu tập ăn cháo và đợi ngày xuất viện.
Anh Đ. chia sẻ, trước khi đến Bệnh viện Gia Đình, anh được đưa vào nhập viện tại một bệnh viện huyện ở tỉnh Kon Tum, tuy nhiên sau hai lần siêu âm và chụp X-quang không phát hiện bất thường và không có dấu hiệu thuyên giảm triệu chứng nên gia đình quyết định vượt quãng đường hơn 200km đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình nhập viện.
ThS-BS. Lê Xuân Long cho biết, trước phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị thủng dạ dày do dị vật nhưng trong lúc phẫu thuật không tìm thấy dị vật dù đã phẫu tích kỹ. Do đó, nguyên nhân đưa đến thủng dạ dày ở bệnh nhân có thể xuất phát từ tình trạng viêm loét dạ dày quá lâu, dai dẳng, nhưng không được thăm khám và theo dõi định kỳ (lần nội soi dạ dày gần nhất của anh Đ. cách đây đã 30 năm) cũng như điều trị tích cực.
Thủng dạ dày là một biến chứng nặng của các ổ loét dạ dày và đôi khi của bệnh lý ung thư dạ dày. Bệnh thường biểu hiện bởi đau bụng đột ngột, dữ dội. Chính vì vậy, khi có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín, có khả năng chẩn đoán và phẫu thuật để điều trị kịp thời tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng.