Quảng Nam gấp rút di dời dân tránh bão số 4
(QNO) - Các địa phương trên địa bàn Quảng Nam đang quyết liệt triển khai biện pháp ứng phó bão số 4, nhất là công tác di dời dân đến nơi an toàn.
Tại thị xã Điện Bàn, ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã cho biết, thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4 cơ bản hoàn tất. Thị xã đã chỉ đạo các địa phương có nguy cơ sạt lở, gần sông, biển như Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Phương… gấp rút lên phương án di dời dân. Dự kiến hơn 6.000 dân sẽ được di dời đến nơi ở kiên cố theo 2 phương án ở ghép và tập trung, trong đó ưu tiên phương án ở ghép.
Điện Bàn cũng đã làm việc với các khách sạn ven biển để dự lường tình huống xấu nhất có thể đưa dân vào tránh trú tập trung. “Từ hôm qua 25.9, người dân đã lo gia cố nhà cửa. Hiện tại, ngoài lực lượng của các xã, phường tuyên truyền lưu động bằng xe máy đến từng địa bàn dân cư, thị xã cũng bố trí 5 xe cơ động phát thanh liên tục để người dân chủ động phòng tránh bão” - ông Trần Úc thông tin.
Phường Điện Dương cho biết sẽ di dời hơn 300 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND phường, phấn đấu đến 17 giờ hôm nay 26.9 sẽ hoàn thành việc di dời. Về tình hình tàu thuyền, đến chiều qua 25.9, tất cả tàu thuyền lớn của Điện Dương (13 chiếc) đã vào neo đậu an toàn tại rừng dừa Cẩm Thanh ở TP.Hội An.
Tại phường Điện Ngọc, việc di dời dân chủ yếu tập trung đối tượng công nhân ở trọ, làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ông Phan Quang Quốc Huy - Chủ tịch UBND phường thông tin, địa phương đã lên danh sách di dời với khoảng 5.000 người, chủ yếu là công nhân và một số hộ gia đình gần biển. Phấn đấu đến 12 giờ ngày mai sẽ hoàn thành di dời.
* Tại Duy Xuyên, ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện xác định ứng phó với tinh thần Duy Xuyên sẽ nằm trong vùng tâm bão. Riêng tại vùng Đông, huyện xác định đây là vùng trọng điểm bị ảnh hưởng, chịu nhiều thiệt hại nên tập trung lớn lực lượng xung kích để hỗ trợ người dân trong mọi tình huống.
“Trước 17 giờ chiều nay 26.9, huyện sẽ rà soát lại tình hình và đến trước 9 giờ sáng mai 27.9, tất cả hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão sẽ được di dời đến nơi an toàn” - ông Phan Xuân Cảnh khẳng định.
Khu vực các xã Duy Hải, Duy Nghĩa hiện nằm trong vùng dự án nên có nhiều ngôi nhà đã xuống cấp. Qua đánh giá sơ bộ, vùng Đông Duy Xuyên hiện có 887 hộ với 3.179 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ cao, mất an toàn. Lực lượng chức năng của huyện và các xã cũng đã rà soát nhà tạm bị dột nát cũng như các hộ dân nằm trong nguy cơ ảnh hưởng của nước biển, nước sông dâng để có phương án di dời phù hợp.
[VIDEO] - Vùng Đông Duy Xuyên khẩn trương ứng phó bão:
* Tại Tiên Phước, theo kế hoạch đối với tình huống bão mạnh, địa phương sẽ di dời hơn 15 nghìn người; đối với tình huống siêu bão sẽ di dời gần 22 nghìn người. Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa và sơ tán người dân đến nơi an toàn.
“Tiên Phước cũng tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua sông suối khi có nước chảy xiết... Mỗi địa phương thành lập ít nhất một tổ xung kích cộng đồng với tối thiểu 10 thành viên để tập trung triển khai hiệu quả công tác phòng chống lụt bão” - ông Trầm Quế Hương thông tin.
Phòng Kinh tế - hạ tầng Tiên Phước cũng đang huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện để cắt tỉa hệ thống cây xanh công cộng; phối hợp các xã, thị trấn kiểm tra, khơi thông dòng chảy, dùng rọ đá kè gia cố các điểm sạt lở ở các tuyến giao thông, bờ kè sông Tiên… Đài truyền thanh cơ sở cũng tăng cường thời lượng phát sóng bản tin về mưa bão, đẩy mạnh tuyên truyền trong dân.
* Sáng nay 26.9, huyện Bắc Trà My họp trực tuyến với các xã, thị trấn để triển khai biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 4.
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, sáng cùng ngày huyện chỉ đạo tạm dừng toàn bộ cuộc họp, hội nghị không cần thiết để tập trung các biện pháp cấp bách ứng phó bão. Toàn huyện triển khai sơ tán 1.100 hộ dân với khoảng 7.000 người thuộc diện dễ bị tổn thương, sống gần khu vực sông suối; trong đó nhiều nhất là xã Trà Giác với gần 1.250 người. Việc sơ tán sẽ hoàn thành dứt điểm trước 9 giờ sáng mai 27.9.
