Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội: Chặng cuối gian nan
Tăng trưởng GRDP, ngân sách sẽ vượt kế hoạch, nhưng mối bận tâm của nhiều đại biểu trong phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 9.2022 do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hôm qua 4.10 là chuyện ứng phó thiên tai, phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư.
Tăng trưởng hầu hết lĩnh vực
Theo công bố của Sở KH&ĐT, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, thị tường ô tô trong nước “hạ nhiệt”, kéo theo lượng sản xuất, lắp ráp ô tô quý III.2022 giảm mạnh (khoảng 5.100 xe).
Ngành sản xuất xe có động cơ chỉ đạt 85,4% so với quý II.2022. Sự sụt giảm này đã kéo chỉ số sản xuất công nghiệp quý III.2022 giảm 9,1% so quý trước (ngành chế biến, chế tạo giảm 10,6%).
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng đến 30,3% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì động lực phát triển (24,3%), sản xuất, phân phối điện tăng 34% (nhờ góp sức của nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 đi vào hoạt động).
Tăng trưởng ở hầu hết lĩnh vực. Các ngành dịch vụ đã phục hồi mạnh mẽ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng tăng 35,2% so cùng kỳ (lưu trú tăng gấp 3 lần). Doanh thu dịch vụ lữ hành tăng gấp 5 lần so cùng kỳ (69 tỷ đồng).
Lượng vốn từ các tổ chức tín dụng đổ vào nền kinh tế 9 tháng qua đã tăng 10,23% so đầu năm, tăng 12,97% so với cùng kỳ năm trước. Gần 1.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, 505 doanh nghiệp tái hoạt động. Con số này vẫn cao hơn so với 900 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Ngoài ra, đã có thêm 55 dự án đầu tư được cấp phép (4 FDI và 51 nội địa).
Tổng thu ngân sách 9 tháng đạt khoảng 21.950 tỷ đồng, đạt 93% dự toán, tăng 46% so cùng kỳ (nội địa thu hơn 17.143 tỷ đồng, đạt 90% dự toán, tăng 30%; thu xuất nhập khẩu hơn 4.763 tỷ đồng, đạt 101% dự toán, tăng 265% so cùng kỳ).
Tính đến hết ngày 30.9, tổng vốn đầu tư công năm 2022 giải ngân 2.939,7 tỷ đồng, so với kế hoạch vốn giao đầu năm đạt 46,9% và so với kế hoạch vốn sau bổ sung đạt 40,4% (tương đương mức giải ngân của cả nước).
Nền kinh tế vận hành thông suốt đã đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng cao. Ông Lê Nho Hùng – Cục phó Cục Thống kê cho biết GRDP ước tính quý III.2022 tăng cao ở mức 18,7%. GRDP 9 tháng tăng gần 13,2% so cùng kỳ, xếp 8/63 tỉnh thành cả nước, 2/5 tỉnh thành Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung. Dự kiến GRDP năm 2022 tăng hơn 10%, cao hơn so năm 2021 (5,04%) và vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao đầu năm (7,5 – 8%).
Chưa thôi lo ngại
Tăng trưởng GRDP sẽ đạt, ngân sách sẽ gia tăng, nhưng mối bận tâm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương là làm sao khắc phục hậu quả cơn bão số 4, ứng phó với thời tiết diễn biến bất thường và giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT nói giải ngân tương đương mức giải ngân cả nước, nhưng chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm, lại rơi vào mùa mưa bão thì khó có thể hoàn thành kế hoạch, khi đến nay mới chỉ đạt 40,4% so kế hoạch vốn sau bổ sung.
Ông Thử cho rằng các chủ đầu tư tính toán cụ thể, tìm mọi cách, lên kế hoạch cho các phương án giải ngân hoặc điều chuyển vốn các dự án trước 15.11.2022, hạn chế tối đa việc mất vốn.
Ngoài những điểm yếu cố hữu (giải phóng mặt bằng, giải ngân không đạt...) tồn tại trong nhiều năm, những tháng còn lại của năm 2022, nền kinh tế địa phương sẽ còn gặp nhiều bất trắc trước sự thất thường của thời tiết. Thiệt hại cơn bão số 4 vừa qua không nhiều, nhưng cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói cần xúc tiến nhanh các khu nhà ở xã hội cho lượng lớn công nhân ở trong các khu nhà tạm, không thể chống chọi với những cơn thịnh nộ của thiên tai.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung không thiếu lương thực, thực phẩm cho vùng sâu, vùng xa, nhưng cần có chính sách cho các huyện miền núi nói chung trong việc hỗ trợ thêm tiền xóa nhà tạm cho dân xây nhà kiên cố, mong được đầu tư hạ tầng kiên cố, thuận lợi giao thông, chống chọi bão, lũ hàng năm.
Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài việc đẩy mạnh truyền thông cộng đồng về tình hình thiên tai thì một trong những giải pháp là dành nguồn lực hỗ trợ cho các trường học, công trình dân sinh, nhà ở đổ mái thay vì lợp tôn như hiện tại để có thể an toàn trong mùa mưa bão.
Ông Văn Anh Tuấn – Giám đốc Sở GTVT nói bão đã gây ra hàng trăm điểm sạt lở trên tuyến quốc lộ 14D, ĐT606. Ngành đã chủ động chuẩn bị lực lượng, tập kết các trang thiết bị đến các điểm xung yếu có khả năng bị tắc đường để thông tuyến. Nhưng cần có sự phối hợp, hỗ trợ của địa phương thì mới có thể nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai.
Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022. Có thể lạc quan về GRDP hay thu ngân sách. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, rất khó lường sự tác động của thiên tai đến đời sống. Không còn thời gian để trì hoãn việc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phải tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thi công. Hoàn thành dứt điểm từng hạng mục công trình, bảo đám chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn khi buộc phải đối mặt với mùa mưa bão. Hoàn trả nợ ứng, thanh quyết toán vốn đầu tư hoàn thành các dự án đúng quy định, hạn chế chuyển nguồn.
Đồng thời rà soát các công trình đã bố trí vốn nhưng đến nay chưa triển khai, kiên quyết điều chuyển nguồn vốn cho các công trình đã có khối lượng nhưng thiếu vốn và các công trình có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022. Chủ động triển khai các phương án, biện pháp phòng tránh thiên tai, kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão...