Không gian Lâm Ấp, từ Thu Bồn mở rộng ra các hướng

VÕ VĂN THẮNG 16/10/2022 06:55

Hiện nay quan điểm kết nối lịch sử Lâm Ấp với Chămpa được nhiều người chấp nhận. Nhưng cũng có một số ý kiến hoài nghi, cho rằng Lâm Ấp với Chămpa là hai nước khác biệt. Trước khi bàn về mối quan hệ giữa Lâm Ấp và Chămpa, thử tìm hiểu riêng về không gian của Lâm Ấp.

Sơ đồ vị trí các huyện thuộc quận Nhật Nam (bản vẽ của Đào Duy Anh).
Sơ đồ vị trí các huyện thuộc quận Nhật Nam (bản vẽ của Đào Duy Anh).

Theo các ghi chép trong sử Trung Hoa, cuối thế kỷ 2, người địa phương ở huyện Tượng Lâm (địa bàn lưu vực sông Thu Bồn) nổi dậy đốt phá thành trì của chính quyền nhà Hán đô hộ, giết huyện lệnh và tự xưng vương, lập ra nước Lâm Ấp.

Trong “Tùy thư”, biên soạn đầu thế kỷ 7, có mục riêng về Lâm Ấp, chép chuyện từ lúc nước Lâm Ấp thành lập: “Lâm Ấp chi tiên, nhân Hán mạt Giao Châu nữ tử Trưng Trắc chi loạn, nội huyện Công Tào tử Khu Liên sát huyện lệnh, tự hiệu vi vương. Vô tự. Kỳ sanh Phạm Hùng đại lập. Tử, tử Dật lập. Nhật Nam nhân Phạm Văn nhân loạn vi Dật bộc lệ, toại giáo chi trúc cung thất, tạo khí giới. Dật thậm tín nhiệm, sử Văn tướng binh, cực đắc chúng tâm. Văn nhân gián kỳ tử đệ, hoặc bôn hoặc tẩu. Cập Dật tử, quốc vô tự, Văn tự lập vi vương… Hưng binh công bàng tiểu quốc, giai thôn tính chi, hữu chúng tứ ngũ vạn nhân”.

Dịch nghĩa: Khởi đầu của Lâm Ấp, nhân cuộc loạn của người phụ nữ Trưng Trắc ở Giao Chỉ vào cuối thời Hán, người con của viên Công Tào của huyện là Khu Liên giết huyện lệnh, tự xưng vua.

Không có con trai, cháu bên ngoại là Phạm Hùng lên thay. Chết, con là Dật lên. Phạm Văn, người Nhật Nam, nhân loạn, làm tôi tớ cho Dật, bèn bày cách xây dựng cung thất, chế tạo khí giới.

Dật rất tín nhiệm, cử Văn làm tướng binh, rất được lòng mọi người. Văn nhân đó ly gián con cháu của Dật, làm cho đi xa hoặc bỏ trốn. Đến khi Dật chết, nước không có người nối ngôi, Văn tự lập làm vua… Dấy binh đánh các nước nhỏ lân cận, thôn tính tất cả, có bốn, năm vạn người theo.

Vua Phạm Văn của Lâm Ấp là nhân vật đáng chú ý, có hành trạng dị thường, có tài thao lược, thu phục các “nước nhỏ” lân cận, hành binh bắt được quan Thái thú người Tàu, chiếm lĩnh toàn bộ đất Nhật Nam.

“Tấn thư” biên soạn giữa thế kỷ 7, chép về công trạng của Phạm Văn. Ảnh: T.L
“Tấn thư” biên soạn giữa thế kỷ 7, chép về công trạng của Phạm Văn. Ảnh: T.L

“Tấn thư”, biên soạn giữa thế kỷ 7, chép về công trạng của Phạm Văn với văn phong mạnh mẽ: “Ư thị nãi công Đại Kỳ Giới, Tiểu Kỳ Giới, Thức Bộc, Từ Lang, Khuất Đô, Kiền Lỗ, Phù Đan đẳng chư quốc, tịnh chi, hữu chúng tứ ngũ vạn nhân. Tiến sứ thông biểu nhập cống ư đế, kỳ thư giai hồ tự.

Chí Vĩnh Hòa tam niên, Văn suất kỳ chúng công hãm Nhật Nam, hại Thái Thú Hạ Hầu Lãm, sát ngũ lục thiên nhân, dư bôn Cửu Chân, dĩ Lãm thi tế thiên, sản bình Tây Quyển huyện thành, toại cứ Nhật Nam. Cáo Giao Châu Thứ Sử Chu Phan, cầu dĩ Nhật Nam bắc bỉ Hoành Sơn vi giới”.

Dịch nghĩa: Lúc ấy bèn đánh các nước Đại Kỳ Giới, Tiểu Kỳ Giới, Thức Bộc, Từ Lang, Khuất Đô, Kiền Lỗ, Phù Đan, gộp cả lại, có bốn, năm vạn người theo. Cử sứ dâng biểu vào cống vua (nhà Tấn), viết toàn bằng chữ Hồ.

Đến năm thứ ba niên hiệu Vĩnh Hòa (năm 347), Văn dẫn đầu mọi người đánh hãm Nhật Nam, hại Thái Thú Hạ Hầu Lãm, giết năm, sáu ngàn người, số còn lại chạy về Cửu Chân, lấy xác Lãm tế Trời, san bằng thành huyện Tây Quyển. Báo với Thứ Sử Giao Châu là Chu Phan, xin lấy vùng biên phía bắc của Nhật Nam là Hoành Sơn làm biên giới (giữa Lâm Ấp và Giao Châu.

Như vậy, riêng trong quận Nhật Nam, Phạm Văn đã san bằng Tây Quyển, chiếm hết cả quận; đề nghị lấy Hoành Sơn làm ranh giới với Giao Châu. “Tấn thư” cũng nêu rõ tên các tiểu quốc bị Phạm Văn thôn tính.

Ngày nay khó xác định cụ thể phạm vi của các tiểu quốc xưa, nhưng có thể hiểu đó là các lãnh địa của “thổ dân” ở về phía nam của Quảng Nam và vùng Trường Sơn ở phía tây, kể cả khả năng vua Phạm Văn của Lâm Ấp đã thôn tính các “tiểu quốc” ở vùng rừng núi phía tây quận Cửu Chân và Giao Chỉ, là nơi chính quyền đô hộ ở Giao Châu bấy giờ chưa quản lý được. Những huyền thoại về quan hệ giữa Chiêm Thành và các bộ tộc Mường ở miền núi phía bắc có thể là sự bảo lưu ký ức của một nước Lâm Ấp mở rộng từ thời Phạm Văn.

VÕ VĂN THẮNG