Bắc Trà My cũng đã cấm hoạt động ghe thuyền đường thủy, nhất là trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, Sông Tranh 3 và các hồ đập thủy lợi Nước Rôn, Nước Rin... Tạm dừng thi công công các công trình, nhất là công trình kè, cầu cống ở các sông suối hoặc gần sông suối.
* Tại Phú Ninh, ông Trịnh Ngọc An - Trưởng phòng NN&PTNT huyện thông tin, các xã, thị trấn đang rà soát tất cả trường hợp nhà cửa không kiên cố để di dời người dân đến nơi an toàn.
Theo đó, Phú Ninh di dời hơn 1.200 hộ dân với 3.328 nhân khẩu ra khỏi khu vực có nguy hiểm, nhất là vùng ven sông suối, vùng sạt lở, lũ quét. Trong đó, di dời tập trung 77 hộ là người già, neo đơn đến các trụ sở UBND xã. Còn lại sẽ theo hình thức xen ghép - tức từ các nhà không kiên cố sang các hộ dân lân cận có nhà kiên cố, nhà chắc chắn. Các địa phương tiếp tục triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhằm đảm bảo tất cả hộ dân phải có nơi tránh bão an toàn.
Trước đó, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, chủ tịch UBND các xã, thị trấn thường theo dõi diễn biến bão để kịp thời ứng phó với các tình huống; tổ chức truyền thông, thông tin đến nhân dân chủ động các biện pháp phòng tránh bão.
Hiện các xã, thị trấn đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ nhân dân ứng phó các sự cố; có phương án bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn ở khu vực ngập sâu, nguy hiểm...
Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam hôm nay đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương xây dựng phương án phòng chống bão Noru trên tinh thần chủ động, huy động tối đa lực lượng hỗ trợ dân. Huy động 100% quân số để sẵn sàng chống bão, đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau bão.
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”, lực lượng công an cơ sở xã, phường bám sát địa bàn đảm bảo an ninh trật tự; hỗ trợ dân chằng chống nhà cửa, tham gia di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không đảm bảo an toàn theo phương án của từng địa phương.
Các lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự cơ động phối hợp chốt chặn, hướng dẫn, kiểm soát giao thông, cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm tràn, nơi sạt lở nguy hiểm.
Đối với Trại tạm giam Công an tỉnh và nhà tạm giữ công an các địa phương, công tác phòng chống bão gắn với việc đảm bảo an toàn nơi giam giữ.
* Sáng nay 26.9, huyện Nam Giang chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để ứng phó bão.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và địa phương hướng dẫn cách chằng chống nhà cửa, trụ sở, chặt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho nhân dân; chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn cứu hộ người dân kịp thời khi có bão lũ; sẵn sàng sơ tán dân khi có tình huống xấu xảy ra; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ để bảo đảm giao thông.
Huyện Nam Giang cũng đã chỉ đạo hỗ trợ mỗi xã, thị trấn 3 tấn gạo để sẵn sàng hỗ trợ các địa bàn bị cô lập do mưa lớn.
* Sáng nay 26.9, ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cùng các ngành chuyên môn đến kiểm tra công tác phòng chống bão tại hồ Việt An (xã Bình Lâm) và hồ Phước Hòa (xã Bình Sơn).
Qua kiểm tra hồ chứa Việt An, ông Nguyễn Văn Nam đề nghị nhân viên vận hành hồ chứa kiểm tra mực nước đập chính và các đập phụ, tràn xả lũ, tình trạng thấm nước…; thường theo dõi diễn biến của bão và tình hình mưa lũ để có phương án xử lý kịp thời. Đối với công trình hồ Phước Hòa đang thi công, ông Nam yêu cầu xã Bình Sơn nhắc nhở hộ dân đang sản xuất, chăn nuôi trên diện tích của hồ thực hiện nghiêm công tác phòng chống bão.
Liên quan đến công tác sơ tán dân, UBND huyện Hiệp Đức chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện xây dựng phương án, tổ chức sơ tán 1.645 hộ với 8.212 khẩu và hoàn thành trước 9 giờ ngày mai 27.9.
* Theo UBND huyện Núi Thành, địa phương dự kiến di dời 3.538 hộ với 11.050 khẩu để phòng tránh bão.
Theo đó sẽ di dời tập trung 652 hộ với 2.542 khẩu (xã Tam Hải, Tam Tiến), di dời xen ghép 2.886 hộ với 8.508 khẩu và hoàn thành trước 9 giờ ngày mai 27.9. Riêng thôn Long Thạnh Tây của xã Tam Hải, chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Núi Thành phối hợp cùng Sư đoàn 315 (Quân khu 5) di dời nhân dân về trường học của xã Tam Giang.
