Giữ thương hiệu mỳ Phú Chiêm
Mỳ Phú Chiêm có nguồn gốc từ làng Phú Chiêm (xã Điện Phương, Điện Bàn). Qua hàng chục năm, nhiều thế hệ con cháu nối tiếp nhau gìn giữ, phát huy giá trị ẩm thực độc đáo này. Để thương hiệu vươn xa, thời gian qua có một số hộ vượt ra khỏi “ao làng” để mở rộng địa bàn, tìm kiếm cơ hội giới thiệu sản phẩm.
Bà Trần Thị Thời (thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương) có hơn 50 năm theo nghề làm mỳ Quảng Phú Chiêm. Không xuất thân trong gia đình có truyền thống nhưng từ khi còn trẻ bà “học lỏm” nghề mỳ từ những người trong làng. Lúc đầu bị thất bại nhưng về sau tay nghề của bà dần được nâng cao và trở thành “cái nghiệp” hơn nửa thế kỷ qua.
Để cho tô mỳ có chất lượng và bắt mắt, công việc quan trọng là khâu chế biến nước nhưn, tiếp đến là rau sống, bánh tráng và các loại gia vị khác. Với những nguyên liệu đơn thuần là tôm đất, thịt heo ba chỉ, trứng cút, đậu phụng..., qua đôi bàn tay khéo léo của các “nghệ nhân” sẽ làm nên nồi nước nhưn vàng sóng sánh mang hương vị đặc trưng xứ Quảng.
Sau khi phi hành và nén thơm vàng, cho thịt ba chỉ đã xắt vào rim cùng các loại gia vị khác đến khi thịt đã chín chuyển màu vàng. Tiếp tục cho tôm đất, trứng cút vào làm tương tự, cuối cùng là cho bột đậu phụng đã giã mịn vào trộn đều, sau đó đổ nước vào đun sôi đến khi sánh vàng.
Nghề ngày càng phát triển, con cháu theo nghề ngày càng đông, để tiện cho việc tiêu thụ, những năm gần đây bà Thời phải chuyển lên ngã ba chợ Tổng (quốc lộ 1) để bán mỳ. Bà Thời cho biết, những năm trước bà phải gánh nhưng nay không còn đủ sức nên mọi sự phải nhờ vào chiếc xe lôi.
Hàng ngày từ 5 giờ sáng bà dọn bàn ghế ra bán đến 10 giờ trưa dọn về. Thu nhập ổn định đã giúp bà xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi con cái trưởng thành, yên bề gia thất.
Bà Trần Thị Đông (thôn Triêm Nam, xã Điện Phương) mới 45 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 20 năm làm nghề nấu mỳ Quảng Phú Chiêm. Gia tộc bà trải qua 3 đời, từ đời bà nội chồng, đến mẹ chồng và nay là bà vẫn luôn trung thành với nghề, quyết giữ thương hiệu không để mai một và lai căng.
Bà Đông cho biết muốn làm được như vậy, trong quá trình chế biến luôn đặt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu bằng những nguyên liệu tươi, sạch. Trong khâu chế biến tuyệt đối không sử dụng phẩm màu, chất độc hại. Do lực lượng chế biến mỳ Quảng ngày càng đông, để ổn định cuộc sống bà Đông mở rộng buôn bán ra TP.Đà Nẵng.
Hàng ngày dù mưa hay nắng bà đều thức dậy từ lúc gà gáy canh đầu để tráng mỳ, xắt mỳ, chế biến nước nhưn, làm rau cùng các loại gia vị khác. Sau đó xếp mọi thứ vào cặp giỏ đặt trên chiếc xe máy, đúng 6 giờ sáng có mặt tại số 141 Lý Thái Tông (Thanh Khê, Đà Nẵng) để phục vụ thực khách.
Không phải ngẫu nhiên mà tại Ngày hội mỳ Quảng lần thứ nhất năm 2022 chủ đề “Tinh hoa mỳ Quảng Phú Chiêm” tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua, ban tổ chức đã chọn trao giải Nhất, Nhì cho bà Trần Thị Thời, bà Trần Thị Đông trong hàng chục hộ làm nghề chế biến mỳ Quảng ở Điện Phương và các xã lân cận. Đây có thể nói là những tinh hoa của làng nghề, những nhân tố tích cực trong việc giữ gìn và phát huy thương hiệu mỳ Quảng Phú Chiêm.