Phối hợp phòng chống nạn mua bán người

LÊ DIỄM 10/10/2022 08:17

Nạn mua bán người đang có dấu hiệu phức tạp trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH và Công an tỉnh đã tích cực phối hợp để đấu tranh, ngăn ngừa.

Một nạn nhân ở tỉnh bị lừa sang Campuchia làm việc đã trốn thoát và đến trình báo với cơ quan Công an. Ảnh: C.A
Một nạn nhân ở tỉnh bị lừa sang Campuchia làm việc đã trốn thoát và đến trình báo với cơ quan Công an. Ảnh: C.A

Theo số liệu Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cung cấp tại hội nghị tập huấn do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Công an tỉnh tổ chức mới đây, từ năm 2012 đến nay, Quảng Nam phát hiện, bắt giữ và xử lý 9 vụ mua bán người với 17 đối tượng; 14 nạn nhân được giải cứu, tiếp cận và hỗ trợ về lại cộng đồng.

Năm 2018, Công an tỉnh đã phát hiện, phối hợp với các đơn vị chức năng giải cứu 4 nạn nhân người dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My bị một đối tượng lừa đưa sang Trung Quốc để lao động trái phép, khi các đối tượng đang chuẩn bị vượt biên.

Năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệt xóa đường dây mua bán người, bắt giữ 4 đối tượng với thủ đoạn mở quán karaoke để tuyển các nhân viên nữ (từ 18 đến 22 tuổi), sau đó, liên kết với các đối tượng ngoại tỉnh, thông qua các trang mạng xã hội rao bán 2 nhân viên với giá 185 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng công dân bị dụ dỗ đưa sang Campuchia làm việc trong các cơ sở tổ chức đánh bạc, lừa đảo trực tuyến do các đối tượng người Trung Quốc làm chủ.

Công an tỉnh đã tiếp nhận 7 trình báo của gia đình các nạn nhân bị đưa sang Campuchia và bị yêu cầu đóng tiền chuộc từ 1.000 - 4.000 USD/người để được về nước.

Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh, giải cứu, tiếp nhận 2 trường hợp về nước, tiếp tục hỗ trợ các trường hợp còn lại; đã bắt giữ 1 đối tượng dụ dỗ, tổ chức đưa 7 trường hợp là công dân trên địa bàn tỉnh qua Campuchia trái phép.

Theo Sở LĐ-TB&XH, có 17 nạn nhân liên quan đến hoạt động mua bán người trở về địa phương (tính đến năm 2021) đã được các ngành và địa phương phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam hỗ trợ, trở về đoàn tụ với gia đình.

Riêng 1 nạn nhân ở huyện Nam Giang bị mua bán sang Trung Quốc (đã trở về năm 2015) có nhu cầu được hỗ trợ, được Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam chuyển tuyến đến tổ chức Hagar tại Việt Nam để hỗ trợ đi học văn hóa, học nghề.

Tội phạm mua bán người thường nhắm đến nạn nhân bằng một số hình thức lừa đảo như lừa tìm kiếm việc làm, giả vờ yêu đương với nạn nhân rồi đem bán, môi giới lấy chồng nước ngoài... Trong xã hội phát triển như hiện nay, việc lừa đảo qua mạng internet, các trang mạng xã hội đang diễn ra phổ biến.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Để phòng chống nạn mua bán người, cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH, công an các địa phương cần được tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ năng để phòng chống, nhận diện dấu hiệu của nạn mua bán người.

Muốn hỗ trợ nạn nhân thì cán bộ cũng phải có kỹ năng can thiệp tâm lý, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, đơn vị tổ chức tập huấn, trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức cần thiết để tạo được mạng lưới cán bộ cơ sở hỗ trợ hiệu quả việc phòng chống nạn mua bán người".

LÊ DIỄM