Để người dân không còn chạy bão lũ

VIỆT NGUYỄN 03/10/2022 06:37

Sở Xây dựng đang tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 32 về hỗ trợ, xây dựng chòi, phòng trú bão lụt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Nghị quyết 32) để trình HĐND tỉnh xem xét tại Kỳ họp thứ 11 tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đi thực địa và trao đổi với lãnh đạo huyện Thăng Bình về triển khai hỗ trợ xây phòng, chòi trú bão lụt cho người dân. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đi thực địa và trao đổi với lãnh đạo huyện Thăng Bình về triển khai hỗ trợ xây phòng, chòi trú bão lụt cho người dân. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường, Nghị quyết 32 hết sức thiết thực, giàu tính nhân văn vì mục tiêu không để người dân chạy bão lũ. Điều cấp thiết hiện nay là làm sao để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Thiết thực nhưng thực hiện thấp

Nghị quyết 32 được HĐND tỉnh ban hành ngày 29.9.2021. Quảng Nam dự kiến chi 100 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho 10 nghìn hộ dân với mức 10 triệu đồng/chòi, phòng trú bão lụt.

Sau một năm triển khai, đến nay mới có 197 hộ ở 9 huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng thực hiện xây dựng chòi, phòng trú bão lụt, khu vực miền núi không có trường hợp nào tham gia.

Ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, nhiều địa phương chưa thực sự lĩnh hội chính sách nên có vướng mắc trong triển khai. Còn ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành nói, trước khi HĐND tỉnh thông qua sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 32 ở kỳ họp sắp tới, cần đánh giá lại kết quả triển khai trong năm qua.

Khảo sát của chúng tôi ở xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), trong đợt bão số 4 vừa qua, nhiều hộ dân đã trú trong chòi của nhà mình chứ không di tản tránh trú bão ở nơi khác.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho rằng, người dân rất phấn khởi khi được nhận hỗ trợ để xây dựng chòi, phòng tránh bão. Bởi trong khi di tản phải phụ thuộc vào nhiều thứ từ lương thực, thực phẩm đến chỗ trú bão…, thì ở nhà họ chủ động hoàn toàn trong sinh hoạt.

“Chòi, phòng trú bão lụt là chỗ kiên cố nhất trong ngôi nhà của người dân. Họ nấu nướng, ăn uống, sinh hoạt thuận tiện tại chỗ” - ông Bình nói.

Đến thời điểm này, ở Tam Kỳ đã và đang có 40 chòi, phòng trú bão lụt được xây dựng. Ngoài mức 10 triệu đồng được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, Tam Kỳ còn huy động các nguồn lực khác để trợ giúp thêm cho người dân với mức 10 triệu đồng/chòi và 5 triệu đồng/phòng trú bão lụt. Ủy ban MTTQ TP.Tam Kỳ cũng hỗ trợ cho các hộ dân với mức 5 triệu đồng/chòi, phòng.

Nhấn mạnh tính cấp thiết của Nghị quyết 32, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói, Quảng Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, trong khi còn rất nhiều hộ dân phải sống trong những ngôi nhà xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Hỗ trợ người dân xây dựng phòng, chòi trú bão lụt kiên cố tại nhà sẽ giảm nhiều áp lực phải di dời đến chỗ tránh trú bão tập trung, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Giải quyết vướng mắc

Cuối tuần qua, đoàn công tác HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở Xây dựng và một số ngành liên quan về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 32. Ông Ngô Ngọc Hùng cho biết, trong hơn năm qua, toàn tỉnh có 893 hộ dân được UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Nghị quyết 32.

Đến ngày 1.7.2022, UBND tỉnh phân bổ kinh phí 470 triệu đồng cho huyện Hiệp Đức hỗ trợ 47/238 hộ dân xây chòi, phòng trú bão lụt trong năm 2022, số còn lại sẽ tiếp tục được giải ngân. Sau khi UBND tỉnh gửi văn bản đôn đốc các địa phương rà soát lại, đăng ký mới các hộ dân tham gia xây dựng chòi, phòng trú bão lụt thì có thêm 8.931 hộ, nâng tổng số hộ tiếp cận chính sách là 10.062 hộ.

Ông Hùng đề xuất HĐND tỉnh bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 32 với nội dung ngoài hỗ trợ hộ nghèo, bổ sung thêm hộ cận nghèo, hộ gia đình nằm trong vùng thường xuyên xảy ra bão lụt, hộ chưa có nhà ở kiên cố hoặc có nhà nhưng chưa có sàn cao từ 1,5m trở lên, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở miền núi.

Bà Dương Thị Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, thay vì hỗ trợ cho hộ chưa có nhà ở kiên cố thì nên mở rộng hỗ trợ cho hộ chưa có chỗ ở an toàn.

Hiện tại mức hỗ trợ đồng đều cho mỗi hộ xây dựng chòi, phòng trú bão lụt là 10 triệu đồng/hộ; nên chăng có mức hỗ trợ khác nhau cho hộ nghèo, hộ chưa có nhà ở an toàn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Trong sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 32 cũng cần nới lỏng quy định về quyền sử dụng đất của các hộ để tránh hạn hẹp số hộ tiếp cận được chính sách.

Nhấn mạnh tính nhân văn trong sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 32, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng, nên lồng ghép các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ xây dựng nhà ở, xây dựng chòi, phòng trú bão lụt để người dân ngày càng có chỗ ở, chỗ trú bão lũ kiên cố, an toàn.

Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, nhằm tránh lúng túng triển khai như trong thời gian qua, để Nghị quyết 32 sau khi được sửa đổi, bổ sung thực sự đi vào đời sống, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đăng ký, tiếp cận chính sách hỗ trợ xây dựng chòi, phòng trú bão. Tinh thần là càng có nhiều hộ dân tiếp cận chính sách càng tốt.

VIỆT NGUYỄN