Chính sách thu hút, đãi ngộ vận động viên, huấn luyện viên thể thao: Bước đột phá để thể thao xứ Quảng bứt phá (bài cuối)

TƯỜNG VY 14/10/2022 06:37

Cần có chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng đối với vận động viên, huấn luyện viên giỏi nhằm khuyến khích, động viên họ nỗ lực hết mình trong tập luyện, thi đấu để đạt kết quả tốt nhất. Qua đó, góp phần tạo sự bứt phá trong phát triển của thể thao thành tích cao Quảng Nam thời gian đến.

Nghề VĐV rất cực nhọc, tuổi nghề ngắn nhưng lại chưa có chế độ thỏa đáng khiến nhiều người không an tâm cống hiến. Ảnh: T.V
Nghề VĐV rất cực nhọc, tuổi nghề ngắn nhưng lại chưa có chế độ thỏa đáng khiến nhiều người không an tâm cống hiến. Ảnh: T.V

 Vì sao phải đãi ngộ?

Ông Phan Văn Hạ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo - thi đấu TD-TT tỉnh cho biết, hiện nay vận động viên (VĐV) được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù theo Thông tư 86 (26/10/2020) của Bộ Tài chính và tiền lương, tiền công theo Nghị định 152 (7/11/2018) của Chính phủ (HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã có nghị quyết, quyết định về các chế độ này).

Cụ thể, định mức tiền lương đối với VĐV đội tuyển tỉnh là 180 nghìn đồng/ngày (một tháng được hưởng 26 ngày), còn VĐV đội tuyển trẻ được hỗ trợ 75 nghìn đồng/ngày, VĐV đội tuyển năng khiếu 55 nghìn đồng/ngày. Qua đó cho thấy cơ chế tiền lương, tiền công, thu nhập của VĐV thể thao thành tích cao rất thấp, không có tích lũy sau khi không còn tập luyện, thi đấu.

Đơn cử như VĐV Phạm Thị Thu Hiền, một trong những tài năng bậc nhất của thể thao Việt Nam, dự 5 kỳ SEA Games liên tiếp mang về 3 huy chương vàng (HCV) và 2 huy chương bạc (HCB), từng giành huy chương đồng (HCĐ) Asiad nhưng tiền lương hiện tại mỗi tháng chưa đến 5 triệu đồng. Trong khi đó, sự nghiệp VĐV ngắn và không ổn định, dễ bị thải loại do chấn thương hoặc không đạt phong độ tốt.

VĐV Bùi Thị Triều sau khi giải nghệ được nhận vào làm HLV tại nơi mình được đào tạo, trưởng thành, là một trong số rất ít được gắn bó với thể thao. Ảnh: T.V
VĐV Bùi Thị Triều sau khi giải nghệ được nhận vào làm HLV tại nơi mình được đào tạo, trưởng thành, là một trong số rất ít được gắn bó với thể thao. Ảnh: T.V

Còn theo ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, xét về nghề nghiệp, VĐV thể thao được xếp vào nghề đặc thù, lao động nặng, nhiều rủi ro và dễ bị chấn thương.

Tuổi trung bình trong sự nghiệp thi đấu chỉ kéo dài khoảng 10 - 15 năm, phần lớn VĐV kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi 26 - 32. Sau thời gian cống hiến hết mình rồi chia tay thể thao, số ít có điều kiện đi học, còn lại phần lớn phải tìm kiếm công việc mưu sinh và gần như làm lại từ đầu.

Trong khi đó, chính sách đặc thù, chế độ đãi ngộ của tỉnh đối với VĐV đến nay không có khiến họ không an tâm tập luyện, thi đấu, không xem thể thao là một nghề. Mặt khác, cũng chưa có chính sách để thu hút VĐV, huấn luyện viên (HLV) giỏi về cống hiến cho sự nghiệp TD-TT tỉnh.

