Tìm sinh kế cho người dân vùng đệm
Cùng với xây dựng kế hoạch dài hơi mang tính bền vững, các chủ rừng cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc rà soát nhu cầu thực tiễn, đảm bảo đáp ứng quy mô phát triển phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng đệm, nhất là các mô hình trồng cây dược liệu, trồng rừng gỗ lớn... Đây là ý kiến góp ý của nhiều đại biểu tại cuộc họp bàn tìm sinh kế cho người dân vùng đệm vừa được tổ chức.
Hỗ trợ nhỏ lẻ
Ông Trần Văn Thu - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, Quảng Nam có diện tích tự nhiên hơn 1.057.474ha; trong đó, diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hơn 769.276ha. Đến nay, có hơn 117.000ha do các ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng quản lý và hơn 269.741ha do các BQL rừng phòng hộ quản lý.
Thời gian qua, bằng chương trình đầu tư phát triển sinh kế vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trong cộng đồng, đời sống người dân miền núi dần có bước chuyển tích cực.
Nhờ đó, giảm tác động bất lợi lên tài nguyên rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá, đến nay việc triển khai, nhân rộng mô hình sinh kế cho người dân vùng đệm còn nhỏ lẻ, chủ yếu là chăn nuôi, trồng cây ăn quả…, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng.
“Các đơn vị chủ rừng, địa phương vẫn đang dừng lại ở mức xác định nhu cầu mô hình sinh kế tại địa phương và đang triển khai xây dựng các hoạt động, dự toán chi tiết để triển khai thời gian tới” - ông Thu nói.
Để phát huy hiệu quả chương trình đầu tư, phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trong cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ, ông Thu nói cần lồng ghép nguồn lực từ cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh; đồng thời tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án sinh kế cho hiệu quả kinh tế cao.
Trên cơ sở đặt mục tiêu triển khai ít nhất 2 - 3 mô hình, dự án sinh kế bền vững tại các xã vùng đệm, các BQL rừng đặc dụng, phòng hộ cần tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch. Đồng thời từng bước nâng cao năng lực, hướng dẫn áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế vùng đệm cho cộng đồng địa phương một cách có hiệu quả nhất…
Chọn mô hình điểm
Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, việc phát triển mô hình sinh kế cho người dân vùng đệm theo chủ trương của tỉnh được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển mới, giúp người dân sinh sống tại khu vực này ổn định cuộc sống, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Để các mô hình được đầu tư sinh kế mang lại hiệu quả, bên cạnh tập trung định hướng quy mô theo từng vùng, từng địa phương cụ thể, cần xây dựng kế hoạch trồng rừng gỗ lớn gắn với trồng cây lâm nghiệp, dược liệu dưới tán rừng và chăn nuôi heo cỏ địa phương.
“Chúng tôi sẽ làm việc với các địa phương và chủ rừng để rà soát toàn bộ lâm phận vùng đệm, cũng như diện tích nằm ở lưu vực lòng hồ thủy điện. Trên cơ sở rà soát này, sẽ bàn bạc xây dựng các mô hình sinh kế thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân.
Ngoài ra, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu, sự nghiệp kinh tế của huyện nhằm tăng cường hỗ trợ sinh kế hiệu quả, giúp người dân mở hướng thoát nghèo” - ông Chương nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm cần thay đổi phương thức hỗ trợ cây trồng và con vật nuôi, bởi các mô hình này không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của người dân hiện nay.
Thay vào đó, cần định hướng xây dựng và mở rộng quy mô diện tích trồng cây ăn quả, kết hợp với dược liệu dưới tán rừng và trồng rừng gỗ lớn. Chính quyền các địa phương cần phối hợp với chủ rừng, kết nối doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm của các mô hình sinh kế đã được triển khai.
“Để việc thực hiện có kết quả phải xoáy vào cán bộ giữ rừng chuyên trách. Trong 800 cán bộ giữ rừng chuyên trách hiện nay, nên chọn ra cá nhân tiêu biểu có cách làm cụ thể, sáng tạo để xây dựng mô hình sinh kế điểm, trước khi mở rộng đến từng hộ dân.
Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động phát triển vùng đệm và lưu vực; Sở NN&PTNT khẩn trương công nhận giống cây đặc hữu bản địa, giúp các chủ vườn sớm đưa nguồn giống này ra thị trường, góp phần cung ứng và hình thành các mô hình trồng rừng, phát triển sinh kế vùng đệm đạt hiệu quả kinh tế” - ông Bửu nhấn mạnh.