* Theo kế hoạch của UBND TP.Hội An, trước 10 giờ sáng 27.9, thành phố sẽ di dời, sơ tán khoảng 2.000 hộ dân theo hình thức tập trung và xen ghép, nhiều nhất là các địa phương ven biển, cửa sông, vùng thấp lụt... Để thực hiện, thành phố huy động tối đa các lực lượng, phương tiện mà trực tiếp là các đơn vị lực lượng vũ trang.
Thành phố còn huy động 15 xe ô tô loại 16 chỗ ngồi của các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện để vận chuyển sơ tán dân. Đến chiều nay 26.9, lãnh đạo thành phố còn huy động được 2 khách sạn để khoảng 500 người vào tránh trú bão.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh chủ động phương án ứng phó, phòng chống bão. Duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ ở các cấp theo quy định. Thường xuyên cập nhật thông tin, nắm chắc tình hình, diễn biến của bão. Chủ động kiểm tra các khu vực trọng điểm, khu vực đóng quân của đơn vị có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Sẵn sàng lực lượng ứng cứu nhân dân khi có tình huống xảy ra. Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng di dời người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn. Phối hợp các đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 đứng chân trên địa bàn tham gia cứu hộ cứu nạn trước, trong và sau bão.
* Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn thông tin, trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, chính quyền 13 xã, thị trấn sẽ di dời 1.079 hộ dân với 2.337 nhân khẩu sống trong nhà tạm, không kiên cố và vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt sâu đến nơi an toàn. Việc di dời chủ yếu thực hiện theo diện xen ghép.
Tại xã Quế Xuân 1, ông Phan Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền xã đã gấp rút thành lập đội thanh niên xung kích gồm 63 thành viên. Trong ngày hôm nay 26.9, đội thanh niên xung kích của xã tỏa đi nhiều thôn để hỗ trợ trường học chằng chống trường lớp; hỗ trợ gia đình già yếu, neo đơn gia cố nhà cửa, chặt tỉa cây cối, đưa nông sản vừa thu hoạch đến khu vực cao ráo...
* Tại Nông Sơn, ông Trần Thiện Thắng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết, địa phương dự kiến sơ tán 1.605 hộ với 5.718 nhân khẩu. Công tác sơ tán phải hoàn thành trước 9 giờ ngày mai 27.9.
Huyện cũng chỉ đạo các xã triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi sơ tán tập trung. Thông tin tuyên truyền về diễn biến cơn bão để mọi người dân biết và phòng chống. Tăng cường lực lượng về các địa bàn xung yếu giúp dân trước khi bão đổ bộ.
* Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, huyện đã thành lập 3 đoàn công tác chỉ đạo ứng phó bão tại các xã vùng thấp, vùng trũng và vùng cao. Toàn huyện có 742 hộ với 3.115 người phải di dời đến nơi an toàn.
Những ngày qua, trên địa bàn Phước Sơn xảy ra nhiều trận mưa lớn gây sạt lở mố cầu Khỉ (điểm nối giữa đường dẫn và mặt cầu) trên tuyến ĐH5, chia cắt giao thông giữa 2 xã Phước Công và Phước Lộc. Kiểm tra điểm sạt lở này, lãnh đạo huyện yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương xử lý dòng chảy, không để ảnh hưởng đến phần chân trụ của cầu, sớm triển khai các biện pháp khắc phục và đặt biển cảnh báo.
* Ngày 26.9, liên danh nhà thầu dự án đường nối từ ĐT609C đến quốc lộ 14B (qua Đại Lộc) đã khẩn trương triển khai ứng phó bão số 4 trên công trường cầu An Bình, bắc qua sông Vu Gia. Ghi nhận chiều tối trên công trường, xe máy, thiết bị chuyên dụng đã hối hả đưa vật liệu như sắt thép, các tấm chắn, thang ghép lên ô tô tải chở vào bãi đúc dầm, để trên dầm cầu vừa đúc xong. Tại trụ cầu hoàn thiện ven sông, nhà thầu cẩu hẳn sắt thép đưa lên trên xà mũ. Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng - ông Trần Quyết Thắng cho biết, máy móc thiết bị loại nhỏ phải đưa đến nơi an toàn. Với các máy lớn cỡ 50-60 tấn, nhà thầu bố trí ngay trên khu vực gần bãi đúc dầm, tại địa điểm cao ráo.
Nhằm đảm bảo tính mạng người lao động, phần lớn trong số họ sẽ đến tránh trú trạm y tế, trường học do địa phương bố trí. Nhân lực còn lại được đưa về trụ sở Xí nghiệp ươm tơ Giao Thủy (cũ), địa điểm mà công ty đã thuê kể từ khi thi công cầu Giao Thủy vào năm 2015 cho đến nay. Bảo vệ cho lán trại, liên danh nhà thầu chằng mái bằng bao nước, bao cát và neo dây cáp chống giật, hệ thống điện 3 pha phục vụ thi công cũng đã cắt, thu hồi thiết bị.