Tranh luận về giá bán kính thực tế hỗn hợp Meta Quest Pro

AN TRƯƠNG 16/10/2022 11:14

(QNO) - Việc đổi tên chính thức từ Facebook thành Meta cho thấy mức độ mà Facebook, hoặc ít nhất là CEO Mark Zuckerberg, tin rằng metaverse là tương lai không chỉ của máy tính mà còn của toàn xã hội.

Meta đang hợp tác với Microsoft để đưa các công cụ làm việc như Windows 365 và Microsoft Teams lên thiết bị mới. Ảnh: Meta
Meta đang hợp tác với Microsoft để đưa các công cụ làm việc như Windows 365 và Microsoft Teams lên thiết bị mới. Ảnh: Meta

Bước đi đầu tiên của Meta chính là ra mắt chiếc tai nghe thực tế ảo hỗn hợp - kết hợp  thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) - Meta Quest Pro nhằm đưa metaverse vượt ra khỏi những lĩnh vực quen thuộc như trò chơi và giải trí. Tuy nhiên, giá bán của thiết bị này khá cao khiến hầu hết mọi người đều không thể đạt được ước mơ đó.

Giống như Quest 2, Quest Pro là một thiết bị độc lập không yêu cầu kết nối với PC, nhờ đó không hạn chế khả năng di chuyển của người đeo. Meta Quest 2 cũng không còn nặng ở mặt trước như hầu hết các tai nghe VR khác do pin được chuyển về phía sau của dây đeo, tạo ra một thiết kế cân đối hơn. Thấu kính pancake giúp làm cho toàn bộ cụm kính mỏng hơn đồng thời cung cấp tầm nhìn tốt hơn cho người đeo.

Không chỉ là nâng cấp về thiết kế, Meta Quest Pro còn cung cấp nhiều sức mạnh và linh hoạt hơn trong cách kết hợp giữa ảo và thực. Giống như hệ thống Oculus Rift cũ, thiết bị này có đủ sức mạnh và tính năng để cho phép người dùng trải nghiệm đa dạng hơn. Meta Quest Pro là thiết bị duy nhất cho đến hiện nay được trang bị vi xử lý Snapdragon XR2 với RAM 12 GB, bộ nhớ 256 GB, chứa 10 cảm biến độ phân giải cao.

Máy ảnh hướng ra ngoài sẽ cho phép người dùng nhìn thấy thế giới thực bên ngoài tai nghe, cho phép hệ thống của Meta kết hợp liền mạch các đối tượng ảo với các đối tượng thực hoặc ngược lại. Trong khi đó, máy ảnh hướng vào trong có thể theo dõi vị trí mắt người dùng đang hướng tới, theo dõi biểu cảm phản ánh trên khuôn mặt  người dùng. 

Theo The Verge, Meta đang hợp tác với Microsoft để đưa các công cụ làm việc như Windows 365 và Microsoft Teams lên thiết bị, giúp người dùng có thể làm việc dễ dàng trên thế giới ảo Meta Horizon.

Meta cũng thông báo rằng Quest for Business, gói đăng ký Meta Quest 2 và Meta Quest Pro, bao gồm các tính năng quản trị thiết yếu như quản lý thiết bị và ứng dụng, sẽ ra mắt vào năm tới.

Meta kỳ vọng Quest Pro hoạt động như một công cụ hỗ trợ xử lý công việc hiệu quả, bất kể người dùng đang ở đâu trong thế giới thực. Tuy nhiên, tất cả sức mạnh đó lại đi kèm với một cái giá không hề dễ chịu, lên đến 1.499 USD.

Giá bán này sẽ khiến không ít người dùng cảm thấy chần chừ để có thể ra quyết định sắm Quest Pro. Không chỉ cá nhân mà cả những khách hàng doanh nghiệp cũng phải cân nhắc, liệu số tiền này có thật sự mang lại lợi ích thật sự trong các cuộc họp trực tuyến hay giúp nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên hay không.

Đáng ngạc nhiên là Meta cho biết mình đã chấp nhận không có lợi nhuận khi bán sản phẩm này. “Chúng tôi cố gắng tạo ra những thiết bị phần cứng tốt nhất và bán nó ở mức hòa vốn, thậm chí chấp nhận lỗ trong một vài trường hợp. Mô hình kinh doanh của chúng tôi chủ yếu là dựa vào bán dịch vụ và phần mềm. Nếu bạn muốn xây dựng một trải nghiệm xã hội, trước tiên mọi người cần có mặt ở trong đó” - CEO Meta Mark Zuckerberg giải thích.

Thậm chí, Mark Zuckerberg còn chỉ trích Apple đang cố gắng tìm kiếm lợi nhuận một cách quá đáng, khi bán ra iPhone 14 với giá quá cao.

AN TRƯƠNG