“Để phát triển thể thao thành tích cao, đưa thể thao Quảng Nam lên tầm vóc mới, rất cần chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng nhằm mời gọi VĐV, HLV giỏi về Quảng Nam, khuyến khích tất cả VĐV nỗ lực hết mình trong tập luyện, thi đấu, giành thành tích cao” - ông Hải chia sẻ.

Sẽ thu hút được người giỏi?

Theo đề án của UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh (khóa X), Quảng Nam sẽ thu hút những VĐV có khả năng giành HCV cá nhân, đồng đội tại các giải vô địch toàn quốc, đại hội TD-TT toàn quốc trở lên (và từng đoạt) với các mức từ 5 - 15 triệu đồng/tháng đối với VĐV; HLV có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên, từng huấn luyện VĐV đoạt HCV giải vô địch toàn quốc, đại hội TD-TT toàn quốc trở lên và có khả năng đột phá thành tích trong huấn luyện với mức 25 - 45 triệu đồng/tháng.

Về chính sách đãi ngộ hàng tháng đối với VĐV, tùy theo thành tích, mức cao nhất được hưởng là 30 triệu đồng/tháng trong thời gian 48 tháng, thấp nhất là 3 triệu đồng/tháng trong thời gian 12 tháng. Ngoài ra, VĐV còn được chính sách hỗ trợ 100% học phí học nghề, cao đẳng, đại học.

Quảng Nam cũng rất cần thu hút thêm HLV giỏi về làm công tác huấn luyện để nâng cao thành tích. Ảnh: T.V
Quảng Nam cũng rất cần thu hút thêm HLV giỏi về làm công tác huấn luyện để nâng cao thành tích. Ảnh: T.V

Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh - bà Trần Thị Bích Thu thống nhất đề xuất cần phải có chính sách thu hút và đãi ngộ bởi “thu hút VĐV, HLV tài năng từ nơi khác về để nâng cao thành tích, còn đãi ngộ là cho tất cả VĐV đạt thành tích cao, xứng đáng với công sức bỏ ra, tạo động lực phấn đấu”.

Bà Thu cũng ủng hộ nguyên tắc nhận 50% mức hỗ trợ trước, sau khi đạt thành tích thì nhận 50% còn lại để tránh tình trạng VĐV, HLV thiếu cố gắng; tuy nhiên, cân nhắc hỗ trợ theo gói và nhận một lần thay vì theo từng tháng sẽ tạo ra sự hấp dẫn hơn đối với người được hưởng.

Còn theo ông Phan Thanh Thiên - Ủy viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, mức thu hút, đãi ngộ chưa cao so với các địa phương nhưng với điều kiện của Quảng Nam hiện nay là phù hợp, chính sách này là rất cần thiết, tạo động lực cho VĐV nỗ lực thi đấu, góp phần phát triển thể thao Quảng Nam.

Theo ông Phan Văn Hạ, chính sách thu hút bao gồm cả VĐV và HLV ngoài tỉnh, còn đãi ngộ chỉ dành riêng VĐV trong và ngoài tỉnh khi đạt thành tích. Thu hút của thể thao không giống các ngành khác, đối tượng là người đã từng đạt thành tích, còn có tiếp tục giành thành tích cao nữa hay không trong thể thao không thể nói trước được.

“Tất nhiên, khi thu hút ngành sẽ xem xét, đánh giá từng VĐV, HLV một cách cụ thể, kỹ lưỡng về mọi mặt và có chế tài chặt chẽ, tránh trường hợp “chạy chính sách” như có ý kiến lo lắng” - ông Hạ nhấn mạnh.

Trước băn khoăn rằng vì sao không tập trung đầu tư cho công tác đào tạo để có được những VĐV tâm huyết, gắn bó lâu dài và cống hiến hết mình cho tỉnh mà đưa ra chính sách thu hút, ông Hạ khẳng định, để có trò giỏi cần phải có thầy giỏi và đó là lý do để ngành tham mưu chính sách thu hút HLV giỏi.

