Raja Ampat: "Thiên đường cuối cùng trên trái đất"
Nằm ở trung tâm của “tam giác san hô”, mạng lưới khu bảo tồn biển Raja Ampat (Indonesia) trải dài hơn 4 triệu héc ta và bao gồm khoảng 1.500 hòn đảo được công nhận có hệ thống đa dạng sinh học biển phong phú nhất trên trái đất.
Tọa lạc ở một vị trí tương đối hiểm trở nên Raja Ampat thoát khỏi tình trạng du lịch đại trà. Không có gì ngạc nhiên khi Raja Ampat thường được gọi tên “thiên đường cuối cùng trên trái đất”.
Bởi nơi đây là “nhà” của hơn 1.600 loài cá và khoảng 75% loài san hô được biết đến trên thế giới. Dự án bảo tồn biển Raja Ampat được đánh giá là một trong những mô hình bảo tồn thành công nhất trên trái đất.
Nhà bảo tồn Meizani Irmadhiany - Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Chủ tịch điều hành của Konservasi Indonesia - tổ chức hỗ trợ phát triển bền vững và bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng ở Indonesia cho biết: “Khoảng 20 năm trước, Raja Ampat suy tàn vì đánh bắt cá thương mại không được kiểm soát và các hoạt động không bền vững. Raja Ampat cần có nhiều sự hợp tác với các bên liên quan khác nhau để xoay chuyển tình thế này”.
Vì thế, năm 2004, dự án bảo tồn Raja Ampat với sự hỗ trợ của các nhà bảo tồn quốc tế và chính quyền địa phương ra đời, vừa nỗ lực bảo tồn các nguồn tài nguyên biển vừa đảm bảo an ninh lương thực và lợi ích kinh tế bền vững cho người dân địa phương.
Chủ tịch điều hành Meizani Irmadhiany cho biết: “Kể từ khi tiến hành dự án, quần thể cá tăng trở lại; nạn săn bắt trộm giảm khoảng 90%; san hô đang phục hồi; an ninh lương thực và sinh kế lâu dài cho cộng đồng địa phương được cải thiện. Việc thu hút cộng đồng địa phương trở thành thành viên tích cực trong công tác bảo tồn là chìa khóa thành công của dự án. Bạn phải bắt đầu với cộng đồng và đảm bảo các giải pháp của bạn phù hợp nhu cầu, mang lại lợi ích cho người dân địa phương và đa dạng sinh học”.
Đầu năm 2022, mạng lưới công viên biển Raja Ampat - bao gồm 10 khu bảo tồn được trao giải thưởng Công viên xanh của Tổ chức Bảo tồn biển quốc tế và Liên hợp quốc. Đây là giải thưởng hằng năm công nhận các công viên biển trên khắp thế giới đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu quả bảo tồn cao.
Tại các khu nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch ở Raja Ampat, tất cả hoạt động đánh bắt và săn bắn đều bị cấm. Các tấm pin mặt trời giúp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nước mưa được thu thập để sản xuất nước uống. Các khu vườn trong khuôn viên cung cấp thực phẩm hữu cơ cùng các chương trình quản lý chất thải.
Một hệ sinh thái khỏe mạnh, sôi động là điều tuyệt vời để khách du lịch trải nghiệm, nhưng cũng rất cần thiết cho người dân địa phương, những người phụ thuộc vào sự phong phú của rạn san hô để kiếm sống và tìm cơ hội việc làm trong du lịch.
Ông Max Ammer - chủ của vài khu nghỉ dưỡng tại Raja Ampat cho hay, loài động vật chân đốt lớn nhất trên cạn - cua dừa có thể được tìm thấy bay lơ lửng giữa lớp cây cối rậm rạp và các loài chim khác như vẹt mào vàng, chim diều lửa, hay chim hồng hoàng cũng thường được nhìn thấy ở Raja Ampat. Rừng ngập mặn tại đây đóng vai trò như vườn ươm cá con và là nơi ẩn náu cho loài dơi quạ.
Luis Kabes - một hướng dẫn viên lặn địa phương tại Raja Ampat nói anh tự hào rằng Raja Ampat bây giờ là một địa điểm nổi tiếng. Nhiều du khách từng đến Raja Ampat đều chia sẻ rằng điểm thu hút lớn nhất ở đây không chỉ là khám phá thiên nhiên mà còn chính là con người thân thiện với dự án bảo tồn biển rất thành công.