Cải cách hệ thống nông nghiệp - lương thực ở châu Á
(QNO) - Tổ chức Lương thực và nông nghiệp (FAO) Liên hiệp quốc cho biết, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống nông nghiệp - lương thực mới hy vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Tại hội nghị về nông nghiệp và lượng thực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra trong 3 ngày từ ngày 5.10.2022 tại Bangkok của Thái Lan, FAO cho rằng, nếu các chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan không đẩy nhanh chuyển đổi các hệ thống nông sản, khu vực sẽ có nguy cơ làm suy dinh dưỡng trầm trọng hơn và suy thoái môi trường ở khu vực đông dân nhất thế giới này.
Giá lương thực tăng, lũ lụt, hạn hán, khan hiếm nước và các thảm họa khác liên quan đến khí hậu, đại dịch toàn cầu và xung đột làm giảm năng suất cây trồng cũng như gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn khu vực.
Những thách thức này tác động trực tiếp đến những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm nông dân sản xuất nhỏ, những người khác sống phụ thuộc vào đất đai để kiếm sống và hàng triệu người nghèo thành thị.
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gánh chịu 60% số ca tử vong trên toàn cầu và 40% thiệt hại về kinh tế do nhiều hiểm họa và rủi ro.
Các hệ thống nông sản phức hợp của khu vực đang chịu sự căng thẳng rất lớn.
Năm ngoái, trước khó khăn của đại dịch toàn cầu, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết chuyển đổi hệ thống nông sản để làm cho chúng hiệu quả hơn, bao trùm, linh hoạt và bền vững hơn.
Tổng Giám đốc FAO - ông QU Dongyu nhận định, sự chuyển đổi của khu vực cần tập trung vào các kết quả dẫn đến sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Báo cáo tiến độ các mục tiêu phát triển bền vững châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 của Liên hiệp quốc mới đây cho thấy, khu vực này đi chệch hướng, cần đến năm 2065 để đạt được tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững, tức thời gian trì hoãn 35 năm.
Vào năm 2021, hơn 400 triệu người ở châu Á - Thái Bình Dương bị suy dinh dưỡng, hầu hết là ở Nam Á, với 40% tổng số người dân không đủ khả năng chi trả một chế độ ăn uống lành mạnh.
FAO vạch ra 4 lĩnh vực ưu tiên cần tăng tốc cho hệ thống lương thực nông nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương:
- Hỗ trợ ngay lập tức cho những người dễ bị tổn thương thông qua hệ thống bảo trợ xã hội, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
- Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bằng cách đảm bảo rằng nông dân có khả năng tiếp cận với hạt giống và phân bón, vốn lưu động, hỗ trợ kỹ thuật, liên kết với thị trường.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán nông sản và các nguyên liệu đầu vào để ngăn chặn sự gián đoạn thêm đối với sản xuất lương thực.
- Đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với khí hậu để giải quyết và đảo ngược các tác động của khủng hoảng khí hậu.