Còn song song với công tác đào tạo, để có được thành tích cần giải pháp đột phá đó là chính sách thu hút VĐV giỏi. Từ đó cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đến phát triển phong trào.

Hơn nữa, so với thu hút thì đào tạo tốn kém kinh phí rất nhiều. Chẳng hạn, hiện nay tỉnh tập trung đào tạo hơn 270 VĐV và để có 1 HCV SEA Games, 6 HCV vô địch quốc gia hàng năm cần khoảng 40 tỷ đồng. Trong khi đó, khác với bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi phải chi trả tiền chuyển nhượng, các môn thể thao khác hiện nay khi thu hút VĐV về chỉ cần trả kinh phí hỗ trợ thu hút và đãi ngộ.

“Với mặt bằng của các địa phương trên cả nước hiện nay, tin rằng nếu chính sách thu hút, đãi ngộ của tỉnh được ban hành sẽ có được nhiều VĐV, HLV giỏi tìm đến Quảng Nam, tạo động lực và điều kiện cho ngành nâng cao thành tích trong thời gian đến” - ông Hạ nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân: Thu hút và đãi ngộ là chính sách cần thiết

Để phát triển thể thao thành tích cao một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TD-TT của tỉnh trong giai đoạn mới, cần thiết ban hành chính sách thu hút và đãi ngộ VĐV, HLV.

Điều này giúp ngành TD-TT thu hút được người giỏi về; tạo động lực, khuyến khích cho tất cả VĐV, HLV an tâm cống hiến, phấn đấu giành thành tích cao, từ đó tạo ra sự bứt phá cho thể thao Quảng Nam trong thời gian đến.

Đồng thời cơ chế chính sách này cũng góp phần khắc phục những bất cập hiện nay. Nội dung, đối tượng, chính sách hỗ trợ thu hút, đãi ngộ như đề án phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh: Cần xác định nguyên tắc hỗ trợ phù hợp

Chính sách thu hút, đãi ngộ là rất cần thiết để phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng mức thu hút chưa cao so với các địa phương khác, nhưng với điều kiện Quảng Nam như vậy là phù hợp. Có ý kiến còn đặt vấn đề bên cạnh chính sách thu hút, đãi ngộ cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện để đồng bộ, mang lại hiệu quả cao. Điều này là đúng và đây là trách nhiệm của ngành TD-TT, cần phải tính toán.

Không thể thu hút VĐV, HLV những môn mà điều kiện tập luyện của tỉnh chưa đáp ứng. Về việc thực hiện chính sách, cần xác định nguyên tắc hỗ trợ phù hợp, theo đề án ban đầu nhận 50% mức hỗ trợ và 50% còn lại sẽ nhận sau khi đạt thành tích. Có như vậy mới khuyến khích VĐV nỗ lực tập luyện, thi đấu đạt kết quả tốt.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng: Tạo cơ chế chính sách phát triển thể thao thành tích cao

Đây là đề án rất khó định lượng, định tính song nếu không làm thì không có cơ chế chính sách phát triển thể thao thành tích cao. Trên cơ sở nghị quyết Tỉnh ủy về chiến lược phát triển TD-TT trong thời gian tới, ngành sẽ tính toán những môn thế mạnh để đưa ra kế hoạch thu hút cho phù hợp, mang lại kết quả cao.

Nguồn kinh phí dự kiến hàng năm khoảng hơn 4 tỷ đồng nhưng chưa chắc tiêu hết tiền vì phụ thuộc vào việc có thu hút được VĐV, HLV và kết quả thi đấu, bởi điều kiện của tỉnh so với nhiều địa phương khác không bằng. Giống như câu cá vậy, chính sách ban hành nhưng chưa chắc thu hút được, mà thu hút về cũng chưa hẳn sẽ có thành tích. Hơn nữa, thành tích trong thể thao lại càng khó nói trước.

TƯỜNG VY