Bhutan - quốc gia xanh, hạnh phúc

NAM VIỆT 08/10/2022 06:46

Không chỉ được mệnh danh là một trong những thiên đường hạnh phúc nhất thế giới, Vương quốc Bhutan ẩn mình bên dãy núi Himalaya hùng vĩ cùng với Suriname là 2 quốc gia hiếm hoi trên thế giới đến nay đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Bhutan - một trong những điểm đến xanh nhất thế giới. Ảnh: Bhutan Tourism
Bhutan - một trong những điểm đến xanh nhất thế giới. Ảnh: Bhutan Tourism

Dù Bhutan có nhiều sức hấp dẫn với những ngôi đền cheo veo trên đồi núi hiểm trở bao bọc bởi sương mù nhưng không có quá nhiều khách du lịch đến đây bởi Chính phủ Bhutan đưa ra các biện pháp để hạn chế quá tải của điểm đến, như khách phải trả phí hằng ngày 250USD. Hạn chế khách chỉ là một trong những cách mà Bhutan đang thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.

Tuy công nhận tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế, Bhutan vẫn luôn coi trọng bảo tồn nền văn hóa riêng biệt và môi trường nguyên sơ của quốc gia. Chính phủ Bhutan quan niệm, môi trường sẽ luôn là chìa khóa cho hạnh phúc. Vì vậy, bảo vệ môi trường nhanh chóng trở thành ưu tiên hàng đầu của đất nước hiện có dân số khoảng 800 nghìn người cùng với diện tích 38.000km2.

Cacbon điôxít (CO2) là khí thải gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu do các hoạt động của con người, như trồng trọt, lâm nghiệp và đốt nhiên liệu hóa thạch. Lượng CO2 cao làm tăng lượng nhiệt bị giữ lại trong khí quyển - một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, góp phần dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiếu lương thực và nước, mất an ninh do nhiệt độ tăng, băng tan và nước biển dâng.

Mỗi năm, các quốc gia trên thế giới thải ra hàng tỷ tấn CO2 thì Bhutan nổi bật đi tiên phong trong cuộc chiến giảm khí thải. Hơn 70% diện tích của đất nước vùng Nam Á này được bao phủ bởi cây cối, khiến Bhutan trở thành một bể chứa CO2 - nghĩa là nó hấp thụ CO2 nhiều hơn lượng khí thải ra. Bhutan chỉ sản sinh khoảng 2 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm nhưng hấp thụ đến 7 triệu tấn CO2. Không chỉ vậy, Bhutan còn xuất khẩu hầu hết lượng điện tái chế.

Để đạt chiến lược thành công về bảo vệ môi trường, đưa khí thải ròng về mức 0, nhà nước Bhutan ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ. Trong 50 năm qua, Chính phủ Bhutan chọn cách đo lường không phải là tổng sản phẩm quốc gia (GDP) mà bằng tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) và chú trọng bảo vệ môi trường.

Hiến pháp Bhutan cũng tuyên bố rằng 60% tổng diện tích đất của đất nước phải được bao phủ bởi rừng cho mọi thời đại. Năng lượng tái tạo từ gió, khí sinh học và mặt trời được khai thác, sử dụng thay cho nhiên liệu hóa thạch kém thân thiện với môi trường và cung cấp miễn phí cho vùng nông thôn, có thể bù đắp khoảng 6 triệu tấn CO2 thải ra.

Cạnh đó, Chính phủ Bhutan dành các nguồn lực để bảo tồn các công viên, hỗ trợ các hoạt động ngăn chặn săn bắn trộm và hỗ trợ các cộng đồng sống trong công viên quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.

Cựu Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay từng phát biểu: “Sau tất cả, chúng ta ở đây để cùng nhau ước mơ, cùng nhau làm việc, cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu, cùng nhau bảo vệ hành tinh của chúng ta. Bởi vì thực tế là chúng ta đang ở trong đó cùng nhau”.

Tại hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu năm 2015 ở Paris (Pháp), Bhutan cam kết hoàn thành kế hoạch không khí thải CO2 vào năm 2030, cũng không có rác thải vào năm đó. Theo các chuyên gia, bất chấp dự báo lượng khí thải của Bhutan có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2040, quốc gia này vẫn âm lượng CO2 nếu giữ mức độ che phủ rừng hiện tại. Duy trì CO2 âm là vô cùng quan trọng đối với Bhutan vì ý thức về môi trường và sự trân trọng môi trường tự nhiên được coi trọng vô cùng ở đây.

NAM VIỆT