Khoảng trống nguồn nhân lực du lịch xanh

VĨNH LỘC 05/10/2022 04:42

Nguồn nhân lực được xác định là một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển du lịch xanh của Quảng Nam, tuy nhiên thời gian qua việc đào tạo, chuẩn hóa lực lượng lao động này chưa như mong đợi.

Nhân lực theo chuẩn hóa du lich xanh được xem là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Nam thực hiện thành công mục tiêu trở thành điểm đến du lịch xanh.
Nhân lực theo chuẩn hóa du lich xanh được xem là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Nam thực hiện thành công mục tiêu trở thành điểm đến du lịch xanh.

Chuẩn hóa quy trình

Cuối tuần qua, khách sạn Silk Sense Hội An tổ chức cuộc thi kiểm tra về quy trình phục vụ khách theo hướng du lịch xanh. Đây là việc làm diễn ra định kỳ hàng tháng. Những người không vượt qua kỳ “sát hạch” sẽ bị trừ điểm thi đua, người đạt yêu cầu sẽ được cộng điểm thưởng vào lương thu nhập.

Từ 2 năm nay, việc chuẩn hóa du lịch xanh cho nhân viên đã được Silk Sense đưa vào quy trình tuyển dụng như là một tiêu chí bắt buộc đối với lao động nộp hồ sơ vào làm việc tại khách sạn cũng như tất cả nhân viên đang làm việc tại đây.

Ông Trần Thái Do - chủ khách sạn Silk Sense Hội An cho biết, ngoài đảm bảo kiến thức chuyên môn, nhân viên mới phải trải qua một thời gian đào tạo ngắn hạn về quy trình phát triển bền vững.

“Từ quy trình này chúng tôi đã áp dụng vô đánh giá nhân viên hàng tháng xem hoàn thành bao nhiêu tiêu chí trước khi nhận lương thưởng. Số tiền thưởng được trích từ 10% doanh thu hàng tháng của khách sạn, bình quân mỗi tháng số tiền nhân viên Silk Sense được nhận khoảng 3 - 4 triệu đồng nên các bạn rất hào hứng hoàn thành tốt các tiêu chí theo quy trình khách sạn đưa ra” - ông Do chia sẻ.

Khách sạn Silk Sense hiện có gần 100 cán bộ, nhân viên, đến nay hầu hết đều thực hiện thành thục các tiêu chuẩn về du lịch xanh, phát triển bền vững.

Nhân lực theo chuẩn hóa du lich xanh được xem là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Nam thực hiện thành công mục tiêu trở thành điểm đến du lịch xanh. Ảnh: V.L
Nhân lực theo chuẩn hóa du lich xanh được xem là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Nam thực hiện thành công mục tiêu trở thành điểm đến du lịch xanh. Ảnh: V.L

Xây đựng điểm đến du lịch xanh đang là mục tiêu hướng đến của Quảng Nam. Thời gian qua, việc triển khai các tiêu chí, mô hình du lịch xanh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và du khách. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố về văn hóa, sinh thái, môi trường…, không phải địa phương, doanh nghiệp nào cũng thật sự quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực.

Bà Huỳnh Thị Minh - Chủ nhiệm CLB Nhân sự du lịch (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) thừa nhận, phát triển nguồn nhân lực theo hướng du lịch xanh là cần thiết và phù hợp với xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thật sự quan tâm hoặc đáp ứng được các tiêu chí về phát triển xanh, bền vững vì phải tuân theo những quy trình bắt buộc cũng như chi phí đầu tư cao hơn.

“Vừa rồi, dự án Chương trình du lịch bền vững Thụy Sỹ ở Việt Nam (SSTP) cũng đã tổ chức một lớp về marketing du lịch xanh. Dù đây chỉ là bước khởi đầu nhưng hy vọng sẽ từng bước chuẩn hóa đội ngũ du lịch Quảng Nam theo hướng xanh, bền vững thời gian tới” - bà Minh chia sẻ.

Từng bước hoàn thiện

Năm 2019, tổng số lao động ngành du lịch Quảng Nam ước khoảng 16 nghìn người, gần 80% trong số này hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, phần lớn được đào tạo theo các quy chuẩn của du lịch thông thường hoặc phát triển bền vững, kiến thức về du lịch xanh không nhiều.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chất lượng nguồn nhân lực du lịch xanh hiện nay mới chỉ bước đầu, chủ yếu ở cấp lãnh đạo, trưởng bộ phận.

“Với sự hỗ trợ của SSTP, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch xanh đã được hiệp hội tính đến, tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chưa thể triển khai rộng rãi. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với một số tổ chức quốc tế khác như UNESCO theo hướng đào tạo trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch cập nhật, chuẩn hóa các quy trình về du lịch xanh” - ông Thanh nói.

Có thể thấy, thời gian qua dù nhiều doanh nghiệp du lịch đã cam kết phát triển các mô hình theo hướng du lịch xanh, nhưng con số doanh nghiệp thực sự đồng hành, quyết tâm làm không nhiều (hơn 10 doanh nghiệp). Điều này cũng dễ hiểu bởi sau đại dịch Covid-19, ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp là phục hồi hoạt động kinh doanh, củng cố bộ máy vận hành phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, du lịch xanh là chiến dịch lâu dài, trong đó việc thực hiện thành công bộ tiêu chí nhằm xây dựng nền du lịch Quảng Nam hướng tới sự phát triển bền vững không thể thiếu yếu tố nguồn nhân lực.

Hiện tại, đơn vị đang phối hợp với ngành LĐ-TB&XH, Hiệp hội Doanh nghiệp và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đánh giá, rà soát lại nguồn nhân lực để có những giải pháp phù hợp. Cụ thể, trước mắt sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ năng về du lịch xanh cho nguồn nhân lực hiện hữu đã có kinh nghiệm tại các doanh nghiệp.

Còn về lâu dài sẽ xây dựng các đề án kết hợp với học viện, trường đào tạo chuyên ngành về du lịch cũng như hợp tác với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm về du lịch xanh hỗ trợ đào tạo một cách bài bản, chất lượng, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu du lịch xanh của tỉnh.

VĨNH LỘC