Vực dậy làng nghề ở Đông Giang
Ở huyện Đông Giang, làng nghề truyền thống chưa có sự chuyển biến rõ rệt, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để tìm hướng vực dậy.
Làng nghề gặp khó
Đi vào hoạt động từ năm 2009, làng nghề dệt thổ cẩm Đhờ Rôồng (xã Tà Lu) có 35 hộ tham gia với 82 lao động thường xuyên. Hạ tầng tại làng nghề đã được đầu tư như đường, hệ thống điện chiếu sáng, nhà sản xuất và trưng bày, giới thiệu sản phẩm... Từ ngân sách nhà nước và hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, nhà cộng đồng thôn tại làng nghề cũng được nâng cấp thành nhà lưu trú.
Trước đó, vào năm 2008, tại xã Sông Kôn cũng đã hình thành làng nghề dệt thổ cẩm thôn Bhờ Hôồng, thu hút 90 hộ tham gia với 200 lao động. Làng nghề này cũng được làm đường đi vào; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, cải tạo nhà homestay; tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng. Sản phẩm của cả 2 làng nghề bán cho du khách khi đến làng tham quan du lịch; đồng thời trưng bày, bán tại Hội An.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đông Giang, huyện còn có các làng nghề truyền thống khác, gồm dệt thổ cẩm thôn Chờ Nết (xã A Ting), chế biến rượu cần thôn Tà Vạc (thị trấn Prao), làng nghề ớt A riêu ở thôn A Xờ (xã Mà Cooih), làng nghề chè dây Ra zéh tại xã Tư đã đi vào hoạt động từ năm 2015.
Trong đó, làng nghề ớt A riêu có 25 hộ tham gia trồng, chế biến các sản phẩm từ ớt A riêu (ớt A riêu muối đạt chuẩn OCOP 3 sao); làng nghề chè dây Ra zéh thu hút 35 hộ khoanh nuôi, trồng, chế biến các sản phẩm từ cây chè dây Ra zéh (sản phẩm OCOP 4 sao).
Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, đại dịch Covid-19 khiến du lịch bị đình trệ nên 2 làng nghề dệt thổ cẩm Đhờ Rôồng và Bhờ Hôồng hoạt động cầm chừng, có nhiều thời điểm tạm dừng vì không có du khách.
Nhưng phải thừa nhận thực tế, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, sản xuất đa số thủ công dẫn đến giá thành cao, không cạnh tranh được với làng nghề khác có sản phẩm tương tự. Do thiếu nguyên liệu sản xuất và chưa nhận được sự quan tâm hỗ trợ đúng mức, 2 làng nghề dệt thổ cẩm thôn Chờ Nết và chế biến rượu cần thôn Tà Vạc có nguy cơ mai một, thất truyền.
Mặt khác, làng nghề trên địa bàn Đông Giang đều sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, có nơi phụ thuộc mùa vụ. Chính vì thế, làng nghề hoạt động cầm chừng. Đơn cử, sản phẩm ớt A riêu được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng nhiều thời điểm không có hàng để cung cấp.
Khôi phục,phát triển làng nghề
Nhận thấy thực trạng nêu trên, huyện Đông Giang đã lên kế hoạch cụ thể, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2022 - 2025 để khôi phục và phát triển các làng nghề, ngành nghề thủ công, thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Ông Đỗ Hữu Tùng cho biết, địa phương quyết tâm bảo tồn, phát huy yếu tố truyền thống của nghề, làng nghề. Chú trọng phát triển sản phẩm thủ công tiêu biểu thế mạnh của huyện, có giá trị kinh tế cao như dệt thổ cẩm, mộc mỹ nghệ, sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ, rượu cần; gắn sản xuất làng nghề với hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống.
Huyện đặt mục tiêu hình thành lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao; chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề có trình độ quản lý, trình độ tổ chức kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, cải tiến mẫu mã…
Xây dựng và cải tạo hạ tầng kỹ thuật trong làng nghề theo hướng vừa phục vụ sản xuất gắn với phát triển du lịch, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, bảo đảm tính phù hợp với văn hóa truyền thống của đồng bào như hệ thống giao thông, cấp thoát nước, điện, bãi đậu xe, nhà trưng bày, công trình vệ sinh công cộng…
Huyện Đông Giang cũng đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển làng nghề như quan tâm phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Chú trọng tổ chức quản lý sản xuất, như hỗ trợ làng nghề thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để điều hành, liên kết với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng sẽ vận dụng các chính sách khuyến khích của Nhà nước để hỗ trợ làng nghề, nghề truyền thống như cải cách thủ tục hành chính, huy động nguồn lực thực hiện dự án cải tạo và bảo vệ môi trường...
Ông Đỗ Hữu Tùng cho biết thêm, UBND huyện đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Cơ Tu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. UBND huyện sẽ trình Huyện ủy, HĐND huyện cho ý kiến trong thời gian tới.
Địa phương xây dựng đề án này nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của tộc người Cơ Tu, và phục hồi những làng nghề truyền thống độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác.
Đề án nếu được thông qua sẽ mang lại hiệu ứng tích cực về mặt kinh tế, tạo ra sản phẩm cụ thể phục vụ chiến lược phát triển du lịch của huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, tạo nguồn thu cho ngân sách. Khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống thành sản phẩm phục vụ du lịch cộng đồng, hướng tới du lịch xanh, thân thiện với môi trường.