Gia tăng bệnh lý hô hấp ở trẻ em

XUÂN HIỀN 03/10/2022 12:39

Số bệnh nhi đến khám và nhập viện tại nhiều cơ sở y tế gia tăng. Thời tiết thay đổi, trẻ nhỏ có sức đề kháng kém dẫn đến các bệnh lý về hô hấp cũng như tiêu hóa...

Trẻ đến khám tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam (TP.Tam Kỳ) tăng cao do các bệnh lý theo mùa. Ảnh: X.H
Trẻ đến khám tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam (TP.Tam Kỳ) tăng cao do các bệnh lý theo mùa. Ảnh: X.H

Bệnh nhân tăng

Ngay sau bão số 4, số bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện (BV) Phụ sản - Nhi Quảng Nam (TP.Tam Kỳ) khá đông. Chị Lê Thị Anh Xuân (ở phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, bé 3 tuổi nhà chị có dấu hiệu ho, khò khè đã hơn một tuần nay.

Tuy đã dùng kháng sinh 5 ngày nhưng các triệu chứng của bé vẫn không thuyên giảm, cùng với đó lại xuất hiện tình trạng viêm ruột nhẹ do dùng kháng sinh kéo dài. Đây cũng là các bệnh lý phổ biến của trẻ dưới 5 tuổi thường gặp.

Không chỉ lượng bệnh nhân đến khám bệnh gia tăng, đại diện BV Phụ sản - Nhi Quảng Nam cho biết, trong các tuần từ tháng 9 đến nay, số lượng bệnh nhi được nhập viện điều trị nội trú tại các khoa cũng đang có sự gia tăng đáng kể so với trước đây.

Đặc biệt có nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị khi đã ở tình trạng nặng. Tương tự, tại các trung tâm y tế ở nhiều địa phương, số bệnh nhi đến khám và điều trị cũng tăng, trong đó có cả bệnh nhi mắc sốt xuất huyết..

Theo các chuyên gia, tình hình lượng bệnh gia tăng mang tính chất chu kỳ, do thời điểm này thời tiết chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa. Mưa nhiều và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão khiến không khí lạnh hơn, độ ẩm tăng cao tạo thuận lợi cho một số vi khuẩn, vi trùng phát triển.

Trong đó, đặc biệt là các chủng vi khuẩn, vi trùng trú ngụ ở đường hô hấp gây bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, cảm cúm, cúm mùa, tay chân miệng, các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa.

Chủ động phòng bệnh

Dự kiến tình hình gia tăng bệnh lý hô hấp sẽ kéo dài cho đến cuối năm. Để phòng bệnh cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chủ động các biện pháp phòng bệnh. Cùng với các bệnh lý theo mùa, hiện nay trẻ mắc Adeno nhập viện tại các tỉnh thành phía bắc cũng gia tăng.

Ảnh: X.H
Ảnh: X.H

Được biết, vi rút Adeno là loại vi rút hợp bào gây bệnh về hô hấp, đặc biệt rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Adeno lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn, thời gian ủ bệnh khoảng 8 - 12 ngày. Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như sốt cao, ho, khó thở, thở khò khè, rối loạn tiêu hóa...

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh do Adeno gây ra, tuy nhiên, đa số bệnh sẽ tự hết, cách điều trị cũng như điều trị bệnh viêm hô hấp do vi rút.

“Những trẻ mắc các bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh não, bệnh phổi mạn tính, hệ miễn dịch yếu, nhiễm vi trùng đặc biệt là vi trùng kháng thuốc rất dễ trở nặng khi nhiễm bệnh. Phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới nhóm trẻ này vì trẻ rất dễ mắc bệnh, khi nhiễm vi rút thì rất dễ trở nặng” - bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Hiện nay, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Chủ động phòng chống dịch bệnh khi thời tiết giao mùa, bên cạnh giữ gìn vệ sinh, chế độ dinh dưỡng phù hợp, việc thực hiện tiêm chủng đầy đủ cũng là một trong các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, ngoài việc lưu tâm tiêm chủng cho trẻ nhỏ, với các trẻ lớn cần lưu ý các mũi tiêm nhắc lại vì trên thực tế nhiều gia đình còn chưa hiểu đầy đủ sự cần thiết của việc tiêm nhắc lại này.

“Với trẻ nhỏ 0 - 12 tháng tuổi, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ rất cao, có nơi đạt gần 100% nhưng với trẻ lớn trên 12 tháng tuổi thì tỷ lệ tiêm nhắc lại thấp hơn. Điều này có thể do cha mẹ quên hoặc xao nhãng mũi tiêm này do tâm lý chủ quan, cho rằng đã tiêm chủng cho trẻ khi còn nhỏ thì có thể bảo vệ cho trẻ khỏi mắc các bệnh truyền nhiễm” - ông Huỳnh Công Quang nói.

XUÂN HIỀN