Không gian đặc biệt cho sáng tạo

BẢO ANH 16/10/2022 06:14

Sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19, Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam mới lại mở trại sáng tác tập trung tại Nhà Sáng tác Đà Lạt từ ngày 2 - 12.10. Đây là dịp để hội viên được sống trọn vẹn trong môi trường sáng tạo thú vị và có được những tác phẩm mới ưng ý...

Cao nguyên xanh. Ảnh: ĐẶNG KẾ ĐÔNG
Cao nguyên xanh. Ảnh: ĐẶNG KẾ ĐÔNG

Những trải nghiệm thú vị

Đã nhiều lần mở trại sáng tác tập trung dài ngày ở các địa điểm ngoài Quảng Nam, song Trại sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam tại Đà Lạt lần này là mới hơn cả. Thay vì mở trong 15 ngày cho “định biên” cứng là 15 văn nghệ sĩ, trại lần này được rút xuống còn 10 ngày, trong khi số trại viên tăng lên 20 người.

Thay vì chủ yếu chọn những người có kinh nghiệm sáng tác, trại lần này ưu tiên chọn tác giả trẻ, người chưa đi trại kiểu này lần nào và tất nhiên là phải có năng lực sáng tác. Việc chọn mô hình, thành phần dự trại như thế nhằm tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ được cọ xát, giao lưu, tiếp cận và thực hành lao động nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp hơn...

Ngoài ra, theo nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải - Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc và là trưởng trại sáng tác của Hội VHNT Quảng Nam năm 2022 tại Đà Lạt, việc văn nghệ sĩ ở các chuyên ngành khác nhau được sinh hoạt, giao lưu, sáng tác trong không gian chung, được đi thực tế chung... giúp mọi người gắn kết nhau hơn.

“Tuy cùng là hội viên của Hội VHNT Quảng Nam nhưng nhiều anh chị em chưa hề biết nhau. Đây chính là cơ hội để mọi người làm quen, tìm hiểu về lao động sáng tạo của nhau, góp phần kết nối và tạo sự đồng cảm, chia sẻ nhất định trong sinh hoạt hội nói chung và trong hoạt động sáng tác” - nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải cho biết thêm.

 Nhà thơ trẻ người Cơ Tu - Pơloong Plênh, hội viên Chi hội VHNT Các dân tộc thiểu số - Miền núi, cho biết lần đầu được đi trại sáng tác, mọi việc đối với anh đều rất mới mẻ và lạ lẫm. Tuy nhiên, ngay sau khi trại khai mạc, anh đã nhanh chóng nhập cuộc, nhờ mọi người rất hòa đồng, đặc biệt các thành viên trong trại bàn luận, phẩm bình tác phẩm cho nhau thẳng thắn, chân tình... khiến anh tự tin hơn.

"Đi trại lần này, tôi không chỉ học được cách thức tiếp cận thực tế và sáng tác mà hơn thế, tôi còn học được cách làm du lịch xanh ở Lâm Đồng - lĩnh vực mà tôi đang làm và dành nhiều tâm sức theo đuổi”.

Trong khi đó, nhà thơ Lê Đức Thịnh cho biết, trong thời gian dự trại lần này, anh đã được đến thăm nhiều nơi, gặp gỡ, làm quen được nhiều bạn bè văn nghệ mới, nhìn và học được những điều hay từ cách thức thực hành lao động sáng tạo của bạn bè.

Anh bộc bạch: “Cảm hứng trong tôi đầy hẳn lên và đặc biệt, tôi đã có được một không gian và những khoảng thời gian hoàn toàn riêng tư để sáng tác. Với tôi, đây là chuyến đi rất tuyệt vời”.

Kích hoạt và nối dài đam mê sáng tạo

Ngoài một số tác phẩm được chỉnh sửa, hoàn thiện và nhiều phác thảo, ý tưởng mới hình thành, tại Trại sáng tác VHNT tỉnh Quảng Nam năm 2022, các văn nghệ sĩ đã sáng tác được 63 tác phẩm mới; gồm 6 truyện ngắn, 23 bài thơ, 4 bài nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, 5 ca khúc, 14 tác phẩm ảnh đơn, 10 bức tranh và 1 kịch bản múa.

“Đà Lạt mưa” - tranh acrylic (80x100 cm) của Võ Như Diệu.
“Đà Lạt mưa” - tranh acrylic (80x100 cm) của Võ Như Diệu.

Trong khuôn khổ một trại sáng tác chỉ diễn ra trong vòng 10 ngày thì đây là con số không nhỏ. Và điều quan trọng, tất cả hội viên dự trại đều có tác phẩm mới và hầu hết có chất lượng khá tốt.

Trong đó, ngoài những tác phẩm sáng tác riêng về Đà Lạt - nơi mở trại, còn có khá nhiều tác phẩm thể hiện sự kết nối cảm xúc từ quê nhà Quảng Nam yêu thương đến Đà Lạt mộng mơ, góp phần làm cho thành quả chung của trại sáng tác trở nên phong phú.

Theo nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải, ngoài trách nhiệm, ý thức nghệ sĩ của từng người, môi trường, không gian riêng biệt tại Nhà Sáng tác Đà Lạt và những chuyến đi thực tế tại một số địa chỉ chung quanh nơi mở trại đã tác động tích cực đến tinh thần và cảm hứng sáng tạo của các trại viên.

Có người khi đi dự trại chỉ với mục tiêu duy nhất là hoàn chỉnh những bản thảo dở dang, nhưng vào trại rồi thì không chỉ làm được ngần ấy việc mà còn có thêm vài tác phẩm mới. Có người cho đến lúc lên đường đi dự trại vẫn chưa có ý tưởng cụ thể nào nhưng khi được hòa mình vào không gian sáng tạo chung thì cảm hứng ùa đến.

Nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Tấn Ái “minh họa” bằng câu chuyện của riêng mình: “Ở trại sáng tác, tôi đã viết được 4 tác phẩm mới, cả thơ lẫn văn xuôi, ngoài ra còn có một số ý tưởng được phôi thai ở đây, là “nguyên liệu” để tiếp tục sáng tác sau khi trại kết thúc”.

Còn với họa sĩ Võ Như Diệu, khai mạc trại xong là anh khai cọ ngay, không hề theo kiểu “làm màu”, mà là vẽ miệt mài suốt nhiều ngày liền. Nhờ vậy, anh đã có được 5 tác phẩm hoàn chỉnh và một số phác thảo. “Trong môi trường sáng tạo tốt như thế này, cảm hứng lại đang dồi dào thì sao lại không vẽ chứ?” - họa sĩ Võ Như Diệu bộc bạch.

BẢO ANH