Tập trung bảo vệ vườn cây ăn quả, cao su trước bão

NGUYỄN SỰ 26/09/2022 11:24

(QNO) - Chính quyền các địa phương đang tập trung vận động nhân dân cắt tỉa cành, chằng chống các loại cây ăn quả và cao su, keo nguyên liệu để hạn chế thiệt hại do bão số 4.

Người dân xã Phước Ninh của huyện Nông Sơn tất tả cắt tỉa cành keo lai nguyên liệu để hạn chế tình trạng bị gãy đổ do gió bão. Ảnh: N.S
Người dân xã Phước Ninh (Nông Sơn) cắt tỉa cành keo lai nguyên liệu để hạn chế gãy đổ do gió bão. Ảnh: N.S

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 2.400ha cao su đại điền và tiểu điền, hơn 60ha cây ăn quả các loại, 19.000ha rừng keo nguyên liệu.

Theo ông Nghiệp, lãnh đạo UBND huyện Hiệp Đức đã yêu cầu chính quyền các địa phương tập trung vận động, hướng dẫn nông dân chằng chống 890ha cao su tiểu điền (tập trung chủ yếu ở các xã Sông Trà, Quế Lưu, Hiệp Hòa, thị trấn Tân Bình) và cắt tỉa cành keo nguyên liệu, cột níu thân cây ăn quả để hạn chế tình trạng gãy đổ do gió bão. “Việc này đã và đang được người dân Hiệp Đức triển khai một cách quyết liệt với hy vọng giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại” - ông Nghiệp nói.

Ông Thái Bảo Tri - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam cho biết, trước diễn biến hết sức khó lường của bão số 4, công ty đã đề nghị các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó.

Trong đó, yêu cầu các đơn vị chỉ đạo chằng chống nhà cửa công nhân, các công trình xây dựng, vật kiến trúc, vườn cây cao su có khả năng gãy đổ do gió bão. Rà soát những vùng thấp trũng và có phương án chủ động sơ tán công nhân đến nơi an toàn. Kiên quyết không để công nhân, lao động qua sông suối hoặc ra lô cao su khai thác mủ nếu thấy không an toàn...

Nhiều vườn cây ăn quả ở huyện Hiệp Đức đã được chằng chống, cột níu để giảm thiểu thiệt hại do gió bão quật mạnh. Ảnh: N.S
Nhiều vườn cây ăn quả ở huyện Hiệp Đức được chằng chống, cột níu để giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: N.S

Hiện nay, Tiên Phước là vùng trọng điểm cây ăn quả và cây gia vị của tỉnh với khoảng 275ha bưởi, 300ha lòn bon, hơn 458ha măng cụt, 81ha tiêu và nhiều diện tích trồng các loại cây khác. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào sáng nay 26.9, ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, những ngày qua UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn gấp rút triển khai đồng bộ các phương án phòng chống bão.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, ngoài thiết lập phương án di dời 9.000 người dân sống trong các ngôi nhà không kiên cố và những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn (trong đó có 5.000 người theo diện xen ghép và 4.000 người theo diện tập trung) thì chính quyền các địa phương của huyện cũng tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và đặc biệt là cắt tỉa cành, cột níu - chằng chống các loại cây ăn quả để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do gió bão gây ra.

“Hiện mỗi thôn trên địa bàn Tiên Phước đã thành lập tổ xung kích với số lượng ít nhất 10 người. Khi các chủ vườn cây ăn quả có quy mô lớn yêu cầu hỗ trợ trong việc cắt tỉa cành, chằng chống cây ăn quả thì chính quyền các xã, thị trấn linh hoạt huy động các tổ xung kích đến giúp đỡ...” - ông Nguyễn Hùng Anh nói thêm.

NGUYỄN SỰ