Kiến nghị điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh

XUÂN HIỀN 10/10/2022 08:14

Cùng với các khó khăn đang phải đối diện, cử tri là y bác sĩ kiến nghị cần thay đổi giá dịch vụ khám chữa bệnh bởi cơ cấu giá dịch vụ y tế hiện tại không còn phù hợp...

Khu vực y tế công hiện đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: X.H
Khu vực y tế công hiện đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: X.H

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến ngành y tế do Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức vừa qua, từ thực trạng khó khăn của ngành y tế, nhiều kiến nghị thay đổi được đặt ra.

Từ cơ chế đấu thầu thuốc

Đấu thầu thuốc, vật tư y tế là vấn đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất của cử tri trong ngành y tế. Tại Quảng Nam, tình trạng thiếu thuốc, vật tư vẫn còn tồn tại ở tất cả cơ sở y tế, làm ảnh hưởng đến công tác khám chữa bênh.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tình trạng này làm ảnh hưởng đến việc điều trị của y bác sĩ, số lượt khám giảm sút dẫn đến nguồn thu cũng giảm mạnh và ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân.

“Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng về mặt chính sách, chủ yếu là do hành lang pháp lý trong việc mua sắm, đấu thầu vẫn còn nhiều bất cập. Tình hình dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua cũng có ảnh hưởng nhất định, một số công ty cung ứng thuốc, dược phẩm phá sản, e ngại cung ứng… nên phải tổ chức đấu thầu lại khiến công tác đảm bảo thuốc, vật tư y tế bị gián đoạn. Ngoài ra, cơ sở y tế còn gặp các vấn đề về tài chính...” - ông Nguyễn Văn Văn phát biểu.

Cần thiết phải sửa đổi và thời gian tới, cần nghiên cứu cơ chế định giá thuốc, đảm bảo cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh và hoàn thiện cơ chế đấu thầu thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch để người được giao nhiệm vụ đấu thầu không dám làm sai và cũng yên tâm không làm sai là điều được nhiều y bác sĩ đặt ra.

ĐBQH Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, cơ chế định giá thuốc và đấu thầu thuốc phải bảo đảm 3 yêu cầu rất quan trọng là nguồn cung; chất lượng, chống hàng giả và giá cả phải hợp lý.

Quy định của Luật Dược và trong điều hành cụ thể của Chính phủ cũng đều cố gắng bảo đảm 3 nguyên tắc này. Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng thiếu hụt thuốc, trang thiết bị vật tư y tế nên ngay tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã giao Chính phủ tập trung tháo gỡ các vướng mắc để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.

Về góc độ vĩ mô, tại Kỳ họp thứ 4 tới đây, Quốc hội cũng sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trong đó, Chính phủ đang đề xuất đưa thuốc vào mặt hàng nhà nước định giá (trước đây, thuốc chỉ là mặt hàng kê khai giá).

Thu không đủ chi

Ông Nguyễn Minh Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt Quảng Nam cho biết, thực trạng thu không đủ chi do kết cấu giá dịch vụ y tế của Bộ Y tế chưa tính đủ. Theo ông Thu, giá hiện nay mới tính phần cứng, chưa tính các phần hao hụt trong quá trình sử dụng thuốc, vận chuyển thuốc, con người cấp thuốc, quản lý thuốc. Đây cũng là điều được nhiều cử tri nêu lên khi cho rằng, ở dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), cần thiết phải thay đổi.

Theo đó, hiện tại, chi phí thuốc, hóa chất, vật tư, máu dịch truyền chưa được tính trong giá khám bệnh. Các cử tri cho rằng, cần tính đúng, tính đủ để các BV tham khảo xây dựng bảng giá cho chính BV của mình. BV tự xây dựng mức giá rồi căn cứ theo mức độ tự chủ để đề xuất lên Bộ Y tế.

Hội nghị tiếp xúc cử tri về các chính sách liên quan đến ngành y tế ghi nhận khá nhiều kiến nghị. Ảnh: X.H
Hội nghị tiếp xúc cử tri về các chính sách liên quan đến ngành y tế ghi nhận khá nhiều kiến nghị. Ảnh: X.H

Các cử tri cũng nêu lên thực trạng khu vực y tế công hiện tại thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ dẫn đến giảm nguồn thu.

Điều này dẫn đến một số hệ lụy như không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc. Còn tại khu vực y tế tư nhân, do đã tính đúng, tính đủ cơ cấu giá các dịch vụ y tế với giá khám bệnh, chữa bệnh cao nên nhiều BV tư có nguồn kinh phí dồi dào để thu hút lực lượng bác sĩ giỏi từ các BV công chuyển sang.

Ông Nguyễn Hữu Trung - Phó Giám đốc BV Đa khoa Khu vực Quảng Nam cho rằng, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của cả BV công với BV tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội.

“Đối với cơ cấu giá khám chữa bệnh, ngoài việc chi phí liên quan đến trực tiếp khám chữa bệnh, cần tính đến cơ cấu giá chi phí quản lý như mua phần mềm, bảo trì bảo dưỡng nâng cấp. Đối với giá dịch vụ yêu cầu, áp dụng như BV tư nhân theo luật giá” - ông Nguyễn Hữu Trung nói.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, hiện nay các chế độ phụ cấp cho y bác sĩ quá ít so với nhu cầu cuộc sống. Chưa kể, các BV chuyên khoa đặc thù của Quảng Nam hiện nay vẫn ít được đầu tư, gặp khá nhiều khó khăn. Nhân lực tuyến y tế cơ sở tại khu vực y tế công đối mặt với tình trạng chảy máu nhân lực. Từ các kiến nghị của cử tri, Phó Bí thư Thường trưc Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tiếp thu, ghi nhận và sẽ tổng hợp các y kiến gửi đến Trung ương...

XUÂN HIỀN