Người dân biên giới được chăm sóc sức khỏe

NHẬT LINH 13/10/2022 06:51

Đến tháng 9/2022, toàn bộ 14/14 xã biên giới của tỉnh (gồm 8 xã thuộc huyện Tây Giang và 6 xã thuộc huyện Nam Giang) có trạm y tế và có bác sĩ, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, yên tâm hơn khi được chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Người dân miền núi được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn bằng chính sách bảo hiểm y tế. Ảnh: D.L
Người dân miền núi được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn bằng chính sách bảo hiểm y tế. Ảnh: D.L

Sau khi Quyết định số 861của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực, một số khu vực có đồng bào DTTS không còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) như trước đây.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 04/2022 ngày 12/1/2022 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ BHYT đối với đồng bào DTTS giai đoạn 2022 - 2025, đối với đồng bào DTTS thuộc đối tượng quy định tại Điều 4 Nghị định số 146 của Chính phủ, ngân sách tỉnh cấp bù đảm bảo hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.

Đối với đồng bào DTTS chưa được hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 hơn 48,8 tỷ đồng. Đến nay đồng bào DTTS tại các xã biên giới được cấp hơn 245.000 thẻ BHYT (đạt hơn 95%).

Hằng năm, các cơ quan chuyên môn tổ chức khám sức khỏe, tư vấn, truyền thông cho người dân ở 14 xã biên giới, nhất là tổ chức khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, huyết áp, ung thư cổ tử cung, sức khỏe tâm thần).

Ngành y tế tỉnh cũng triển khai giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong các chương trình y tế, dân số và các chương trình, dự án khác, tập trung cho 14 xã biên giới.

Các ngành chuyên môn của tỉnh hằng năm tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế xã, y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; triển khai thường xuyên các hoạt động phòng chống dịch bệnh nên không xảy ra dịch bệnh sốt rét, lao trên địa bàn.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, khi Nghị quyết 04 ra đời, người dân hết sức vui mừng. Bởi đời sống người dân miền núi còn rất khó khăn, nên chính sách đã giúp người dân yên tâm hơn khi được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn, từ đó yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Nghị quyết 04 tác động tích cực tới việc đảm bảo an sinh xã hội cũng như giảm nghèo bền vững.

Theo Nghị quyết 04, huyện có 2.903 người được cấp lại thẻ BHYT giai đoạn 2022 - 2025, thuộc 3 xã Lăng, A Nông, A Tiêng. Về lâu dài huyện Tây Giang cũng như các xã cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân bớt trông chờ vào chính sách của Nhà nước, đến khi chính sách kết thúc có thể tham gia BHYT theo hình thức tự nguyện để bảo vệ sức khỏe bản thân.

NHẬT LINH