Dấu ấn doanh nghiệp Điện Bàn
Hôm nay 7.10, diễn ra Đại hội Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn lần thứ I (nhiệm kỳ 2022 - 2027). Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp thị xã Điện Bàn đã đóng góp lớn vào sự phát triển chung của thị xã, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Điện Bàn hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất kinh doanh. Đóng tại Cụm công nghiệp (CN) Trảng Nhật 2 ở xã Điện Hòa, Nhà máy sản xuất vật tư y tế Quảng Nam (thuộc Tổng Công ty CP Y tế Danameco) đi vào hoạt động từ năm 2006, chuyên sản xuất khẩu trang và vật tư y tế phục vụ trong nước và xuất khẩu sang châu Âu.
Theo ông Nguyễn Đại Dương - Giám đốc nhà máy, được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của địa phương, cùng môi trường đầu tư thông thoáng nên nhà máy hoạt động hiệu quả. Mỗi năm, nhà máy đạt doanh thu hơn 300 tỷ đồng; năm 2021 nộp thuế hơn 7 tỷ đồng. Đơn vị đã giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động với mức lương ổn định.
“Việc thành lập Hội DN thị xã Điện Bàn sẽ là tiền đề kết nối chặt chẽ các DN lại với nhau. Tin tưởng rằng, hội sẽ phát huy được vai trò cầu nối giữa các DN và cơ quan quản lý nhà nước; kịp thời thu thập, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của DN để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Bằng hành động của mình, hội sẽ góp phần quan trọng để Điện Bàn hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn đô thị loại 3 trước năm 2030, trước mắt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XXIII”.
(Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn)
Từ một doanh nghiệp (DN) nhỏ, Công ty TNHH may Phú Tường (thôn Nông Sơn, xã Điện Phước) đã tìm kiếm, đàm phán và ký kết hợp đồng với các khách hàng FOB từ châu Âu, châu Mỹ.
Phú Tường còn mở chi nhánh đặt tại huyện Đại Lộc và huyện Nam Giang, năm 2015 doanh thu đạt 60 tỷ đồng, năm 2021 tăng lên 267 tỷ đồng và dự kiến đến cuối năm 2022 này đạt hơn 315 tỷ đồng.
Ông Đinh Duy Phú - Giám đốc Công ty TNHH may Phú Tường chia sẻ, năm 2019, DN đã đưa phần mềm quản lý sản xuất Retex vào ứng dụng trong nhà máy, giúp các nhân viên trao đổi thông tin nhanh hơn, tiết kiệm nhiều thời gian.
Công ty tạo môi trường làm việc tốt, đảm bảo quyền lợi và phúc lợi xã hội thỏa đáng cho người lao động; tham gia ủng hộ các chương trình an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đồng hành với thị xã, nhiều DN quan tâm đầu tư vào hạ tầng thương mại - dịch vụ, đô thị đã làm “thay da đổi thịt” toàn diện vùng đất bắc Quảng Nam. Điển hình như Công ty CP Đầu tư và xây dựng 501, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển DHTC, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và dịch vụ An Dương…
Nông thôn mới chuyển mình mạnh mẽ, đời sống nông dân ngày càng ấm no, thu nhập cải thiện cũng nhờ cộng đồng DN về liên kết để đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm; góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc thu hút 67 DN đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động. Điện Bàn còn có hơn 6.200 DN, hợp tác xã, cơ sở CN, nông thôn.
Trong đó, 1.200 DN, hợp tác xã và hơn 5.000 hộ cá thể tạo việc làm cho 41.728 người. Tại 9 cụm CN và làng nghề, 46 DN đang hoạt động với 4.835 lao động. Năm 2022, tính đến hết tháng 9, CN địa phương ước đạt 16.703 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 79% so với kế hoạch và tăng 11,51% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn chia sẻ, qua hơn 47 năm quê hương hoàn toàn giải phóng, Điện Bàn đã phát triển vượt bậc trên tất cả lĩnh vực. Nhiều cột mốc đáng nhớ được xác lập. Như năm 2005, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.
Tháng 3.2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 889 về việc thành lập thị xã Điện Bàn và 7 phường trực thuộc. Cũng trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận thị xã Điện Bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Hà, trên chặng đường kiến thiết, xây dựng và phát triển quê hương Điện Bàn, cộng đồng DN đóng chân, hoặc vào đầu tư nhà máy, bệnh viện, trường học, khu đô thị, khu du lịch, thi công dự án… trên địa bàn đã tạo dấu ấn đậm nét, đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp chung của thị xã.
Cộng đồng DN còn đồng hành với các chương trình an sinh, hỗ trợ các quỹ xã hội, phòng chống đại dịch Covid-19… Bằng hướng đi phù hợp, cùng sự quan tâm đồng hành của các cấp, ngành, cộng đồng DN thị xã sẽ gặt hái thành công mới.
“Quả ngọt” đó không chỉ nâng cao năng lực nội sinh của chính DN, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, để Điện Bàn xứng đáng là vùng động lực Bắc Quảng Nam.