Đề án trung tâm công nghiệp dược liệu: Chờ ngày thành hình
Đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế và địa phương cùng thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong cuộc làm việc với Quảng Nam mới đây đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, chậm nhất đến ngày 31.12.2022 phải hoàn thành đề án.
Chuẩn hóa vùng dược liệu
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, mặc dù đã có nhiều chương trình, dự án, cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ để phát triển sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu nhưng Quảng Nam vẫn chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực cũng như chưa hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, vùng nguyên liệu tập trung, sơ chế - chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chưa kể, khả năng thu hút đầu tư, phát triển, xây dựng hình thành các nhà máy, khu công nghiệp dược còn nhiều hạn chế.
Thực trạng này đòi hỏi phải xây dựng, hình thành và phát triển trung tâm công nghiệp dược liệu ở địa phương. “Đề án còn có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở khu vực miền núi, nhất là 6 huyện miền núi cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững tại các địa phương” - ông Trần Út nói.
Để có cơ sở xây dựng đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, Quảng Nam đã tổ chức rà soát, đánh giá quỹ đất chuẩn bị cho đề án. Hiện nay, quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh là 15.567ha, cho thuê môi trường rừng trồng sâm 1.428ha, trong số này có 925ha đã trồng. Quỹ đất còn lại có thể trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh khoảng 14.000ha. Đối với các loại cây dược liệu khác, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu dược liệu và các quy hoạch phát triển dược liệu khác của địa phương là 76.077ha.
Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam được kỳ vọng sẽ đưa dược liệu của tỉnh đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, có giá trị thị trường trong top 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, mục tiêu trọng tâm của đề án là phải xây dựng được cơ chế vượt trội để có thể đem lại sức bật cho doanh nghiệp và người dân Quảng Nam.
Khẩn trương hoàn thiện đề án
Tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác Bộ Y tế và UBND tỉnh mới đây, bà Phan Thúy Hiền - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu cho hay, thời gian qua, viện đã phối hợp với Cục Y dược cổ truyền, Bộ NN&PTNT, các sở ngành của Quảng Nam tổ chức rà soát lại danh mục cây thuốc có giá trị y tế và kinh tế cao để có những định hướng phù hợp.
“Chúng tôi cho rằng trong danh mục cây thuốc của đề án nên chia thành 2 nhóm, trong đó nhóm 1 là các loại cây có thể phát triển quy mô thương mại tập trung đến năm 2030, nhóm 2 sau năm 2030 là những cây có thể bảo tồn, nuôi trồng... Trong đề án này cũng phải nêu rõ đầu ra để sản phẩm cây dược liệu trồng ra đều được thu mua, sử dụng…” - bà Hiền nói.
Ông Cao Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, duy nhất Quảng Nam đã có doanh nghiệp sản xuất thực phẩm từ nguồn dược liệu được cấp chứng nhận của WHO về tiêu chuẩn chế biến dược phẩm từ dược liệu (Công ty TNHH Sâm Sâm).
Tiềm năng dược liệu của Quảng Nam khá phong phú, do vậy, ngoài cây sâm Ngọc Linh là chủ đạo, cần thiết phải đưa thêm các dược liệu đặc trưng của từng vùng như quế Trà My vào danh mục dược liệu cần đầu tư của trung tâm trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trong Thông báo 135 của Văn phòng Chính phủ có truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng về việc đồng ý chủ trương nghiên cứu đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam, trong đó lấy sâm Ngọc Linh làm chủ lực. Đến nay tiến độ xây dựng đề án còn khá chậm.
Ông Tuyên yêu cầu các đơn vị liên ngành của Bộ Y tế kết hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án, chậm nhất đến ngày 31.12.2022 phải hoàn thành các hạng mục đề án, trình Bộ Y tế thẩm định. Quảng Nam đã giao Sở NN&PTNT làm đầu mối; về phía Bộ Y tế, Cục Y dược cổ truyền làm đầu mối phối hợp để lập ban chỉ đạo, tổ biên tập, xây dựng đề cương đề án...
“Khi xây dựng đề án phải lưu ý vấn đề quy hoạch sử dụng đất, nguồn lao động tại chỗ và vấn đề hỗ trợ về giống và khoa học kỹ thuật. Đồng thời xác định phạm vi quy mô của đề án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên...” - ông Tuyên nói.